(Sóng trẻ) - Cứ vào dịp đầu năm, chùa Địa Tạng Phi Lai tại tỉnh Hà Nam lại đón tiếp hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Ngôi chùa nằm ẩn mình bên đồi thông xanh mát, với cảnh quan thanh tịnh khiến ai đến nơi đây đều không nỡ về.
Cách Hà Nội khoảng 70km, Địa Tạng Phi Lai Tự (thuộc thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) trước kia có tên là chùa Đùng, xuất phát từ tên cổ Đùng của thôn Ninh Trung. Ngôi chùa tựa lưng vào dãy núi An Nhiên, dưới tán những rặng thông già hàng trăm năm tuổi. Núi mang thế ngai vàng, hai bên là tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ toát lên vẻ trang nghiêm, cổ kính.
Nhìn từ trên cao, chùa Địa Tạng như ẩn hiện giữa màu xanh của rừng thông bên chân núi.
Được xây dựng vào thế kỷ thứ 10, ngôi chùa từng được nhiều đời vua chúa ghé thăm. Tới khoảng thế kỷ 17, Vua Tự Đức khi tới đây cầu con đã cất lên 2 từ “Phi Lai”, cũng chính là nguồn gốc tên gọi mới của chùa.
Trải qua nhiều thế kỷ, nơi đây từng bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang bắt đầu tiếp nhận, tu sửa và đổi tên chùa thành Địa Tạng Phi Lai Tự. Từ đó đến nay, cổ tự đã mang trên mình một hình hài mới, tuy vậy vẫn giữ lại được cái hồn, cái cốt mộc mạc bên trong.
Hai chữ "Phi Lai" trong tên chùa có nghĩa khá rộng, vừa được hiểu là "sẽ quay trở lại", cũng có thể hiểu "không bao giờ quay lại nữa". Theo quan niệm Phật giáo, nơi nào Đức Địa Tạng không quay trở lại nơi đó sẽ hoá Phật.Đầu xuân Nhâm Dần, chùa đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày. Du khách tới đây đều đắm chìm trước vẻ đẹp uy nghi, cổ kính cùng phong cảnh, không gian yên bình, gần gũi với thiên nhiên.Giống như hầu hết các ngôi chùa truyền thống khác, tòa Tam Bảo là tòa nhà to nhất, nằm chính giữa trong quần thể chùa. Bên phải là nhà thờ Tổ, nơi thờ 42 vị sư tổ trụ trì chùa. Các khu thờ tự khác gồm toà điện Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông cùng Đức Thánh Hiền.Ai lần đầu ghé thăm đều không khỏi bất ngờ vì phần sân dẫn vào hai bên gian thờ được rải lớp sỏi nhỏ trắng tinh, thay vì lát gạch đỏ như hầu hết các ngôi chùa khác.Ngay trước Tổ đường của chùa là 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi, tượng trưng cho thập nhị nhân duyên của con người. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định. Phía trước gian thờ Phật Bà Quan Thế Âm, đặt giữa hồ sen là gốc đại cổ có tuổi đời hàng trăm năm.Ang nước nhỏ cạnh nhà chùa luôn đầy nước quanh năm. Dòng nước trong ang có nguồn từ mạch núi chảy ra, cũng như mạch sống dồi dào, thuần khiết của vạn vật nơi đây.Đến Địa Tạng Phi Lai Tự, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm leo núi, vãn cảnh rừng thông bạt ngàn. Con đường này cũng dẫn đến nơi tịnh tu của các vị tăng ni, phật tử trong chùa.Đi hết bậc đá sẽ đến trạm nghỉ chân, nơi đặt những pho tượng Phật đúc bằng đá, xung quanh bốn bề núi rừng bạt ngàn. Vị sư trụ trì của chùa đã từng nói: “Rừng là Phật, còn rừng là còn chúng sinh”.
Không chỉ là chốn thờ tự, chùa còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng. Đây là nơi trải nghiệm, hướng con người đến với chân, thiện, mỹ. Cũng vì lý do ấy, ngày càng có nhiều người biết và tìm đến với Địa Tạng Phi Lai Tự, để thả hồn vào cảnh sắc cũng như nhịp sống tĩnh lặng nơi đây.
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.