Đặc sản quê lúa: Chèo Khuốc
(Sóng trẻ) “Hỡi cô thắt dải lưng xanh - Có xem chèo Khuốc với anh thì về”. Làng Khuốc ở xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình từ bao đời nay đã được bà con gần xa biết đến bởi môn nghệ thuật độc đáo: hát chèo.
Qua sông Trà Lý cũng đã quá trưa. Làng Nguyễn rồi phố Tăng đã lùi lại sau lưng, men theo con sông Tuộc thơ mông, hiện ra trước mắt là khung cảnh một làng quê bình dị, mộc mạc như bao làng quê Việt Nam khác, cũng cây đa, giếng nước, sân đình...nhưng ở đây ẩn chứa một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và chỉ có dân tộc Việt Nam mới có – hát chèo. Ai mới đến làng Khuốc lần đầu thì khó có thể nhận ra đây là đất chèo, vì vào ngày thường, người dân trong làng còn mải mê đồng áng, lo chuyện mưu sinh… Thế nhưng khi tối đến, đặc biệt vào những ngày lễ, hội hè thì làng rộn rã tiếng trống, tiếng hát chèo.
Làng Khuốc không chỉ là nơi sản sinh ra làn điệu chèo độc đáo mà hầu hết những người dân trong làng đều biết hát chèo một cách thuần thục. Mảnh đất Phong Châu màu mỡ không những cho người dân đời sống nông nghiệp trù phú mà con ưu ái ban cho họ giọng hát mượt mà đằm thắm để rồi theo thời gian, giọng hát ấy được nuôi dưỡng đắm say theo những làn điệu, lời ca.
Người làng Khuốc luôn tự hào là cái nôi của nghệ thuật chèo
Ở làng Khuốc, ông Hà Quang Ngạn được coi là cây đại thụ của làng và mang trong mình nhiều miếng chèo cổ nhất làng. Theo lời ông Ngạn, không rõ rằng chèo Khuốc có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ thời đời cha của ông đã thấy những người dân làng say mê hát chèo. Nhớ lại những kỉ niệm thời thơ ấu được đi xem các vở chèo, ông Ngạn kể với giọng hào hứng: “Các cụ ngày xưa đi diễn chỉ mang theo một cái hòm, trong đó đựng đạo cụ, quần áo. Ngay cả cái hòm cũng là một đạo cụ, lúc là ngai vàng cho hoàng đế ngự, khi là án thư để quan lớn phê chuẩn, có lúc lại là cái ghế khóa sinh tựa lưng đọc sách. Sân khấu chỉ là chiếc chiếu quay mở cả bốn mặt.
Chiếc quạt trong tay cũng là một đạo cụ đa năng”. Ngày nay, sân khấu chèo làng Khuốc cũng chẳng khác là mấy, vẫn chiếc chiếu, cái quạt, cái hòm...có khác thì chỉ khác ở phần lời bởi chèo Khuốc luôn gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân. Với người dân làng Khuốc, chèo như thứ “dinh dưỡng” tâm hồn; nó theo họ từ khi sinh ra, lớn lên, bất cứ ở nơi nào, ở đâu...
Người dân làng Khuốc say mê xem hát chèo
Chèo Khuốc, càng nói càng thêm nhiều chuyện, càng nghe càng thêm lắm điều muốn nghe. Khuốc có dòng sông ấy, có cánh đồng lúa ấy, có cây bồ đề hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát rượi và sân chùa cổ kính ấy. Những thế sự buồn vui của mỗi cuộc đời, của làng quê đã ngấm vào trong dạ, trong máu, trong câu hát, điệu múa. Dù bần hàn, lam lũ, nhưng câu hát đã dựng làng đứng dậy, đưa tâm hồn người dân Khuốc bay bổng như cánh cò chao liệng trên lũy tre.
Trăng đã lên đến đỉnh, làng Khuốc chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng đâu đó vẫn vang lên tiếng ru bằng những điệu chèo ấm áp, chân tình. Thật là tuyệt vời biết bao khi những thế hệ tương lai của người làng Khuốc được lớn lên trong những không gian tràn đầy giai điệu của những giá trị nghệ thuật cao quý. Ở làng Khuốc, liệu trong những đêm trăng sáng, tiếng hát ru bằng chèo biết có còn cho đến tận mai sau.
Phạm Thế Dũng
Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận