Cô gái mở ra cánh cửa cho nghệ thuật đương đại Việt Nam
(Sóng trẻ) - Được biết đến là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đưa nghệ thuật đương đại đến với công chúng nước nhà, Nguyễn Phương Linh là cô gái đã giúp cho nhóm công chúng trong và nài nước tiếp cận được nét nghệ thuật sáng tạo với tâm huyết tuổi trẻ của mình.
Khi gặp chị Linh lần đầu tiên, có thể thấy đây là một cô gái khá rụt rè, nhưng nụ cười thì luôn nở tươi trên môi. Tuy nhiên, khi trò chuyện và tiếp xúc với chị nhiều hơn thì sự rụt rè ấy được thay bằng những chia sẻ chân thành, đầy trải nghiệm của một người đã từng vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống để có được sự nghiệp hôm nay.
Chân dung Nguyễn Phương Linh
Sinh năm 1985, Nguyễn Phương Linh là một nghệ sĩ Hà Nội được biết đến với các thực hành video, điêu khắc và sắp đặt đồ vật. Với những chất liệu chủ đạo được lựa chọn như muối, bụi hoặc cao su, các nghiên cứu của chị thường quan tâm đến những biến đổi cảnh quan địa chính trị, tác động của con người tới thiên nhiên và các quan điểm lịch sử chồng chéo của Việt Nam hiện đại.
Là người đồng sáng lập và đồng điều hành Nhà Sàn Collective, Phương Linh được coi là một tài năng trẻ và là một tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng thực hành nghệ thuật đương đại Việt Nam. Chị đã triển lãm và tham gia vào nhiều dự án nghệ thuật quốc tế tại các châu lục Á, Âu và Mỹ.
Thành tích nổi bật của một người tiên phong
Nguyễn Phương Linh sinh ra và lớn lên tại Nhà Sàn studio – không gian nghệ thuật phi lợi nhuận dành cho nghệ thuật thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, và có lẽ cũng là không gian nghệ thuật nổi bật nhất tại Hà Nội. Bằng việc sống và làm việc trong một môi trường nghệ thuật với rất nhiều các nghệ sĩ đương đại được tôn trọng trong bối cảnh nghệ thuật Việt, Nguyễn Phương Linh đã chứng minh một sự hiểu biết sâu sắc và sự dấn thân vào cộng đồng nghệ thuật địa phương như một nghệ sĩ và một nhà tổ chức nghệ thuật.
Thi trượt đại học hai lần, lập nghiệp từ những ý tưởng mỹ thuật của riêng mình, chị chia sẻ về sự cần thiết của việc vào đại học: “Nếu được học những bộ môn mình thiếu như lịch sử mỹ thuật, trình diễn hay video…, được nghe những lời phê bình sâu sắc từ các giáo sư về công việc thực hành nghệ thuật đương đại, và được sáng tác với những người cùng đam mê… thì việc đi học quá cần thiết và tuyệt vời. Tiếc là tôi không tìm được những điều như thế ở trường đại học trong nước, nên không học đại học tiếp nữa. Nếu có cơ hội học các chương trình sáng tác cho nghệ sĩ hay học thạc sĩ ở nước nài thì chắc chắn tôi sẽ đi”.
Phương Linh miệt mài, chăm chỉ trong môi trường nghệ thuật, chị sống và làm việc giữa những nghệ sĩ đương thời giàu kinh nghiệm trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam. Chị chứng minh được sự thông minh, vốn hiểu biết sâu rộng của mình trong việc kết nối nghệ thuật các vùng miền trong vai trò vừa là một nghệ sĩ vừa là nhà tổ chức nghệ thuật.
Mối quan tâm của Phương Linh là những đồ vật hàng ngày, những đồ vật có sẵn hay những câu chuyện lịch sử mà thường mọi người không để ý và dùng những vật liệu đó để chuyển hóa nó thành một đồ vật khác hoặc là một câu chuyện khác. Chị ưa khám phá và xê dịch nhằm tìm cảm hứng sáng tạo, những đồ vật hay những câu chuyện mà chị tìm được giống như những mảnh vụn và khi mà đặt những mảnh vụn đó cạnh nhau thì sẽ cho thấy những cách nhìn nhận sự vật theo các quan điểm khác nhau.
Các tác phẩm của chị chủ yếu là sắp đặt, thỉnh thoảng là ảnh và trình diễn. Công việc của chị truyền tải những ý nghĩa về sự kỳ thị, phân biệt, sự hỗn loạn hay mơ hồ của cuộc sống con người.
Nguyễn Phương Linh là người đồng sáng lập và đồng điều hành Nhà Sàn Collective
Nguyễn Phương Linh đã tham gia triển lãm và các dự án nghệ thuật ở Việt Nam, ở các nước châu Á, châu Âu cũng như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Anh, ...
Kể từ khi Nhà Sàn Studio đóng cửa, Phương Linh đã tổ chức các dự án quy mô di động lớn cho các nghệ sĩ của Nhà Sàn ở Việt Nam và ở nước nài. Năm 2013, chị đồng sáng lập Nhà Sàn Collective - một nhóm các nghệ sĩ trong nước đã dốc sức tìm hiểu bối cảnh và lịch sử chính trị - xã hội, địa phương và toàn cầu. Cộng đồng Nhà Sàn Collective luôn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cũng như tìm kiếm và nuôi dưỡng các nghệ sĩ trẻ khác.
Những khó khăn trong dự án Nhà Sàn Collective
Sự tồn tại của Nhà Sàn đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm để có được ngày hôm nay. Khi được hỏi về những khó khăn nhất định trong khoảng thời gian điều hành và duy trì hoạt động ở không gian nghệ thuật đương đại này, chị Linh đã thẳng thắn chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên chính là về nền tảng lý thuyết. Các nghệ sĩ như tôi cũng như nghệ sĩ trong nước không có đủ điều kiện để tiếp nhận nền tảng lý thuyết của nền lịch sử nghệ thuật Mỹ, Nhật, Pháp,… đến Châu Á và Việt Nam. Hầu hết chúng tôi phải tự học và tìm hiểu rất nhiều".
Nhưng đối với Phương Linh, chị nhận thấy vấn đề khó khăn nhất là vấn đề về kiểm duyệt. Những tác phẩm nghệ thuật đương đại, thử nghiệm chất liệu thường khó phân định được về thể loại nên hay gặp phải vấn đề về việc xin giấy phép ở đâu, ở bên nào. Đối với những tác phẩm khó hiểu, mang tính phê bình cao thì thường khó được cấp phép hơn. Hơn nữa, nghệ thuật đương đại thường mang tính chất vấn, phê bình cao chứ không mang tính giải trí nên thường giới hạn về đối tượng khán giả.
Đối với một cô gái nhỏ nhắn như Phương Linh thì việc nuôi dưỡng nhiệt huyết của mình, của mọi người và đồng thời truyền cảm hứng cho người khác thật không dễ dàng. Tuy nhiên, đối với Linh, chị cho rằng việc mọi người luôn cùng nhau chia sẻ, cùng nhau sáng tạo, cùng nhau nuôi dưỡng niềm đam mê ấy mới là điều quan trọng nhất và cũng là điều đã làm nên bản thân và Nhà Sàn Collective ngày hôm nay.
“Cố gắng nuôi sức sáng tạo càng lâu càng tốt”
Nhóm đối tượng công chúng mà Nhà Sàn Collective hướng đến là những người đã biết hoặc chưa hiểu về nghệ thuật đương đại đều có thể đến và chiêm ngưỡng các tác phẩm của nghệ sĩ. Điều đặc biệt mà Phương Linh chia sẻ về các buổi triển lãm đó là, những người đến đây sẽ được tự mình suy nghĩ về các sản phẩm, các tác phẩm của nghệ sĩ để có thể có được những cảm xúc, cảm nhận riêng nhất.
Có một điều đặc biệt đó là, Nhà Sàn sẽ chú tâm hơn vào nhóm đối tượng chính là học sinh, sinh viên. Bởi đây chính là nguồn tài năng mới cần được khám phá và cũng là thế hệ trẻ tiếp theo có thể nối tiếp niềm say mê nghệ thuật.
Đó cũng chính là mối quan tâm của không chỉ Phương Linh mà còn của những thành viên còn lại trong việc duy trì các hoạt động của Nhà Sàn và của các nghệ sĩ. Chị chia sẻ: “Hiện nay thì chúng tôi cố gắng càng nuôi sức sáng tạo càng lâu càng tốt, đó có thể là mối quan tâm hàng đầu được đặt ra. Chúng tôi sẽ nuôi các dự án này bằng nguồn tài trợ từ nước nài là chủ yếu. Đối với các nghệ sĩ trong nhóm, khi không có nguồn tài trợ thì chúng tôi vẫn tự sáng tạo, tự kiếm ra các nguồn thu nhập cá nhân để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê ấy.”
Nguyễn Phương Linh - một cô gái đầy cá tính
Tích cách cũng là nhân tố của sự thành công
Với niềm đam mê cháy bỏng, Phương Linh đã không ngại khó khăn để mở ra con đường mới cho giới nghệ sĩ nghệ thuật đương đại nước nhà. Chính nhờ bản lĩnh của mình, chị tự lực thành lập ra Nhà Sàn Collective, không gian nghệ thuật đương đại ở Hà Nội.
Với sự chân thành và nghiêm túc trong công việc, chị được mọi người coi trọng, quý mến đặt cho những biệt danh thân thương như “công chúa Nhà Sàn”, “mẫu hậu”, … Không chỉ tạo được ấn tượng tốt với các nghệ sĩ, đối với các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ triển lãm tại Nhà Sàn, chị còn là một người chị, một người bạn luôn giúp đỡ và truyền lại niềm đam mê của mình bằng cả tấm lòng. Em Nguyễn Minh Hải, một tình nguyện viên của Nhà Sàn chia sẻ: “Khi làm việc cùng chị Linh, em cảm nhận được chị là một người hòa đồng, vui vẻ và có tinh thần trách nhiệm cao. Chị là một người có thực tài.” Còn đối với chị Trương Quốc Chi, giám tuyển của Nhà Sàn, Phương Linh là một người hoàn toàn có khả năng để quản lý mọi việc, là người dẫn dắt và tìm ra những hướng đi mới để Nhà Sàn ngày càng phát triển hơn.
Hiện nay, Nhà Sàn Collective nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung chính là niềm đam mê duy nhất đối với Phương Linh. Mặc dù còn những khó khăn ở thời điểm hiện tại nhưng chắc chắn, cả Linh và những nghệ sĩ khác, với tình yêu nghệ thuật sẵn có của bản thân, với phần nghệ thuật đã ngấm vào máu thịt của mình thì những cố gắng ấy sẽ luôn được đền đáp một cách xứng đáng.
Bình Phạm
Cùng chuyên mục
Bình luận