Chợ quê - vẫn còn đây "hương đồng gió nội"
(Sóng trẻ) - Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở miền quê, chắc hẳn sẽ không thể quên được cái hương đồng gió nội của chợ quê – nơi gói ghém nhiều hình ảnh thân thương, là chốn mưu sinh của nhiều người dân quê đồng thời cũng là một nét văn hóa của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác.
Từ xa xưa, chợ quê đã tồn tại như một nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình, mỗi vùng quê. Chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là không gian văn hóa, là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa bà con trong vùng.Trước kia, chợ họp theo phiên, thường là vào ngày mùng 1 hoặc 15 hàng tháng. Ngày nay, do nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân ngày càng tăng nên phiên chợ diễn ra thường xuyên và đều đặn hơn. Chợ họp đều vào tất cả các ngày trong tuần từ tờ mờ sáng cho đến xế trưa. Đặc biệt, vào những dịp lễ tết, chợ quê càng trở nên ồn ào, náo nhiệt, đông vui, tấp nập hơn.
Người bán hàng trả tiền thừa cho khách
Không gian chợ là “sân chơi” chung cho hết thảy mọi người. Từ cụ bà bán trầu cau cho đến những cô hàng xén, hàng rau. Từ các chị bán vải vóc, chè, chuối, mắm, muối, tương cà cho đến những anh hàng dao, hàng kéo… Tất cả đều sum họp trong cái không gian dung dị, mộc mạc, tự nhiên mà thấm đượm tình quê, tình người.
Một người bán rau đang đưa rau cho khách
Sản phẩm ở chợ quê cũng đa dạng, phong phú nhưng chủ yếu vẫn là các loại rau quả, các loại thực phẩm, đồ vật, nông cụ, cuốc xẻng được đem ra bán hoặc trao đổi. Hầu hết các sản phẩm đó đều là “ cây nhà, lá vườn” do mồ hôi, nước mắt của người dân quê làm ra.
Những con vịt con được bán ở chợ
Nói đến chợ quê, người ta không thể không nghĩ tới những món quà quê. Những món quà vặt như bát bánh đa, bánh đúc, bánh rán, bánh tẻ, bánh nếp, nắm xôi dẻo dẻo, bắp ngô nướng ngọt thơm hay những hạt cốm tròn, chắc mẩy được ủ trong lớp lá sen ngan ngát đã trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực Việt Nam một với một hương vị rất riêng. Chẳng phải là cao lương mĩ vị nhưng chứa chan trong mỗi món quà quê ấy là cái hương đồng gió nội được kết tinh từ những nguyên liệu tự nhiên, những sản vật tự nhiên của vùng quê, qua bàn tay khéo léo của con người nơi đây đã trở thành những thức quà quê ngọt lành, thơm thảo.
Nụ cười của người bán nón
Chợ quê có lẽ là chốn sầm uất, nhộn nhịp nhất một vùng quê bởi nơi ấy dường như tập hợp tất cả những tinh hoa của một vùng đất, những nét văn hóa tục lệ của con người nơi vùng quê ấy. Từ không gian kiến trúc của chợ, của những mái quán, gian hàng, những sản vật đặc trưng được bày bán cho tới cái cách mà các bà, các mẹ. các dì đi chợ chào nhau, thân mật, vồn vã, nhiệt nồng. Tất cả đều toát lên cái giản dị, chân chất của một miền quê dân dã, thấm đượm tình người.
Bánh rán - Một thứ quà bánh ở chợ quê
Dù ngày nay nhiều ngôi chợ văn minh và hiện đại hoặc những siêu thị mọc lên khắp đó đây nhưng chợ quê vẫn hiện diện như một phần của lịch sử. Chợ quê mãi mãi là nét đẹp văn hóa – một góc hồn của tình quê đất Việt.
Vũ Thị Yến
Báo đa phương Tiện K33
Cùng chuyên mục
Bình luận