Bàn tay giữ hơi cay lên men say tình người

(Sóng trẻ) - Những bàn tay ngày ngày quấy đều những nồi rượu từ đời này sang đời khác như bà Lê Thị Mun (Làng Yên Ngưu, Xã Tam Hiệp, Huyện Thanh Trì, Hà Nội ) đã tạo nên một nét đặc trưng riêng của vị rượu thấm đượm tình người mãi trường tồn với thời gian, làm nao lòng khách thập phương – rượu làng Ngâu.

Nằm yên ả ở nại thành Hà Nội, tránh xa những xô bồ của cuộc sống thường nhật, làng Ngâu e ấp với đồng lúa mênh mang, những buổi sáng sương mai tinh khiết, hương rượu cay nồng những buổi chiều hôm và những con người “giữ hơi cay lên men say tình người”. Câu ca dao "rượu hũ Làng Ngâu, bánh đúc trâu Làng Tó" đến nay vẫn được nhắc nhớ càng làm nghề nấu rượu thủ công ở đây đượm tiếng thơm.

Tôi gặp bà vào một buổi chiều ngày Quốc Khánh. Khi cả nước đang tưng bừng trong ngày nghỉ lễ, cùng nhau đi chơi, nghỉ dưỡng sau những ngày làm viêc vất vả thì bà và gia đình vẫn ngồi quây quần bên bếp lửa, bên những chậu men, nồi rượu, quấy đều những ấm ủ không tên. 

Vừa nghe tôi hỏi đây có phải là nhà cụ Mun nấu rượu không thì bác dâu cả nhà bà đã đon đả trả lời “Cô đến mua rượu à?”, còn bà vẫn tiếp tục công việc bên nồi rượu. Phải đến khi tôi nói tôi đến đây để xin được viết bài ca ngợi về rượu làng nghề nhà mình thì bà mới ngưng tay làm và chào đón tôi bằng nụ cười đôn hậu. Bà Mun năm nay đã nài 80 tuổi những trông bà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm, bà còn hài hước bảo với tôi: “Ngày nào còn ngửi cái mùi rượu làng mình là thấy thọ thêm được vài năm”. Từ khi biết tôi muốn viết bài về rượu làng mình, ánh mắt bà như ánh lên niềm vui, sự tự hào của một người con đất rượu.

c51c47edf_4249934_1605208699779215_3247513818442007809_o.jpg

Bà Mun cùng các cháu quây quần bên nhau

Từ khi còn nhỏ, bà đã được chứng kiến ông bà, bố mẹ làm rượu. Tuổi thơ bà gắn liền với những cánh đồng hoa cúc, với bếp lửa, với rổ men phơi và bà đã lớn lên trong hơi rượu cay nồng của gia đình và làng quê mình. Bà cũng không biết nghề nấu rượu ở làng Ngâu có từ bao giờ chỉ biết nó đã có từ rất lâu, từ trước thời của bố mẹ bà, rồi truyền cho bà và bây giờ bà lại truyền lại cho con cháu. Không ai biết chính xác rượu Ngâu có từ bao giờ, họ chỉ biết rằng họ sinh ra là người dân làng Ngâu và họ phải có trách nhiệm bảo tồn và tiếp nối cái nghề của quê hương mình như cách mà bà Mun đã gìn giữ cho gia đình mình đến tận bây giờ. 

Nhà bà không ngày nào là không phải chuẩn bị cho công việc nấu rượu, từ chuẩn bị củi, gạo, cơm, men, nồi chậu, ... đều được bà và các con cẩn thận làm. Tuy nhiên men rượu phải ủ ít nhất trong một tuần, thành ra một tuần hoặc hơn mới nấu được một mẻ rượu. 

c51c47edf_14195442_1605208696445882_298725274154412051_o.jpg

Những nguyên liệu nấu rượu được bà Mun và các con của bà chuẩn bị rất kỹ lưỡng

Bà dạy con cách phải chọn củi ra sao để lửa được đủ, hay phải trộn men như nào để men được đều, tất cả đều được bà truyền lại cho con cháu không thiếu một bước. Thậm chí tôi còn nhận thấy cả tình yêu đối với nghề của làng cũng được bà truyền lại sâu đậm đến con cháu của mình. Nhìn bác dâu cả nhà bà lúi húi trong bếp nấu rượu, rồi thoăn thoắt chạy ra kiểm tra rổ men, vừa làm bác vừa chỉ cho tôi những đồ để nấu rượu trong giọng nói đầy phấn khởi đủ để biết bà đã rất thành công trong việc bảo tồn nét đặc trưng của làng quê mình cho con cháu. Không gian bếp nấu rượu nhà bà cũng rất đơn sơ giản dị với những công cụ và nguyên liệu truyền thống. Bước chân vào gian bếp đó, tôi nhận ra hơi rượu, tình người phả vào tận trong tâm can tôi. Có lẽ đó chính là lí do mà rượu Ngâu vẫn tồn tại đến tận bây giờ và mê hoặc được thực khách khắp nơi.

Say mê với nghề nấu rượu như vậy, nhưng khi tôi hỏi bà :” Vậy đây có phải là nguồn thu nhập chính của gia đình bà không ạ?” thì bà lại nói là “Không”. Bà bảo “Con trai tôi mỗi đứa một nghề, con dâu cũng có đứa đi làm đồng, làm công nhân nhưng cứ chiều đến là tôi và mấy đứa con vẫn nhóm lửa nấu rượu đều.” Bà nói thêm “Nấu rượu để bán cho người ta đã đành, nhưng nhà tôi đó còn là một công việc nhà như hái rau cơm nước, mà không làm là thấy ngứa ngáy tay chân”.

Mặc cho bây giờ số nhà còn nấu rượu chỉ đếm trên đầu ngón tay, họ từ bỏ cái nghề vất vả này để đi theo những công việc khác kiếm thu nhập hơn thì bà Mun cùng con cháu vẫn nhen lên những đống lửa yêu nghề, yêu cái làng mình từng ngày từng ngày. Hoặc có những nhà pha chế thêm vào rượu, cắt xén công đoan bằng hóa chất để kiếm nhiều lãi hơn thì nhà bà Mun vẫn nấu hoàn toàn bằng gạo nếp và hoa cúc. 

Bà nói “Giữ được cho đến bây giờ thì người ta phải có cái tâm với nghề, mình làm là cho cả con cháu mình uống, là cho cả nước biết đến rượu làng Ngâu thấy nn và tìm đến mua lần hai lần ba chứ không phải mua lần đầu rồi thấy sợ, tránh xa”. Dù không nói nhiều nhưng tôi vẫn hiểu trong tận tâm bà là niềm tự hào đối với làng mình cũng như tình yêu bà dành cả đời để gìn giữ và phát triển cho nghề rượu quê hương. Bà nhìn nồi rượu sôi lên rồi lại quay ra nhìn tôi mãn nguyện “Chỉ cần thấy người ta từ xa đến hỏi rượu làng Ngâu là tôi vui lắm”.

Tự hào là vậy nhưng bà cũng như những người dân nấu rượu ở đây vẫn có những trăn trở về thương hiệu của rượu quê mình không được công nhận. Dường như làng Ngâu vẫn còn quá nhỏ bé và chưa được các cấp chính quyền quan tâm nhiều để có thể đưa thương hiệu rượu làng Ngâu lên một tầm cao mới. Nhưng trăn trở đó cũng chỉ là những suy nghĩ bộc phát, thoáng qua, những con người ở đây họ không cần những danh vọng ấy, cái họ cần là làm sao có thể gìn giữ được làng nghề mình, có thể làm con cháu thêm yêu rượu làng mình, yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Hằng ngày những người như bà Mun vẫn cần mẫn nấu những nồi rượu thơm, ủ những hũ rượu cay nồng đượm cả một tình người, tình yêu quê hương trong đó.

Ở cái tuổi gần đất xa trời này, hạnh phúc với bà đơn giản là chăm sóc cho từng mẻ rượu và quây quần bên con cháu. Bà vẫn hằng ngày kể về làng mình, về con người, về cái nghiệp làng mình cho con cháu nghe để tình yêu một lần nữa lại truyền đến những thế hệ sau.

Cảm ơn bà – đôi bàn tay giữ hơi cay lên men say tình người !

Nguyễn Hồng Nhung - Báo in K35A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN