Chuyện tình người ở xóm trọ ung thư

(Sóng trẻ) - Mỗi người ở đây đến rồi lại đi, nhanh thì ở lại vài ba ngày, lâu thì hai ba tuần, có người ở lại hẳn một tháng. Thế nhưng có lẽ chính căn bệnh và hoàn cảnh của mình lại chính là sợi dây gắn kết họ lại, mỗi ngày trôi qua đều xem nhau như người thân trong gia đình.

Nằm cuối ngõ nhỏ của tổ 17 phường Kiến Hưng, nơi khuất bóng những hàng nước, quán ăn bình dân sặc mùi dầu mỡ. Hơn 3 năm kể từ khi Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều đi vào hoạt động, xóm trọ Bình An đã trở thành nơi trú ngụ của những bệnh nhân tỉnh lẻ.

8b5b78501_anh_1.jpg

Những người trong xóm trọ Bình an đang chờ các bệnh nhân khác đi xạ trị về.

Mỗi mảnh đời, một cảnh khổ

Ở đây phòng trọ đa phần là nhà dân được chia vách ngăn bằng mên gỗ với diện tích mỗi phòng vỏn vẹn 5m2, chứa một chiếc giường và một khoảng để đi lại. Giá thuê của mỗi phòng là 80 - 100.000 đồng/ngày, có những người hoàn cảnh quá thì nhiều chủ nhà không thu tiền. 

Nằm ở phía cuối ngõ, nơi không còn tiếng ồn xe cộ, không mùi dầu mỡ, nhà trọ Bình an của cô Nguyễn Thị Hằng có vỏn vẹn 5 phòng, hiện đang có 7 người ở. 
Bước vào xóm nhỏ này, chẳng lạ gì khi bắt gặp những người đầu trọc, đội khăn tam giác hay những mái tóc giả cứng đờ đến ngang vai. 

Ông Lưu Văn Chẩn, một bệnh nhân ung thư thực quản kể: “Ban đầu tôi ra đây cứ nghĩ quái lạ, sao không thấy cái chùa nào mà toàn sư. Bệnh viện thì chỉ chữa cho sư, phòng trọ cũng đa phần là sư ở. Sau này mới vỡ lẽ, đấy là tác dụng phụ của những đợt truyền hóa chất dai dẳng”.

Bệnh nhân và người nhà ngụ lại ở đây mỗi người mang một căn bệnh khác nhau, nhưng điểm chung của họ là đều khổ. Mọi người bảo, khổ nhất ở khu trọ này đây chắc là bà Khúc Thị Thảo. Bà Thảo quê ở Thôn Vế, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nhà bà hiện tại có mẹ già 94 tuổi, một người em gái ốm yếu không có chồng, chị gái thì bị bệnh về chân khó đi lại và cháu gái bị tâm thần. 

8b5b78501_anh_2.jpg

Bà Khúc Thị Thảo, một bệnh nhân được giúp đỡ ở miễn phí tại khu trọ này.

Người ta nói nghèo thì chỉ mong trời cho chút sức khỏe để làm lụng kiếm ăn, còn gia đình bà Thảo chẳng một ai khỏe mạnh. Hồi tháng 3, bà đi vào miền Nam chơi với đứa cháu họ hàng xa thì phát hiện bệnh ung thư vú, nhưng trong đó không có bảo hiểm nên về tỉnh rồi xin chuyển tuyến lên viện K.

Người phụ nữ gầy gò chỉ nặng vỏn vẹn 35kg, mỗi lần gặp bác sĩ đều bị quát về chịu khó ăn uống vào, nhưng thực tế thì lấy gì đâu mà ăn. Những ngày đầu chuyền hóa chất thì được nằm lại trong bệnh viện, tuy đông đúc nhưng vẫn có nơi để nghỉ ngơi. Xong đợt truyền là đến xạ trị, bệnh viện cho điều trị nại trú, bà chỉ còn cách ngủ trên các dãy ghế chờ, đến bữa lại đi xin cơm cháo từ thiện. May thay bà Thảo gặp được một bệnh nhân thương tình gọi về ở cùng xóm trọ Bình An.

Thế nhưng ra đến đây thì ai cũng khổ, khổ vì hoàn cảnh và khổ vì căn bệnh chẳng chừa tuổi tác. Trẻ nhất trong xóm là chị Lưu Thị Mỹ (25 tuổi, Hải Dương), người mắc phải bệnh ung thư xương. Hoàn cảnh của chị cũng chẳng khá khẩm hơn ai. Gia đình có 5 anh chị em nhưng hai anh chị đầu bị bệnh nên mất sớm, mẹ vì đau buồn quá nên sinh ra bệnh trầm cảm, bố cũng vì thế mà bỏ đi thì đi làm ăn xa mãi 10 năm. 

Từ năm 12 tuổi chị đã phải đỡ đần công việc đồng áng với bố mẹ, phụ mẹ chăm các em. Gia đình nghèo khó khiến Mỹ chẳng mấy khi được vui chơi như bạn bè cùng trang lứa. Đầu năm nay, khi mới được nhận vào làm ở bưu cục Viettel, chưa ổn định được thu nhập giúp đỡ gia đình thì chị phát hiện mình bị ung thư xương. “Mọi thời điểm trong cuộc sống của tôi như thể một vòng luẩn quẩn, chưa bao giờ được hưởng thụ một ngày bình yên. May mắn là tôi có bạn bè và đồng nghiệp biết tin đã ủng hộ một phần chi phí chữa trị” chị Mỹ nghẹn ngào.

Hay trường hợp của anh Trần Văn Toàn (35 tuổi, huyện Hải Hậu, tỉnh Hải Dương), đã ở trọ ở đây được một năm. Gia đình anh thuần nông, không khá giả, ở nhà còn mẹ già vợ trẻ và hai đứa con, đứa lớn chưa được 5 tuổi anh Toàn là trụ cột chính của gia đình. Thế rồi một ngày anh không thể đi vệ sinh được, đi khám thì phát hiện bị ung thư đại tràng, khối u che hết ruột và mổ gấp không thể chờ thời gian chuyển tuyến. 

Anh nghẹn giọng kể: “Lần đó mổ tổng chi phí lên tới 70 triệu, gia đình chạy vạy khắp nơi mới đủ để chi trả. Mà mổ xong rồi lại đến thời gian chuyền hóa chất và xạ trị, tôi chẳng thể đi làm được gì, gánh nặng kinh tế đặt hết lên vai vợ trẻ. Bệnh rồi thì phải chạy chữa, nhưng căn bệnh này có ai dám chắc là sẽ khỏi hẳn đâu. Có người trị xong một vài năm lại di căn ra chỗ khác, có người yếu quá còn chẳng qua nổi những đợt xạ trị”.  

Sẻ chia từ tấm lòng

Tiếp xúc với bệnh nhân lâu ngày, chủ trọ cũng thấu hiểu, đồng cảm và tìm cách để giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn. Mỗi phòng ở xóm trọ Bình An được cho thuê với giá 80 – 100.000 đồng/đêm, những người có hoàn cảnh đặc biệt thì cô Hằng lấy giá thấp hơn, nhiều trường hợp cho ở miễn phí. Phòng trọ tuy bé nhưng được trang bị tivi, đèn quạt đầy đủ, nhà vệ sinh chung được lắp đặt máy nóng lạnh. Bên cạnh đó cô còn cải tạo sân thượng làm chỗ nấu ăn cho mọi người. 

Cô Hằng tâm sự: “Người đến trọ ở đây đa phần là dân tỉnh lẻ, người ta đã bệnh tật khổ lắm rồi nên giúp được điều gì thì tôi cố gắng giúp điều đó. Ở đây, tất cả các phòng đếu nấu ăn chung với chủ nhà, người có cái gì thì góp cái đấy, thiếu nữa thì chủ nhà bỏ tiền mua thêm. Mặc dù bệnh nhân thì mỗi người một giờ lên viện nhưng cứ nấu sẵn chừa phần đó đợi mọi người về ăn. Nhiều người điều trị xong trước khi ra về còn bịn rịn lưu luyến, lâu lâu lại gọi điện hỏi thăm nhau như người trong gia đình”.

8b5b78501_i_4992.jpg

Bữa cơm đạm bạc của chủ trọ và bệnh nhân

Trọ lại đây, mỗi người đều mang một nỗi khổ riêng, nhưng lại cùng chung cảnh bệnh tật thành ra mọi người dễ mở lòng để gần gũi với nhau hơn. Anh Nguyễn Sỹ Nhơn (59 tuổi, Hà Tĩnh) kể lại: “Dạo trước khi mới ra đây tinh thần của tôi cũng suy sụp lắm, ở quê ai cũng nghĩ mắc bệnh này là vô phương cứu chữa rồi, thế là thuê trọ xong chỉ nằm lì trong phòng suy nghĩ mông lung. Mấy ông bà quanh đây thấy vậy ngày nào cũng qua hỏi thăm động viên, rồi gọi tôi ra ngồi uống nước nói chuyện cho khuây khỏa. Nhìn họ lạc quan vui vẻ, tôi cũng đỡ được phần nào lo âu”. 

Trong xóm, bà Thảo và chị Mỹ cũng là người mà bà Xuân (Thanh Oai, Hà Nội), đưa về ở cùng. Bà cười bảo: “Đến đây rồi thì uể oải ủ rũ cũng để làm gì đâu, mắc phải bệnh này rồi ai cũng khổ, nhưng có người còn khổ hơn mình. Phải giữ tinh thần vui vẻ lạc quan thì mới có thể chiến đấu lại với bệnh tật được”. 

Xóm trọ người đến rồi đi là chuyện hằng ngày, nhưng nơi đây dù người mới hay người cũ thì cũng vẫn luôn quan tâm sẻ chia nhau như thế. Trong sự cùng khổ của bệnh tật, người ta không ôm khư khư sự ích kỷ của bản thân mà cùng sẻ chia để cùng nhau “Bình An”. 

PV

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN