“Cô giáo 100 nghìn” và tiếng chửi gây bão dư luậ
(Sóng trẻ) - Cộng đồng mạng được một phen dậy sóng trước một video cô giáo dạy tiếng Anh ở một trung tâm chửi học viên của mình là "đồ óc lợn", 10 người xem thì có đến 9 người lên án, miệt thị, tẩy chay cô giáo kia và cho rằng cách cư xử của cô ta không có đạo đức, không có văn hóa, không có tư cách làm giáo viên. Nhưng phải chăng, sự phát xét đó chỉ mang tính quy chụp, phiến diện bởi chứng cứ chỉ là một đoạn video ngắn ngủi chưa rõ đầu rõ cuối?
Vụ việc giáo viên tiếng Anh lăng mạ viên vì không nộp phạt 100.000 đồng theo đúng quy định đang gây bão dư luận (Ảnh cắt từ clip)
"Khái niệm có tiền là thích học thế nào thì học và nn ngọt dỗ dành không tồn tại. Tại đây, hoặc là học, hoặc là phạt và bị đuổi" (Quy định của trung tâm MST English). "Kỉ luật thép" áp dụng ở trung tâm gồm mức phạt 100 nghìn một lần thiếu bài, 50 nghìn một lần muộn bài và văn bản cam kết bốn bên (giáo viên, học viên, phụ huynh và trung tâm). Trung tâm khẳng định sẽ kèm riêng hoàn toàn miễn phí trong suốt lộ trình để đạt mục tiêu "học là giỏi". Kỉ luật sẽ không là kỉ luật nêu không có sự cứng rắn, nghiêm khắc. “Kỉ luật là sức mạnh”, đã là kỉ luật sẽ không có trường hợp nại lệ. Việc sử dụng “kỉ luật thép” và “chăm chỉ phí” của giáo viên kia hợp lý ở chỗ để rèn người học thành tài, không đi theo lối mòn tâm lý cảm thông, tình cảm.
Cậu chuyện sẽ chẳng có gì khi nam học viên kia nộp phạt theo đúng “kỉ luật thép” của trung tâm mà chính anh ta đã kí xác nhận thực hiện trước khi vào học. Sự cứng rắn của người giáo viên được đáp trả bằng sự xúc phạm của nam sinh viên khi nói cô giáo “lèo nhà lèo nhèo đòi tiền” và hỏi “vào đây để bị lừa đảo à?”. Rõ ràng, nam học viên này đã sai khi xúc phạm trung tâm và tố giáo viên lừa đảo. Giáo viên cũng là con người, cũng có cảm xúc, cũng biết tự ái, cũng biết tự bảo vệ mình trước những lời lẽ xúc phạm. Nhưng cách xử lý của người giáo viên này là phi giáo dục.
Trở lại với cách cư xử của người giáo viên tiếng Anh kia, cô đã hoàn toàn thất bại trong việc xử lý tình huống nhạy cảm này, không khôn khéo, “cả giận mất khôn”, một cách cư xử “chợ búa” với liên tiếp những lời tục tĩu: “con lợn”, “thằng cù nhầy”, “thằng mặt người óc lợn”,... và lời khẳng định chắc nịch “không cần tư cách giáo viên giẻ rách”, “ở Việt Nam không có đứa nào hơn tao tư cách ở việc dạy”.
Giáo viên khi là nạn nhân, khi là người có lỗi. Sư phạm lâu nay chẳng phải là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý hay sao? Xưa nay, hình ảnh thầy giáo, cô giáo luôn đóng khuôn bởi sự chuẩn mực trong hành vi và cách cư xử. Còn bây giờ thì nó lại khác biệt hoàn toàn. Hình ảnh những cô giáo, thầy giáo đang bị nhuốm đen bởi chính nhận thức và hàng động của bản thân họ. Chỉ cần một chút nóng nảy, không kiểm soát, người giáo viên có thể đánh mất hoàn toàn đi hình ảnh của mình, khó lòng mà gột sạch được. Miệng lưỡi người đời khắc nghiệt là vậy nhưng lương tâm mới chính là bản án cắn rứt theo họ suốt đời.
Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, dư luận đổ lỗi, lên án cô giáo kia, nó đúng, vì cô ta đã làm một điều phản cảm với một người làm giáo dục. Nhưng đã ai tự hỏi, tại sao, nguyên nhân sâu xa nào cô ấy làm như vậy không? Với hình thức học trung tâm kiểu “ăn bánh trả tiền”, với mức học phí cả chục triệu đồng, người học là “thượng đế” thì chuyện khó chiều lòng cũng là dễ hiểu. Người học cũng đâu có phải là những cậu bé, cô bé lên ba, lên bảy mà biết nghe lời răm rắp. Lớp học đa số những người đi làm, có đủ thể loại người thì việc chiều lòng càng trở nên khó khăn. Đứng lớp với những tảng đá vô hình đè nặng trên vai, trách sao được những lúc khó kiềm chế được mình, "giận cá chém thớt" âu cũng là chuyện hiển nhiên. Họ cũng như chúng ta, những người bình thường, cũng có quá nhiều những áp lực từ nghề và cũng cần được trút bỏ. Ở một thời điểm nào đó, khi áp lực lên cao như giọt nước tràn ly cũng không thể tránh được những hành động chưa qua sự kiểm định của nhận thức.
Nhìn rộng ra từ những vụ việc gây ảnh hưởng xấu cho những người làm giáo dục là câu chuyện đáng suy ngẫm khi giá trị con người đang xuống cấp bởi sự chi phối của một xã hội thực dụng, đồng tiền làm lu mờ đi những giá trị sống. Xã hội càng hiện đại, con người cư xử với nhau bằng phần con nhiều hơn phần người, “người yêu người sống để yêu nhau” khó đến vậy sao?
Thái Gia Khánh
Cùng chuyên mục
Bình luận