Bài 4: Trở ngại lớn để truyền thông bền vững về phân loại rác thải
Hưởng ứng luật Bảo vệ môi trường mới, nhiều dự án đã ra quân cổ động, hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Khoan nói đến sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, việc một bộ phận người dân vẫn còn thờ ơ, tham gia hoạt động chỉ vì quà, hoặc thậm chí lãng quên nội dung tuyên truyền ngay sau khi chiến dịch kết thúc đặt ra vấn đề: cần tìm lời giải tận gốc cho bài toán truyền thông bền vững về rác thải.
Mới đây Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã quy định việc thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Trước đó, hàng loạt chiến dịch truyền thông về thu gom và phân loại rác thải đã diễn ra nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Kể từ sau thời điểm luật có hiệu lực, tức 1/1/2022, các hoạt động truyền thông ngày càng được đẩy mạnh để sớm đưa quy định trên vào cuộc sống.
Chỉ riêng tại Hà Nội, nhiều tổ chức, chiến dịch, dự án truyền thông về thu gom và phân loại rác thải đã trở nên “quen mặt” với nhiều cộng đồng hưởng lợi, có thể kể đến như URENCO; Let’s Do It Hanoi; Keep Hanoi Clean; chương trình Local Solutions for Plastic Pollution (LSPP) thuộc GreenHub;...
Trong đó, tiêu biểu là chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng - hoạt động được URENCO phối hợp với tập đoàn Unilever và tổ chức xã hội mGreen thực hiện, dưới sự chủ trì của UBND các quận nội thành Hà Nội. Chương trình được diễn ra từ ngày 15/8/2020 tại quận Hoàn Kiếm và 4 quận trung tâm khác kể từ ngày 05/9/2020. Dự án nằm trong chuỗi hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, trường học về trách nhiệm phải thực hiện phân loại rác thải.
Ghi nhận của phóng viên tại các điểm đổi rác lấy quà, người dân được hưởng lợi từ chương trình có nhiều cảm nhận khác nhau.
Chị Vũ Thị Đào bán hàng nước ngay liền kề điểm nhận rác ở số 8 Phan Huy Chú, phường Phan Chu Trinh kể: “Trước khi COVID-19 ập đến, người dân đến đây đổi rất nhiều, tôi cũng thi thoảng gom được một chút bìa, nhựa và giấy để đổi. Nhưng trong đợt giãn cách xã hội, COVID-19 căng thẳng nên tôi không bán hàng được và cũng không đổi nữa. Và không biết vì sao, đợt này thấy người dân ra đổi rác lấy quà ít hẳn so với đợt trước.”
Chị Đào cũng cho biết các chương trình như vậy đem lại trải nghiệm “thú vị”, cũng thúc đẩy nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
Ngược lại, chị Phạm Thị Xuân, cũng buôn bán tại đường Phan Huy Chú cho biết rác được phân loại để lại cho đồng nát thay vì đến đổi quà. Chị giải thích một phần do “nhà ở xa, chỉ ở trọ thôi, không có hộ khẩu”, một phần do “không có thói quen tích trữ rác, mỗi ngày được 1-2 chai là đưa cho đồng nát luôn.”
“Ngày trước tôi từng đổi rác rồi, nhưng được vài lần thì chán, tôi thấy bán cho đồng nát tiện hơn, các sản phẩm được đổi cũng chưa phù hợp với tôi mà các loại rác đổi được cũng yêu cầu khắt khe, nên hơi tốn thời gian. Về sau, tôi không đổi nữa.”, chị Lê Thị Linh, cư dân tại phường Phan Chu Trình chia sẻ góc nhìn khác.
Dù người dân hưởng ứng chương trình theo nhiều cách khác nhau, không thể phủ định vai trò của các điểm đổi rác lấy quà trong việc hướng dẫn cộng đồng phân loại rác. Điều đáng tiếc là họ không thể giữ chân được người dân tham gia hoạt động lâu dài. chị Trần Thị Ngọc Hoa - tổ phó phụ trách quản lý môi trường trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, phường Phan Chu Trinh cho biết “nhiều khi ý thức người dân chưa cao nên họ cũng đổi một vài lần rồi lại đem ra đại lý bán hoặc chọn cách thức giải quyết khác tiện hơn.”
Về phía URENCO, đại diện công ty khẳng định: “Hoạt động đổi rác tái chế lấy quà bước đầu chỉ mang ý nghĩa truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về lợi ích và sự cần thiết phải phân loại rác tại nguồn, hướng dẫn người dân nhận biết được các loại rác tái chế và rác không thể tái chế. Từ đó tạo ra thói quen mang rác tái chế đã được phân loại đến các điểm đổi rác tái chế lấy quà tặng.”
Đơn vị này cũng cho biết, thực tế việc thu mua và đổi quà tại các điểm Greenday luôn đem đến cho người dân giá trị cao hơn bán đồng nát. Vì đây là hoạt động mang tính chất tuyên truyền để người dân nhận biết và từng bước nâng cao ý thức trong việc cần thiết phải phân loại rác tại nguồn.
Hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân làm truyền thông về rác thải, song giữa họ chưa có hoạt động thống kê đánh giá, kết nối chặt chẽ và định hướng hoạt động để đạt hiệu quả cao nhất.
Truyền thông về rác thải chưa hiệu quả và thiếu đồng bộ bởi nội dung dàn trải trên nhiều kênh, thiếu trọng tâm và chưa có một kế hoạch hành động chung được đầu tư như một chương trình trọng điểm xứng đáng với tầm quan trọng vấn đề môi trường.
Anh Nghiêm Xuân Sơn, trưởng ban truyền thông dự án Let's Do It Hanoi cho biết quá trình nâng cao nhận thức về phân loại rác thải không đạt được kỳ vọng bởi người dân sau một thời gian tuyên truyền quá nhiều dần đi đến chấp nhận thực trạng ô nhiễm tại môi trường sống. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí nhìn chung chưa thực sự quan tâm, phản ánh các vấn đề môi trường khiến những thay đổi trong thực tế còn rất hạn chế.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), do hạ tầng xử lý chưa phù hợp, rác thải vẫn còn đổ dồn vào một thùng thu gom khiến không ít người dân nhìn nhận việc phân loại là vô ích. Từ đó tạo nên tiền lệ xấu trong nhận thức, khiến nhiều dự án không tạo được hiệu quả lâu dài sau khi kết thúc.
Anh Sơn cũng cho rằng trọng tâm của truyền thông về rác thải là vận động người dân thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt hàng ngày, hạn chế rác thải,hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ khi nào vấn đề môi trường được đặt sự quan tâm đúng mức, nhận thức và hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng mới có sự thay đổi thực sự và ý nghĩa.
“Chúng ta đã thấy những thành công đạt được nhờ công tác tuyên truyền trong vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân trong hai năm qua, khi đại dịch COVID-19 tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của cuộc sống. Việc bảo vệ môi trường cũng cần được phổ biến và tuyên truyền sâu rộng để thực sự tạo ra tác động rõ rệt", anh Sơn khẳng định.
"Việc bảo vệ môi trường cần sự phối hợp đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức phi chính phủ và cả người dân mới có thể đạt được hiệu quả rõ ràng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý và những hỗ trợ kịp thời để người dân sẵn sàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, tạo môi trường thân thiện tại chính Hà Nội", bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú - điều phối viên Let's Do It Hanoi kỳ vọng.
Truy cập tại đây để biết thông tin chi tiết.