Cô gái trẻ với niềm đam mê văn hoá truyền thống
(Sóng Trẻ) - Gắn bó với công việc tình nguyện 3 năm tại Quỹ Văn hoá Hà Nội và Bảo tàng Dân tộc học, Hương Quỳnh, sinh viên Khoa Du lịch, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có niềm đam mê mãnh liệt với văn hoá truyền thống dân tộc. Cô từng học hát Chầu văn, tham gia trải nghiệm múa rối nước, múa xoè cùng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác.
(Video phỏng vấn Quỳnh)
Đến với văn hoá dân gian từ cơ duyên học múa rối nước
Cơ duyên giúp Quỳnh đến với văn hoá dân gian từ cái gật đầu đồng ý đầy bất ngờ của nghệ nhân phường rối vào mùa Đông 2016, khi cô bạn ngỏ lời muốn tìm hiểu về múa rối. Lần đầu tiên cô gái 19 tuổi ấy có cơ hội được thử mình với loại hình sân khấu truyền thống đã có từ lâu đời bằng cách ngâm nửa mình dưới nước và tự tay điều khiển quân rối. “Khi tay trở nên lạnh cóng mình mới cảm nhận được sự vất vả của những con người đang giữ hồn cho rối và thực sự cảm phục những người nghệ nhân gắn bó với bộ môn này.”
Quỳnh (bên trái) chụp ảnh cùng đoàn gala Chèo.
Sau hơn 1 tháng ở dưới nước cùng phường rối, Quỳnh cảm thấy mình thật sự yêu thích và mong muốn được gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống. Đó cũng là cầu nối giúp Quỳnh tham gia Chèo 48h năm 2016 (dự án phi lợi nhuận do Quỹ Văn hoá Hà Nội bảo trợ), với mục tiêu mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với trường học. Chương trình diễn ra ngày 21/9/2016 tại Trường ĐH KHXH&NV, thu hút được nhiều các bạn trẻ đến tham dự. “Cả hội trường lớn 500 chỗ dường như không đủ chỗ dành cho các bạn sinh viên”, Quỳnh mỉm cười chia sẻ.
Theo đuổi đam mê không ngừng nghỉ của mình, Quỳnh tham gia khoá học hát Chầu văn. “Người có lòng, trời chẳng phụ công, mình có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với các loại hình nghệ thuật truyền thống.” Cô vinh dự được tham gia chương trình Tọa đàm Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn Di sản văn hóa với vai trò PR tiền sự kiện và Thư kí tại buổi tọa đàm.
“Lần đầu tiên được gặp gỡ, trò chuyện với những chuyên gia đầu ngành về văn hoá dân gian, mình cảm thấy những gì từng tiếp cận chỉ là lát cắt nhỏ của cả kho tàng di sản văn hoá phi vật thể đã tồn tại lâu đời của dân tộc. Qua đó, mình ý thức rõ hơn về sứ mệnh của mình trên con đường đưa những giá trị văn hoá truyền thống đến gần hơn với cộng đồng.”, cô bạn này chia sẻ.
Quỳnh hiện đang là sinh viên đang theo học chuyên ngành Hướng dẫn du lịch, cô cho biết đó là môi trường thuận lợi giúp cô đặt chân đến nhiều vùng miền, trải nghiệm các nền văn hoá truyền thống như: điệu múa Xoè của người Thái (Sơn La), không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, đất tổ nghề Chèo (làng Khuốc, Thái Bình), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)…
Sau những chuyến đi, Quỳnh nhận ra rằng: “Cái hay của dân gian chính là tính gắn kết cộng đồng. Dù ở bất kỳ nơi đâu, dù khác biệt về văn hoá nhưng dân gian chính là chất keo giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, để ta nhớ về nguồn cội của mình.”
“Giữ cho mình đam mê khác biệt”
Không giống như nhiều bạn trẻ khác, Quỳnh có niềm yêu thích đặc biệt với văn hoá truyền thống. Chia sẻ về những khó khăn khi theo đuổi niềm đam mê của mình, cô cho biết: “Ban đầu rất nhiều người ngạc nhiên và thấy lạ khi mình theo đuổi những thứ không giống ai. Nhưng khi được chính những người nghệ nhân, thợ thủ công ủng hộ và nhiệt tình giúp đỡ thì mình đã có thêm động lực để tự tin đi tiếp trên con đường đã chọn.”
Nhiều người thắc mắc tại sao cô có thể làm không công ở bảo tàng 3 năm trời, cô chỉ mỉm cười: “Ở nơi có thể giới thiệu cho những người bạn của mình về văn hóa của 54 tộc người, gặp gỡ các chủ thể văn hóa, trò chuyện với họ, trải nghiệm văn hóa của họ ngay giữa lòng Hà Nội thì mình lời quá rồi còn gì.”
Chị Vũ Thị Diệu, cán bộ Truyền thông của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người phụ trách công việc tình nguyện của Quỳnh cho biết: “Quỳnh là một trong những TNV gắn bó lâu nhất với Bảo tàng, tính đến nay đã được 8 mùa sự kiện rồi. Làm việc khoa học, trách nhiệm và biết chia sẻ là những điều chị đánh giá rất cao ở cô bạn này. Có những công việc dù đến nửa đêm rồi Quỳnh vẫn cố gắng hoàn thành, nhắn tin trao đổi với chị. Để tìm được một người đam mê văn hoá truyền thống như Quỳnh quả thực là rất khó.”
Hương Quỳnh nhận được giấy chứng nhận tình nguyện viên tiêu biểu từ các tổ chức trong lĩnh vực văn hoá.
Suốt 3 năm gắn bó với công việc truyền thông về văn hoá dân gian, những bằng khen, giấy chứng nhận từ các tổ chức mà Quỳnh làm tình nguyện chính là minh chứng rõ nhất cho những cố gắng của cô bạn trẻ này trong việc theo đuổi niềm đam mê. Giống như Steve Jobs từng nói: “Nếu bạn không có đủ đam mê ngay từ đầu, bạn sẽ không bao giờ gắn kết đến cùng với điều đó” .
Họ tên: Hoàng Hương Quỳnh
Năm sinh: 1996
Sinh viên khoa Du lịch – Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội
Các hoạt động từng tham gia
- TNV Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (2015 – đến nay)
- BTC chương trình Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn Di sản văn hóa; Tọa đàm Gốm sứ Bát Tràng do Trung tâm Xúc tiến và Quảng bá Di sản văn hóa Phi vật thể Việt Nam tổ chức.
- BTC chương trình Về Nguồn- Trải nghiệm Di sản Văn hoá Phi vật thể của Việt Nam do Quỹ Văn hoá Hà Nội tổ chức năm 2016.
- Ban Điều hành Dự án Chèo 48h- Tôi Chèo về quê hương năm 2016 & 2017
- Trưởng Ban Truyền thông Trại hè Thủ lĩnh thanh niên & Triển lãm Cơ hội - Thay đổi mùa 4; Dự án Water Wise News của Tổ chức tình nguyện Water Wise Vietnam (do Đại sứ quán Mỹ bảo trợ).
- CTV báo Hoa học trò (2013-2016)
Thành tích đạt được:
- Là 1 trong 5 thành viên của Water Wise Vietnam được mời tham dự Lễ phát biểu của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kì Barack Obama năm 2015.
- Bằng khen, giấy chứng nhận từ Quỹ Văn hoá Hà Nội về công tác tình nguyện.
Phương Linh
Đa Phương Tiện K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận