Báo chí trong cơn khủng hoảng? (Phần 2)

(Sóng trẻ) - Câu hỏi hiện đang chiếm tâm trí của những người làm báo là nghề báo sẽ đi về đâu khi dường như báo chí đang đi vào chỗ bế tắc, cả về mô hình hoạt động lẫn vai trò đối với xã hội. Báo in không thể phát triển mạnh như trước trong khi báo mạng chưa đem lại doanh thu bù đắp chi phí; người dân dường như đang tìm đến thông tin từ các nguồn không chính thống và niềm tin vào báo chí đang sụt giảm chưa từng thấy.

Theo ý kiến của riêng tôi, báo chí không phải đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Báo chí chỉ đang thay đổi nhanh chóng và những biểu hiện bên nài là cơn đau nhằm thích nghi với những sự thay đổi sâu rộng này. Những thay đổi đó là gì và người làm báo phải thích nghi như thế nào?

Phần II: Vai trò người đưa tin

Tất cả những chuyện từ đầu đến giờ thật ra là mối quan tâm của giới quản lý báo hơn là của phóng viên, biên tập viên. Tôi nghĩ phóng viên đang quan tâm đến những vấn đề khác, theo dạng “biết tin vào cái gì để viết?” như cách đây trên 20 năm tôi viết bài “Biết tin vào cái gì để sống” trên tờ Tuổi Trẻ. Nhiều người nói người làm báo hiện nay đang lâm vào tình trạng khủng hoảng: khủng hoảng về giá trị nghề nghiệp, khủng hoảng về tiêu chí đánh giá nghề nghiệp, khủng hoảng về lý tưởng mà tôi nghĩ bất kỳ ai yêu thích nghề báo đều từng ấp ủ: cố gắng dùng ngòi bút để làm cho cuộc đời tốt hơn một chút.

Trước tiên là chuyện báo chí công dân, liệu chức năng của nhà báo chuyên nghiệp sẽ bị lấn lướt? Tôi nghĩ tác động từ các blog các loại trang cung cấp thông tin không chính thống là có. Nhưng đó chỉ là tác động ngắn hạn, không bền vững. Tác động đó thể hiện ở sự bực bội của người phóng viên không thể viết một cách phóng túng như blogger, ưa đưa tin thì đưa, ưa chuyển sang bình luận thì bình luận, hầu như không có đề tài cấm kỵ, hầu như có thể hàm hồ mà không sợ bị buộc tội phỉ báng hay nói xấu người khác vô căn cứ. Tác động đó cũng là áp lực buộc chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những sự kiện thời sự được người dân quan tâm.

Ở đây, nếu chúng ta bình tĩnh nhớ lại các yếu tố cơ bản của báo chí như tôn trọng sự thật đã được kiểm chứng, mọi tin đều có nguồn, duy trì tính khách quan, độc lập với sự kiện hay nhân vật được đưa tin… thì chúng ta có thể dự đoán blog sẽ bổ sung chứ không bao giờ có thể thay thế báo chí chuyên nghiệp vì các cá nhân dưới dạng báo chí công dân không bao giờ có đủ nguồn lực và mạng lưới như một tổ chức báo chí để có thể thay thế được nó.

Vì thế xin mở nặc để đưa ra một nhận xét cho các bạn phóng viên trẻ: không nên tự mình dễ dãi với chính mình theo phong cách blog – blog là blog và báo chí là báo chí. Hai bên khác nhau, không nên lẫn lộn.

Nếu báo mạng mở các blog cho phóng viên, bên cạnh tin bài chính thức còn có thể viết thêm suy nghĩ tình cảm hay chuyện bếp núc của những tin bài đó thì chúng ta sẽ kết hợp được cả thế mạnh của hai thế giới.
f6f9015b0_anh_1.jpg

Nhưng, cũng như đã nói ở trên, vai trò của người phóng viên hiện nay đang thay đổi. Người phóng viên không chỉ đơn thuần là đưa tin mà phải giúp độc giả hiểu những gì đang xảy ra. Trong thế giới mạng Internet ngày nay một tin gì xảy ra, ngay lập tức sẽ có tường thuật đầy đủ trên một mạng nào đó. Vai trò của người phóng viên chuyên nghiệp là tiêu hóa thông tin này và vẽ lại bức tranh sao cho dễ hình dung nhất, dễ thấy nhất cho độc giả. Chuyện này không có gì mới nhưng với sự không giới hạn về độ dài hay các kỹ thuật khác của báo mạng, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy mạnh thêm chuyện cung cấp thông tin nền, cung cấp các giải thích, cung cấp các phỏng vấn bằng video, âm thanh. Lúc đó mới mong người đọc tìm đến với chúng ta.

Hiện trạng báo chí Việt Nam

Cuối cùng xin nói về tình hình thực tế của làng báo Việt Nam để thấy rằng con đường phát triển của báo chí đang bị cản trở như thế nào.

Bất kỳ lúc nào đề cập đến báo chí Việt Nam, chúng ta không thể quên được đặc điểm quan trọng nhất là tất cả mọi cơ quan báo chí, về lý thuyết là cơ quan nhà nước – báo chí là báo chí nhà nước chứ chúng ta không có báo chí tư nhân.

Nói như vậy để thấy, đặt mình vào vị trí của một tờ báo do Cục Du lịch Thái Lan ấn hành chẳng hạn, chúng ta sẽ làm gì, viết gì? Rõ ràng nhiệm vụ chúng ta lúc đó là quảng bá bằng mọi cách cho nền du lịch Thái Lan – không thể có chuyện chúng ta nhảy vào bênh phe áo đỏ hay phe áo vàng, không có chuyện phân tích vai trò của Hoàng gia trong các cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Một tờ báo do FDA (Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) làm chủ chẳng hạn sẽ không bao giờ có chuyện đăng bài hướng dẫn trị bệnh cương dương hay chuyện tình ái của các ngôi sao điện ảnh.

Thế nhưng một xã hội bình thường không thể thiếu báo chí trong vai trò như một diễn đàn của công luận mà người dân trông cậy để hiểu được tình hình mọi mặt của đất nước, được người dân giao phó nhiệm vụ giám sát bộ máy nhà nước, ngăn chận sự lạm dụng quyền lực để tham ô hối lộ hay được chính nhà nước kỳ vọng là công cụ để kiểm soát các quan chức của chính mình.

Vì thế báo chí Việt Nam phải tự mở rộng vai trò của mình, không còn gói gọn là cơ quan ngôn luận của các cơ quan nhà nước chủ quản.

Bất kể mọi phiền toái hay thậm chí rủi ro mất chức, mất thẻ, các anh chị vẫn viết và vẫn cho đăng những bài thể hiện sự lo lắng của đại biểu quốc hội về dự án bauxite, hay sự bất lực của ngư dân trước lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc và sự chối bỏ trách nhiệm của nhiều quan chức nhà nước. Các anh các chị vẫn tiếp tục cho người dân thấy được những cảnh đời khốn khó đằng sau các dự án hào nhoáng hằng tỷ đô-la, hay những vụ tham nhũng, ăn cắp đồng tiền đóng thuế của người dân. Không phải là người cùng trong làng báo mà tôi nói thế – tôi thì nghĩ một trăm bài đưa lên blog ẩn danh không bằng một bài được đăng mà người ký duyệt biết trước sau gì sẽ bị phê bình.

Tôi cho rằng cái yếu kém nhất của giới quản lý báo chí hiện nay là không thấy được vai trò của báo chí trong việc bảo vệ đất nước này, họ chỉ đơn thuần nghĩ tốt nhất là nên cấm trước cái đã mà không hiểu rằng làm suy yếu báo chí chính là họ đang làm suy yếu bộ máy nhà nước và đang từ bỏ một vũ khí hữu hiệu nhất họ đang có trong tay. Thiệt không thể hiểu nỗi tự nhiên làng báo bỗng sinh ra khái niệm lề phải, lề trái; trong khi như các anh chị đều biết, làng báo làm gì có lề, nhà báo phải đi ngay chính giữa đường mới mong làm đúng chức năng của mình chứ.

Những cấm đoán không thể hiểu nỗi chắc các anh chị cũng đã biết cả rồi nên tôi không nhắc lại ở đây chỉ xin nhấn mạnh một ý: trước sau gì giới quản lý báo chí cũng hiểu ra họ đã sai lầm như thế thế nào, vấn đề là lúc đó đã muộn chưa, báo chí đã suy yếu đến mức không gượng lại được hay chưa mà thôi.

Một trong những lý lẽ mà giới quản lý báo chí thường đưa ra để yêu cầu cấm đăng tin là nhân danh lợi ích dân tộc, lợi ích người dân. Ví dụ đăng tin gạo đang thừa mứa trên thị trường sẽ gây khó cho nông dân, đăng tin ô nhiễm môi trường sẽ gây thiệt hại cho xuất khẩu thủy sản… Đây là lập luận nguy hiểm nhất vì nó sẽ được dùng trong bất kỳ trường hợp nào nếu người ta muốn bảo vệ quyền lợi của bất kỳ nhóm dân cư nào đó. Lấy gì minh chứng những tin tức như vậy có hại cho nông dân thật sự hay chỉ có hại cho giới sống trên mồ hôi nước mắt của nông dân; có phải giới thương nhân nước nài chỉ chăm chăm đọc báo trong nước để tìm hiểu về tình hình thị trường; có phải người ta chỉ chú tâm đến lợi ích ngắn hạn bất kể về dài hạn, việc thiếu thông tin sẽ gây tác hại lớn gấp trăm lần… Mà đó là trường hợp hiếm hoi, phần lớn chuyện nhân danh lợi ích đất nước lại thực chất là để bảo vệ lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp hay cơ quan nào đó.

Mà như các anh chị đã biết, một xã hội không thể nào sống thiếu thông tin. Một khi thông tin thiếu vắng ngay lập tức lời đồn đoán sẽ lan ra để thay thế. Và trong thời đại Internet, hình thức thể hiện của tin đồn sẽ biến hóa thành blog thành các bài viết trên đủ loại diễn đàn. Điều đau khổ nhất của người làm báo chính là việc bị buộc từ bỏ mặt trận thông tin cho giới không chính thống làm mưa làm gió và bị độc giả từ bỏ mình. Một bạn đọc gởi bài đến báo của tôi nói rằng, người đọc hiện nay có một thú tiêu khiển mỗi sáng: đó là đọc báo để xem những tin gì đã không được đăng!

Sự yếu kém của giới quản lý báo chí đang dẫn đến tình huống làm cho người dân tưởng là nhà nước đang từ bỏ rất nhiều vai trò, kể cả vai trò bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đây là một điều rất nguy hiểm vì thực tế không nhà nước nào làm chuyện đó. Có thể nói, một cách gián tiếp giới quản lý báo chí với tầm nhìn hạn hẹp đang làm suy yếu chính nhà nước này.

Đáng buồn là sự cấm đoán như thế dẫn đến hai hệ lụy: – phóng viên dễ rơi vào sự chán nản, để rồi dần tránh xa những đề tài nhạy cảm, dễ bị cuốn hút vào loại tin bài hiếu hỉ; – hệ lụy thứ hai là ít ai dám lên tiếng, ngay cả ở hướng ngược lại vì sợ mang tiếng là “bồi bút”. Giả dụ, ở đây tôi chỉ giả dụ là có ai đó thấy việc khai thác bauxite là cần thiết – thử hỏi người đó có dám thực hiện bài viết này không, trong bối cảnh hiện nay?

Mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý báo chí với báo chí đang xấu hơn bao giờ hết – xấu ở chỗ mối quan hệ này không dựa vào một cơ sở lý luận gì hết.

Chúng ta đều biết ngay ở trường học, thầy giáo muốn kỷ luật học sinh thì cũng phải dựa vào nội quy nhà trường; ở công ty, giám đốc muốn khiển trách nhân viên cũng phải dựa vào nội quy công ty. Còn rộng ra, ngay chính các công ty nhà nước, các bộ ban ngành muốn làm gì họ cũng phải dựa vào luật lệ. Vậy thì tại sao việc quản lý báo chí đa phần là dựa vào cảm tính, lúc thế này lúc thế khác.

Trong tình hình gay cấn như các anh chị đều biết mà các tờ báo ngày vẫn tìm cách đưa lên mặt báo những tin bài “nhạy cảm” là một điều hết sức dũng cảm. Tuy nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc những người làm báo phải đặt vấn đề sòng phẳng với lãnh đạo nhà nước, để họ thấy rằng cách làm như hiện nay không chỉ có hại đến uy tín báo chí mà còn hại đến uy tín chính giới lãnh đạo, hình ảnh đất nước, sự bền vững của các thể chế và những chuẩn mực thông thường của xã hội.

Có thể làm được gì?

Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn có thể viết được về nhiều đề tài khác nhau. Về chuyện này chắc các anh chị làm tòa soạn một tờ báo ngày rành hơn tôi nhưng tôi cũng xin mạnh dạn đóng góp một số ý kiến:

- Đầu tiên là sự chính xác để lấy lại uy tín của báo chí trong cảm nhận của mọi giới. Cách đưa tin “Bắt ca sĩ giao cấu với trẻ em” là không chấp nhận được nữa rồi vì nhà báo không thể thay quan tòa kết tội bất kỳ ai. Chính xác, chuyên nghiệp là đòi hỏi muôn đời của nghề báo nhưng hiện nay lại càng quan trọng hơn bao giờ hết để không ai có thể bắt bẻ vào chi tiết – một điểm mà giới quản lý hay vin vào. Chính vào thời điểm này mà những bài học cơ bản về nghề báo như luôn gán nguồn cho thông tin là quan trọng hơn bao giờ hết.

- Thứ hai là tôn trọng sự thật, hiểu theo nghĩa thà không viết chứ đừng viết ngược những gì mình tin là đúng. 

- Thứ ba là chú ý đến các tin bài mang tính nhân văn, tính người hơn. Có lẽ hàng trăm bài dài về nông thôn nông nghiệp cũng không đọng lại ở lòng người đọc bằng bút ký “Cái đêm hôm ấy, đêm gì?” của Phùng Gia Lộc.

- Thứ tư là khai phá những đề tài khác của xã hội, thời sự hóa chúng, chủ động biến chúng thành tin tức. Ví dụ nói chuyện chống tham nhũng, tại sao không nhìn ở góc độ xã hội học, xem thử các bậc cha mẹ có sẵn lòng chạy chọt cho con có chỗ làm, vì sao họ hỏi nhau và tỏ vẻ hài lòng khi biết con bạn mình làm ở một vị trí nn lành như Hải quan chẳng hạn? Đấy chính là cái gốc của tham nhũng mà chưa thấy ai đề cập.

- Thứ năm là tìm góc nhìn mới, tìm phong cách riêng, nói tóm lại là tạo dựng cho mình một tên tuổi trong lòng độc giả. Không phải là tên tuổi như một ngôi sao mà là một chuyên gia trong từng lãnh vực, bất kể đó là giao thông, ngân hàng hay sách hay phim. Chuyên gia thật sự.

Với các đồng nghiệp làm công tác tòa soạn, tôi nghĩ chúng ta phải luôn luôn đòi hỏi sao cho giới quản lý chúng ta làm đúng luật và tôn trọng pháp luật – tất cả mọi phán xét phải dựa vào luật pháp cụ thể chứ không thể là ý kiến chủ quan của anh Ba hay anh Tư mãi được.

ab43934a9_1.1.jpg

Chủ quản?

Vấn đề cuối cùng của buổi nói chuyện hôm nay là tương lai báo chí Việt Nam xét ở góc độ chủ quản sẽ như thế nào?

Tôi nghĩ ngày sẽ có nhiều tờ báo chuyển về cho các hội đoàn như hình thức Tuổi Trẻ thuộc Thành đoàn; Người Lao động thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố. Quốc hội và ngay chính Chính phủ sẽ không chấp nhận một bộ dùng tiền ngân sách để nuôi một tờ báo không tuyên truyền cho chính sách của bộ mà lại đi viết về chuyện tình dục hay chuyện đời tư các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc. Vấn đề là các hội đoàn này có mạnh lên để làm đúng chức năng của nó không hay vẫn sống nhờ vào ngân sách nhà nước.

Điều quan trọng hơn là các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ cho ra đời nhiều tờ báo mà việc sửa đổi Luật báo chí đang chuẩn bị dọn đường cho việc này. Đây sẽ là một điều nguy hiểm cho nền báo chí Việt Nam vì lúc đó tiếng nói của giới kinh doanh làm ăn sẽ lấn lướt tiếng nói của người tiêu dùng; các nhóm lợi ích sẽ có công cụ để vận động hành lang cho chính sách có lợi cho họ bất kể lợi ích của cộng đồng, xã hội hay môi trường. Đây là một vấn đề lớn xin hẹn một dịp khác chúng ta cùng bàn thảo.

Nguyễn Vạn Thọ (Theo Vietnamjournalism)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN