Bắt nhịp với tích hợp liên môn
(Sóng trẻ) - Năm học 2021-2022, là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 với các môn học tích hợp từ nhiều đơn môn. Dù đã có hướng dẫn từ nhưng đây vẫn là thách thức lớn đối với mỗi giáo viên.
Giáo viên lúng túng
Theo Chương trình GDPT mới đối bậc Trung học cơ sở (THCS), môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành hai môn chính là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (KHTN). Điều này gây ra không ít xáo trộn cho giáo viên. Thói quen từ phương pháp dạy đơn môn được chuyển sang tích hợp liên môn song vừa phải đảm nhiệm dạy các đơn môn của lớp 7, 8, 9 theo chương trình.
Việc xây dựng tích hợp nội dung chính các môn theo chủ đề cùng với sự chú trọng đến yếu tố thực hành và thí nghiệm trong giảng dạy giúp cho bài học trở nên sinh động, thu hút với học sinh, tạo động lực để các em sáng tạo, tự tư duy theo cách suy nghĩ của bản thân. Tuy nhiên, giai đoạn đầu triển khai dạy môn học đặc biệt, nhà trường gặp khó trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên cũng như thời khóa biểu dạy học, đặc biệt trong quá trình kiểm tra, đánh gía học sinh.
Năm học này, cô Đỗ Phương Thảo, THCS Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội được phân công giảng dạy môn khoa học tự nhiên lớp 6: “Việc xây dựng môn học theo chủ đề giúp nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp lại, vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh trải nghiệm thực hành nhiều hơn trong quá trình học tập. Nhưng thực tế triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề khó khăn. Khó nhất là việc quá tải số tiết của giáo viên giảng daỵ. Chỉ trong một thời gian ngắn mà số tiết tăng lên đột biến. Cùng với 4 tiết dạy các em học sinh lớp 6 với môn tích hợp, các thầy cô còn đảm nhiệm song song tiết Lý, Hoá, Sinh lớp 7,8,9”.
“Mỗi bài kiểm tra được đưa ra dựa vào số tiết đã dạy của mỗi chủ đề. Ví dụ, với 1 bài kiểm tra 40 câu với môn Sinh chiếm tỷ lệ là 2/3 thì mình sẽ xây dựng câu hỏi với tỉ lệ đó. Nội dung Hóa Học và Vật Lý cũng tương tự như vậy. Ngoài ra trong quá trình học trực tuyến, việc kiểm tra dưới hình thức trắc nghiệm là ưu tiên nhưng nếu thi trực tiếp sẽ kết hợp với cả bài thi tự luận tích hợp liên môn”, Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng, Trường THCS Nguyễn Trãi, Ba Đình chia sẻ
Vẫn còn khó khăn, vướng mắc
Hiện nay, hầu hết các trường THCS đều chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo chuẩn chuyên môn. Thầy cô phải nỗ lực hết sức trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng và phối hợp chặt chẽ với nhau. Vừa dạy vừa tự nâng cao dần năng lực chuyên môn.
Cô Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: “Một giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy tích hợp kiến thức cả 3 môn. Các cô sẽ vẫn phải vừa học, vừa dạy vừa mò mẫm, vừa thảo luận và cải thiện kiến thức các môn học cùng nhóm ngành. Sắp tới, nếu có thêm hoạt động được bồi dưỡng và đào tạo kiến thức từ Bộ GD&ĐT thì một giáo viên sẽ dạy được cả môn tích hợp, chứ không cần phân cho nhiều người dạy một môn”.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ thực tế có thể thấy, việc dạy học tích hợp đã được đưa vào chương trình phổ thông, giúp học sinh phát huy rất tốt kỹ năng, giải quyết vấn đề thực tiễn một cách nhanh chóng; việc dạy học tích hợp cũng góp phần lược bỏ kiến thức trùng lặp ở nhiều môn, giảm tải chương trình học gây áp lực nặng nề cho giáo viên và học sinh.
“Hiện nay, trường THCS Nguyễn Trãi đã hoàn thành kiểm tra và đánh giá học sinh với môn học tích hợp của học kì I. Ngoài những bài kiểm tra trắc nghiệm, các em học sinh sẽ tự nghiên cứu về chủ đề có trong nội dung học và trình bày trước lớp dự án của mình. Cô và các bạn khác trong lớp có thể góp ý. Như vậy, sau một kì học, các em sẽ có cái nhìn chính xác và nắm vững kiến thức hơn khi vừa kết hợp giữa nghiên cứu và thực hành”, cô Hương cho hay.
Bắt nhịp với chương trình dạy học tích hợp, các trường phổ thông rất cần sự quan tâm từ nhiều phía trong việc nhận diện và giải quyết những vướng mắc đặt ra trong thực tế... Đáp ứng với yêu cầu này, giáo viên buộc phải tự nâng cao năng lực, trang bị kiến thức tích hợp, liên môn bài bản và thay đổi phương pháp dạy học.