Áp lực của giáo viên bởi sáng kiến kinh nghiệm
(Sóng Trẻ) - Sáng kiến kinh nghiệm là một yêu cầu chính đáng trong sự phát triển của nền Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện sai quy cách và mục đích đang biến yêu cầu đó trở thành câu chuyện không hồi kết trong ngành.
Theo Thông tư số 35/2015/TT-BGD ĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 31/05/2015 về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục, việc viết sáng kiến kinh nghiệm là một tiêu chí bắt buộc cho những giáo viên nào muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên, do vậy, có rất nhiều giáo viên tham gia thực hiện. Nhưng điều đáng bàn là có nhiều người trong số họ chỉ coi sáng kiến kinh nghiệm là điều kiện đủ cho danh hiệu đó và để không bỏ phí nỗ lực trong cả năm giảng dạy. Điều này phần nào đã làm tăng áp lực công việc cho giáo viên và cũng dần trở thành mối lo lớn cho ngành Giáo dục.
Bản chất của sáng kiến kinh nghiệm
Sáng kiến kinh nghiệm là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo được tác giả tích lũy trong thực tiễn công tác, giảng dạy và giáo dục, bằng những hoạt động cụ thể đã khắc phục được những khó khăn mà với những biện pháp thông thường không thể giải quyết được, góp phần nâng cao hiệu quả rõ rệt trong công tác của người giáo viên. Viết sáng kiến kinh nghiệm là viết lại một cách rõ ràng, hệ thống những kinh nghiệm của bản thân đối với công việc mình đảm trách đã mang lại hiệu quả thiết thực, nếu người viết sang kiến dồn tâm huyết và trí lực của bản thân vào tác phẩm thì có thể nói sáng kiến kinh nghiệm này trở nên có giá trị bởi việc áp dụng sáng kiến vào thực tế công tác giảng dạy cũng dễ dàng thành công và đạt hiệu quả cao hơn.
Đến câu chuyện thực tế
Bản chất của sáng kiến kinh nghiệm cho thấy đó chỉ có thể là sản phẩm được sáng tạo ra bởi những người giáo viên đã có nhiều năm hoạt độnng và cống hiến trong ngành Giáo dục, nhưng bởi vì đặt nặng những danh hiệu khen thưởng cuối năm và không đành bỏ phí sự nỗ lực làm việc cả một năm học nên rất nhiều giáo viên mới vào nghề cũng mạnh dạn đăng kí đề tài và viết sáng kiến kinh nghiệm dù chưa hề nắm rõ về sáng kiến kinh nghiệm cũng như chưa hình dung được phải bắt đầu từ đâu và viết như thế nào…
Áp lực của giáo viên bởi sáng kiến kinh nghiệm (Nguồn Internet)
Áp lực như thế nào?
Đối với giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm, họ áp lực bởi câu hỏi: “Năm nay phải viết đề tài gì?” Bởi những người giáo viên này đều đặn mỗi năm lại sáng tạo ra một sáng kiến kinh nghiệm, càng về sau đề tài càng ít đi, họ rơi vào trạng thái “bí đề tài”, còn nếu cải tiến đế tài cũ thì có thể sẽ không làm mới được nhiều, như vậy sáng kiến kinh nghiệm không còn nguyên vẹn ý nghĩa của nó và cũng không được đánh giá cao.
Theo cô N.T.H.H, có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, hiện đang là Hiệu phó trường THCS A chia sẻ: “Sáng kiến kinh nghiệm thực chất cũng có tương đối nhiều đề tài, tuy nhiên giáo viên đã khá vất vả trong việc giảng dạy rồi, vậy nên năm nào cũng yêu cầu sáng kiến thì thật khốn khổ. Bản thân tôi đứng trong hàng ngũ Ban giám hiệu nhà trường nên năm nào tôi cũng phải gương mẫu đi đầu về việc viết sáng kiến kinh nghiệm, những ngày đó tôi hầu như phải thức đêm để làm cho được. Khi nhận về sáng kiến của đội ngũ giáo viên trong trường, kết quả cũng khiến tôi phải đắn đo, sáng kiến thường không được áp dụng đúng đắn vào thực tế bởi số lượng đang lấn át chất lượng sáng kiến, áp lực từ trên Sở đưa xuống khiến nhiều người đành phải viết sáng kiến chưa qua trải nghiệm”.
Đối với giáo viên mới vào ngành, kinh nghiệm chưa có mà công việc lại nhiều và nặng nề, bắt đầu đi dạy có nghĩa là cái gì cũng phải tự biên soạn mới tinh tươm, không có những giáo án cũ để mà tái sử dụng có điều chỉnh. Hầu như họ không có thời gian để viết và điều quan trọng là họ không có yếu tố cốt lõi để tạo ra sáng kiến kinh nghiệm, đó là thời gian lăn lộn với nghề để tích lũy những bài học kinh nghiệm.
Trích từ bài “Khốn khổ vì sáng kiến kinh nghiệm” đăng trên báo Tuổi trẻ Online, ông Võ Hồng Hào, phó chánh văn phòng thi đua khen thưởng Sở GD&ĐT Cà Mau nói: “Tôi thấy rất bất cập cho giáo viên khi mỗi người mỗi năm phải có một sáng kiến, phải là sáng kiến mới, nhiều người cũng không biết lấy gì để viết. Tôi đã nghe phản ảnh rất nhiều, đồng thời có kiến nghị đến Sở Nội vụ can thiệp để có phương án giải tỏa bớt áp lực cho giáo viên”. Ông Hào cho biết thêm: phòng tổ chức của sở đã có văn bản đến các trường trực thuộc sở đều phải làm sáng kiến kinh nghiệm, ai không có thì đương nhiên sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, nếu hai năm liền viên chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đồng nghĩa với việc phải ra khỏi ngành.
Vậy có nên chăng câu chuyện về sáng kiến kinh nghiệm cần được bàn lại một cách nghiêm túc để sáng kiến thực sự không còn chỉ là hình thức bắt buộc làm tăng áp lực cho giáo viên và cũng để ngân sách nhà nước không phải chi trả một khoản lớn cho công tác chấm sáng kiến chỉ để giáo viên có danh hiệu thi đua rồi sáng kiến lại được chất đống ở xó tủ?
Thế Thị Vân Anh
Báo in K35A1
Cùng chuyên mục
Bình luận