Thể loại điều tra trong lí luận báo chí (P2): Phóng viên và phân tích sự kiệ

(Sóng trẻ) - Không giống với một số thể loại báo chí khác, điều tra là thể loại thường do các phóng viên chuyên nghiệp thực hiện. Người phóng viên viết điều tra phải có năng khiếu phát hiện vấn đề và sự nhạy bén. Điều này có vai trò hết sức quan trọng.

Phóng viên viết điều tra

Qua những thông tin chi tiết và dấu hiệu không bình thường trong đời sống, người có năng khiếu và sự nhạy bén thì mới có khả năng phát hiện được những dấu hiện dẫn tới bản chất của sự thật. Bên cạnh đó là sự kỹ lưỡng, cẩn trọng trong thu thập và xử lý thông tin. Bất cứ một thông tin sai nào cũng sẽ gây ra những tác hại khôn lường đối với bài điều tra.
 
Trong bối cảnh của cơ chế thị trường hiện nay, vấn đề đạo đức nhà báo đang nổi lên như một trong những vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt là đối với những người viết điều tra, phóng sự. Sự trung thực, tinh thần dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực để bênh vực lẽ phải, bênh vực người tốt, sự công bằng cũng phải được coi là những yêu cầu không thể thiếu được đối với các nhà báo nói chung, đặc biệt là đối với những viết điều tra.
 
Trong quá trình hoạt động viết điều tra, người phóng viên phải có khả năng vận dụng các phương pháp công tác một cách linh hoạt như: phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu tài liệu, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu v.v… Người viết điều tra phải lăn lộn với thực tế, phải gặp nhiều người để hỏi, để quan sát. Trực tiếp quan sát những sự thật đang diễn ra có thể giúp cho phóng viên đánh giá, so sánh, thẩm định để rút ra được những kết luận đúng đắn.
 
Như đã nói ở trên, trong quá trình viết điều tra, người phóng viên không chỉ quan tâm đến những mâu thuẫn mà còn phải chú ý đến bối cảnh của những mâu thuẫn ấy. Bối cảnh sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ về các mối quan hệ thể hiện bản chất của các mâu thuẫn. Tất nhiên đây là một việc làm khó và kết quả của nó tuỳ thuộc vào trình độ và năng lực của phóng viên.
 
Trong khi viết điều tra, thái độ của người phóng viên phải rõ ràng trong việc biểu dương hay phê phán. Muốn biểu dương hay phê phán đúng, trước hết phải có thái độ dứt khoát, tránh thái độ mập mờ, nước đôi. Phải có thước đo mới biết được việc gì cần biểu dương, việc gì cần phê phán. Phải phân tích kỹ nguyên nhân, khuyết điểm, khó khăn và những bài học rút ra. Có làm được như vậy, công chúng mới có thể chấp nhận những kết luận mà bài điều tra ấy nêu lên.
 
Thể hiện một bài điều tra là quá trình trình bày mâu thuẫn và ý kiến về cách giải quyết mâu thuẫn đó. Người phóng viên không chỉ điều tra để bảo đảm tài liệu chính xác và hiểu rõ sự kiện mà còn phải giải thích và giải đáp một cách đúng đắn về những vấn đề cơ bản của cuộc sống. Không có thái độ nghiêm túc, không điều tra, nghiên cứu cẩn thận thì không thể trả lời được câu hỏi.
 
Một bài điều tra đạt chất lượng tốt phải trả lời kịp thời câu hỏi mà thực tiễn đặt ra. Câu trả lời phải rõ ràng, dứt khoát. Các luận cứ trong bài phải tiêu biểu, các bằng chứng phải có độ tin cậy. Câu trả lời phải được trình bày và phân tích một cách thuyết phục, giúp công chúng phân biệt được phải trái và nhận rõ bản chất của các sự vật, hiện tượng.
 
Vấn đề kiến thức và vốn sống, kinh nghiệm hành nghề của nhà báo làm điều tra luôn được đặc biệt coi trọng. “Nếu điều tra phát hiện và ủng hộ nhân tố mới, nhà báo rất cần bản lĩnh nghề nghiệp thì khi làm điều tra chống tiêu cực càng cần bản lĩnh vững vàng. Đã có không ít nhà báo vấp ngã, hơn thế đã có cả quan chức báo chí bị bọn tội phạm mua chuộc, đành phải bán rẻ lương tâm cho quỷ sứ là vì bản lĩnh thiếu vững vàng”.
 
Trong quá trình thực hiện điều tra, nhiều người cho rằng “Viết điều tra khác với viết phóng sự, càng nhiều tư liệu chính xác càng quý. Bản chất của sự kiện, của vụ việc, của vấn đề là cái đích của bài điều tra, nhưng nhà báo không có nhiệm vụ luận tội và kết luận mức xử phạt. Qua bài điều tra, người cao tay sẽ “gieo” được vào lòng người đọc, người nghe cái chất nhân văn thuyết phục. Tính chiến đấu của báo chí được thể hiện ở giá trị nhân văn cao đẹp này chứ không phải thể hiện ở thái độ “đao to, búa lớn” của người viết” (Nghebao, 29.05.2007, 08:42).

9f196209c_dung.jpg
 
Từ nhiều yếu tố nêu trên đặt ra những yêu cầu rất khắt khe đối với nhà báo làm điều tra và viết điều tra. Từ việc chọn chủ đề chính xác đến nghệ thuật tìm tư liệu và chi tiết báo chí đắt giá; từ cách thể hiện bài điều tra theo phương châm “lạt mềm buộc chặt” đến những sách lược đối nội đối nại cần thiết cho một thông tin gây chấn động xã hội nhất định; từ động cơ đúng đắn của nhà báo đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia - tất cả cần được cân nhắc kỹ càng của người Tổng biên tập có sự đồng cảm cao của phóng viên và cộng tác viên trực tiếp tác chiến”.
 
Có một điều rất đáng chú ý là trong đội ngũ các tác giả viết điều tra hiện nay đã xuất hiện những cây bút nữ đã thực sự thu được thành công với thể loại lâu nay vốn vẫn được coi là chỉ dành cho phóng viên nam này.
 
Nhà báo Vũ Thị Hải, một phóng viên nữ nổi tiếng với loạt bài điều tra về vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng đã tâm sự: “Ai cũng biết, nghề báo là một nghề nguy hiểm, việc viết điều tra là nguy hiểm hơn cả. Vì lúc này, sự thật còn chưa bị phơi bày và đối tượng được điều tra rất cần đến sự im lặng của nhà báo. Cái nguy hiểm đầu tiên là mình phải đối mặt với những cám dỗ vật chất. Vì thế, nhà báo phải biết vượt qua chính mình, phải rèn luyện để có đủ bản lĩnh và niềm đam mê đi tìm sự thật, đưa sự thật ra ánh sáng. Cái nguy hiểm thứ hai là có thể bị đe dọa, bị trả thù, bị đối xử bất công bằng” (Nghebao, 29.05.2007, 08:40).
 
Trong “10 kinh nghiệm viết bài điều tra” mà nhà báo Đinh Anh Tuấn muốn được chia sẻ với các đồng nghiệp (Vietnamnet, 20.06.2003; 9:17' ), có đến 7 điều trình bày về vốn sống, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh của người phóng viên viết điều tra (và những thủ pháp mà người viết điều tra có thể sử dụng để tự bảo vệ mình). Điều đó cho thấy đối với một phóng viên viết điều tra, nài năng khiếu, các yếu tố khác như vốn sống, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh lànhững yếu tố có tính chất quyết định sự thành công trong sáng tạo tác phẩm.
 
Hiện nay, tác phẩm điều tra thường được sử dụng để phản ánh về những cái xấu, cái tiêu cực. Tuy nhiên, điều tra còn được sử dụng để phản ánh về những cái tốt, khẳng định cái tích cực, nhất là trong trường hợp cái tốt, cái tích cực ấy đang bị cái xấu, cái ác tìm cách vùi dập, phủ nhận…
 
Phân tích sự kiện trong tác phẩm điều tra
 
Không có sự kiện thì không có bài điều tra. Nhưng khi đã có sự kiện rồi thì người viết điều tra còn cần phải có năng lực phân tích sự kiện đó. Có sự kiện tốt mà không có năng lực phân tích thì thật khó có thể chỉ ra vấn đề bên trong sự kiện.
 
Điều tra có thể trả lời về nhiều vấn đề với những cấp độ khác nhau bằng cách nêu vấn đề, vạch trần sự thật, nêu bài học kinh nghiệm và giải pháp, nêu ý kiến, kiến nghị giải quyết… Tuy nhiên, dù dừng ở cấp độ nào, sử dụng cách nào thì xuyên suốt trong một bài điều tra, tác giả luôn phải chú ý đến việc trình bày và phân tích sự kiện.
 
Việc phân tích sự kiện trong bài điều tra là tổng hợp của nhiều thao tác như quan sát trực tiếp; phỏng vấn cá nhân, tập thể; thu thập tài liệu, văn bản… Thông qua một loạt các thao tác này, tác giả mới thu thập đủ các dữ kiện cần thiết rồi từ đó phân tích sự kiện một cách khách quan và xác thực nhất.
 
Trong bất cứ một thể loại báo chí nào, việc phân tích dựa vào việc kết hợp các thao tác trên đều rất cần thiết. Tuy nhiên, bài điều tra với vai trò là trả lời các câu hỏi bức thiết của cuộc sống đặt ra, thì các thao tác trên lại càng cần thiết hơn nữa. Bởi một sự việc, vấn đề càng hóc búa, tồn tại nhiều mâu thuẫn thì càng cần được nhìn nhận, đánh giá cẩn thận, kỹ lưỡng trên mọi phương diện và góc độ.
 
Sự kết hợp giữa trình bày và phân tích sự kiện thể hiện đặc trưng riêng của thể loại điều tra. Sự kiện trong bài điều tra là sự thật xảy ra trong đời sống. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự kiện có thật nào cũng đưa lên báo. Nói cách khác, tính chất của sự kiện trong bài điều tra có đặc thù riêng. Đó là những hiện tượng có quy mô lớn, nổi bật, tập trung. Sự kiện đó phải xác thực và tiêu biểu cho một xu thế phát triển của hiện thực.
 
Trình bày sự kiện là một công việc trong phần nội dung của bài điều tra. Khác với phóng sự thường thiên về miêu tả sự kiện, việc trình bày trong bài điều tra phải gọn gàng, cô đúc, phản ánh chính xác các hiện tượng với sự chọn lọc, sắp xếp, miêu tả các hiện tượng tiêu biểu để nêu bật câu hỏi cần nêu, cần giải quyết, tạo điều kiện cho việc tìm câu trả lời.
 
Việc phân tích phải dựa trên cơ sở của sự kiện để từ đó đi sâu vào bản chất của nó, tìm ra mối quan hệ giữa các sự kiện và tìm ra lời giải đáp cho sự kiện đó. Nài ra, việc phân tích sự kiện trong bài điều tra còn phải nêu lên được mối quan hệ giữa các sự kiện cụ thể với toàn cục. Như vậy, việc phân tích sự kiện quyết định tới sự thành công của một tác phẩm điều tra.
 
So sánh là một phương pháp quan trọng khi phân tích. Nó làm nổi bật lên cái đúng sai, phải trái. Để so sánh được khách quan, chính xác, người viết điều tra phải chú ý so sánh ở cùng đơn vị đo lường, so sánh các sự kiện cùng loại, có cùng những điều kiện giống nhau.
 
Một phương thức khác của thao tác phân tích sự kiện là phải chú ý phân tích nguyên nhân để có giải pháp, phương hướng. Phải chú ý đến nguyên nhân chính và tổng hợp các nguyên nhân, chú ý nguyên nhân bên trong, bên nài… 
 
Trên cơ sở phân tích sự kiện qua một loạt các thao tác trên, người viết điều tra có thể đề xuất giải pháp phù hợp. Tất nhiên, chỉ có trên cơ sở phân tích khách quan, chính xác thì mới chỉ ra bản chất của sự kiện, mâu thuẫn tồn tại bên trong sự kiện đó. Và có chỉ ra được bản chất, nêu lên được mâu thuẫn thì mới tìm ra giải pháp thích hợp.
 
Kết luận
 
Thể loại điều tra có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi thông qua một hệ thống các bằng chứng được bố trí một cách chặt chẽ, hợp lý, kết hợp với lý lẽ. Câu trả lời mà bài điều tra mang lại cho công chúng phải là những vấn đề tiêu biểu, nổi bật thể hiện xu thế phát triển của đời sống.
 
Nêu vấn đề và phân tích vấn đề trên cơ sở những sự kiện, sự việc để làm sáng tỏ bản chất là đặc điểm của thể loại điều tra. Tác phẩm điều tra thể hiện chỗ đứng và cách nhìn của tác giả. Một bài điều tra tốt phải được xây dựng trên cơ sở những bằng chứng và luận cứ xác thực, kết hợp với lý lẽ, lập luận.
 
Nhìn lại những thành công của báo chí Việt Nam trong thời kỳ “báo chí điều tra” vừa qua, có thể nói không vụ việc tiêu biểu nào mà không có mặt thể loại điều tra. Trong làng báo Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các phóng viên viết điều tra, phóng sự điều tra có kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp.
 
Trong thời kỳ “báo chí giải pháp” hiện nay, điều tra vẫn đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ những ưu thế của nó trong việc khẳng định những nhân tố mới, tìm tòi những giải pháp tích cực để tác động vào cuộc sống.
 
Tháng 5/2007
Đ.D
(Trích Lamthanhkitu.com)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Triển lãm “Cây Quân tử”: Khi tranh phác họa từ văn chương

Triển lãm “Cây Quân tử”: Khi tranh phác họa từ văn chương

Tin nổi bật22 giờ trước

(Sóng trẻ) - Triển lãm ”Cây Quân Tử” là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ trẻ Hoàng Thiện Phúc lấy cảm hứng từ những nét đẹp cảnh quan tự nhiên và văn hóa đang thay đổi tại quê hương - làng chài ven biển thuộc tỉnh Bình Thuận.

Triển lãm “Ngày rộng” – Khoảng lặng giữa nhịp sống hiện đại

Triển lãm “Ngày rộng” – Khoảng lặng giữa nhịp sống hiện đại

Tin nổi bật23 giờ trước

(Sóng trẻ) - Triển lãm “Ngày rộng” không đơn thuần là nơi trưng bày về nghệ thuật mà là không gian để giới trẻ tìm về những khoảnh khắc yên bình, thoát khỏi cuộc sống hối hả và suy ngẫm về chính mình.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm đón khách tham quan

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm đón khách tham quan

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa chỉ mới ở quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/11/2024 và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN