Đại học thứ hai không phải cách duy nhất để trở thành nhà báo giỏi
“Học, học nữa, học mãi”. Học tập là công việc cả đời của
bất kì cá nhân nào trong xã hội. Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực
báo chí và truyền thông thì việc học tập càng đặc biệt quan trọng. Chỉ khi nhà
báo sở hữu một lượng tri thức dày dặn trong lĩnh vực mà mình viết thì tác phẩm
của họ mới giàu sức thuyết phục. Tri thức cũng giúp cho nhà báo tránh được
những sai lầm đáng tiếc trong quá trình tác nghiệp cũng như hoàn thành tác
phẩm.
Các chương trình đào tạo cử nhân báo chí hiện nay chỉ chú
trọng việc truyền đạt kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm mà không đi sâu vào các
kiến thức chuyên ngành phục vụ cho hoạt động của nhà báo sau này. Tất nhiên,
trong bốn năm học, khó có thể có một chương trình nào vừa đào tạo kĩ năng viết
báo, vừa cung cấp kiến thức về lĩnh vực chuyên môn cho sinh viên báo chí. Do
vậy, có rất nhiều sinh viên báo chí băn khoăn với câu hỏi có nên học thêm một
bằng đại học nữa để tự trang bị kiến thức cho bản thân mình.
Học tập không bao giờ là thừa. Nếu sau khi tốt nghiệp, sinh
viên có điều kiện để học thêm một bằng đại học thì dĩ nhiên các bạn nên học để
được đào tạo một cách có bài bản. Tuy nhiên, đối với các sinh viên không có
điều kiện để học tập, tôi nghĩ các bạn cũng không nên quá lo lắng vì lượng kiến
thức chuyên môn ít ỏi của mình.
Có rất nhiều cách để các bạn tự trang bị kiến thức mà không
cần phải học thêm một bằng đại học thứ hai. Học tập từ thực tế, từ đồng nghiệp,
từ sách vở là những cách mà nhà báo có thể dùng trong quá trình trau dồi kiến
thức của mình. Thêm nữa, hiện nay, mạng internet là một công cụ rất hữu ích mà
nhà báo có thể sử dụng. Nếu như bản thân nhà báo thực sự ham muốn hiểu biết tìm
tòi thì việc học tập ở đâu và học như thế nào sẽ không phải là rào cản họ đến
với tri thức.
Mặt khác, xét cho cùng việc học đại học thứ hai sẽ chiếm của
sinh viên một quãng thời gian ít nhất là hai năm. Nhiều chương trình đào tạo
đại học của nước ta còn thiên về lý thuyết mà chưa đi sâu vào thực tế. Trong
khi đó, thay vì dành thời gian “dùi mài kinh sử” tại giảng đường đại học, nếu
sinh viên trực tiếp học tập từ thực tế sẽ rút ra được những bài học quý báu mà
không một trang sách nào có thể cung cấp cho các bạn.
Tóm lại, học hay không học đại học thứ hai còn phụ thuộc vào
điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi sinh viên. Nhưng điều chắc chắn rằng sinh
viên báo chí có thể trở thành một nhà báo giỏi hay không không phụ thuộc vào
việc họ có bao nhiêu bằng cấp mà do lòng ham học hỏi và khả năng vận dụng kiến
thức vào thực tiễn của họ.
Nguyễn Thị Huyền Thanh
Lớp Báo mạng điện tử K.25
Học viện Báo chí và Tuyên truyền