Câu chuyện tiền điện sinh viên ra sao khi Thông tư 25 có hiệu lực?
(Sóng Trẻ) - Từ ngày 26/10/2018, Thông tư 25/2018/TT – BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2014/TT – BCT về thực hiện giá bán điện chính thức có hiệu lực. Theo đó, đối tượng sinh viên sẽ được hưởng tiền điện giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn đang chịu cảnh lao đao vì giá điện.
“Nghìn lẻ” câu chuyện điện nước sinh viên
Vũ Văn Hoàng (25 tuổi) trọ tại ngõ 36 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội được sáu tháng cho biết trung bình mỗi tháng mất khoảng 100 nghìn cho tiền điện. Giá mỗi số (kWh) là 4.500 đồng. Hoàng sử dụng điện thắp sáng, quạt và máy tính và một số đồ dùng khác.
“Mỗi tháng bố mẹ gửi mình hai triệu đồng, cộng tiền đi làm thêm khoảng một triệu, nhưng theo mình, tiền điện như vậy khá là tốn so với mặt bằng chung của sinh viên.” – Hoàng cho biết thêm.
Tháng hè vừa qua, có bạn trong khu trọ Hoàng ở không dám bật quạt và sử dụng nhiều điện vì giá ở đây đắt quá. Nhiều bạn mới ở quê lên thành phố, chưa đi làm thêm nên không có thu nhập mà hầu hết do người thân chi trả chi phí sinh hoạt.
Tương tự, Bùi Thị Phương Anh - Sinh viên năm tư, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, giá điện như hiện nay là hơi “chát” với sinh viên. Tháng hè, phòng có ba người, sử dụng hết trên dưới 100 kWh. Phương Anh cho rằng: “Đối với những người đi làm rồi thì đó là bình thường, nhưng với sinh viên mình cảm thấy số điện quá nhiều. Trong khi mình chỉ dùng điện cho tủ lạnh, quạt, và máy tính cá nhân.”
Phương Anh cho rằng, tiền điện rơi vào 4 nghìn 500 đồng/kWh là hơi “chát”. Ảnh: Nguyễn Hằng
Nữ sinh cho biết thêm, sẽ không có chuyện tiền điện giảm đi vì sự cạnh tranh giữa các nhà trọ. Do đó, giá điện sẽ dao động trong khoảng 4.000 đến 4.500 đồng.
Còn Lê Nguyễn Huyền Trang – Sinh viên năm ba Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (trọ tại hẻm 209, Quốc lộ 13, TP. Hồ Chí Minh) cảm thấy “phát rồ” mỗi khi mùa hè tới. Huyền Trang cho biết, giá điện là ba nghìn đồng/kWh. “Giá như vậy với mình là cao, cao thì tốn tiền, chứ quạt thì vẫn phải bật vù vù không thành lợn quay mất. Nếu không có quạt thì các nhà sẽ biến thành sa mạc. Nhiều lúc nóng quá quạt không hết nóng nên đành ra siêu thị rồi cửa hàng tiện lợi cả chiều để giảm bức bách.” - Cô chia sẻ thêm.
Nhiều người mơ hồ, không hiểu rõ Thông tư
Chủ trọ là gia đình ông bà Mến tại ngõ 36 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, không biết có Thông tư 25 và giá tiền điện là giá chung và sẽ không giảm tiền đi: “Tiền điện tôi vẫn lấy bốn nghìn rưỡi/số. Bây giờ giá điện là giá chung, xăng dầu lên thì giá điện còn tăng ý. Các phòng như thế nào thì tôi lấy người thuê như thế.”
Nhân vật Vũ Hoàng và Phương Anh được nhắc trong đầu bài viết chia sẻ đã đọc thông tin Thông tư 25 trong thời gian trước tuy nhiên không hiểu rõ. Còn Huyền Trang hỏi chủ trọ thì họ bảo không để ý đến Thông tư, vẫn áp dụng giá điện như cũ, không có gì thay đổi.
Thông tư 25/2018/TT – BCT hướng dẫn về cách tính giá điện cho sinh viên và người lao động thuê nhà (không phải một gia đình). Theo đó, nếu thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện người thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện cho chủ nhà).
Giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành.
Nài ra, nếu thuê nhà có hợp đồng thuê dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đẩy đủ số lượng người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ sinh hoạt bậc ba: Từ 101 – 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại công tơ.
Đặc biệt, nếu kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì chủ nhà được cấp định mức sử dụng điện theo nguyên tắc cứ bốn người được tính là một hộ sử dụng điện. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức.
Nguyễn Hằng
Cùng chuyên mục
Bình luận