“Điểm dừng” cho việc uống rượu của người Việt?
(Sóng trẻ) – Chiều ngày 20/4, tại Heritage Space, tầng 1 toà nhà Dolphin Plaza, số 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Hà Nội diễn ra triển lãm và talkshow tích hợp “Điểm dừng” nhằm tuyên truyền, giáo dục về tác hại của rượu và cách sử dụng rượu đúng mực đối với thế hệ trẻ. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Việt Nam được đánh giá là một nước có lượng tiêu thụ rượu bia lớn trên thế giới, đứng thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. “Mượn rượu” đã đi sâu vào tiềm thức và trở thành một nét trong văn hóa của người Việt, đồng hành cùng với đó là những câu chuyện đáng nhớ và cả những hệ lụy.
Triển lãm và talkshow tích hợp “Điểm dừng” nằm trong dự án “Rượu mượn”, dự án truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng rượu của người Việt do nhóm sinh viên khoa Quan hệ công chúng - Quảng cáo thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện.
Rượu nói gì?
Được lấy ý tưởng từ những câu chuyện có thực được các bạn trẻ chia sẻ, triển lãm đã thể hiện được những tác hại, hệ lụy cùng với lợi ích mà rượu đem lại đối với từng cá nhân. Từ đó, truyền tải rõ nét thông điệp hạn chế sử dụng rượu bia và hãy dùng chúng đúng mực, có “điểm dừng”.
Khi tiêu thụ quá mức, rượu là tác nhân gây nên nhiều mâu thuẫn và tai nạn đáng tiếc
Rượu, nếu dùng một lượng vừa phải, nó sẽ giúp thăng hoa cảm xúc để sáng tạo nghệ thuật và tăng không khí cho các cuộc vui
Tham quan triển lãm, bạn Nguyễn Hữu San, sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng, chia sẻ: “... Những tác phẩm ở đây rất đặc biệt và có ý nghĩa. Sau sự kiện hôm nay mình sẽ tuyên truyền cho mọi người về tác hại của rượu. Chỉ nên uống vừa, uống đủ và nếu có thể thì tốt nhất là không nên dùng rượu để tránh những hậu quả...”.
Làm sao để uống rượu trở thành nét văn hoá văn minh?
Diễn ra song hành cùng triển lãm, với chủ đề: Rượu và văn hoá uống rượu của giới trẻ, talkshow “Điểm dừng” đem đến cho người xem những góc nhìn khác nhau về việc sử dụng rượu, quá đó tìm biện pháp cho vấn đề này.
Các diễn giả tham gia buổi trò chuyện bao gồm: PGS.TS Nguyễn Sinh Phúc, giáo viên kiêm nghiệm khoa tâm lý học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trước khi nghỉ hưu, công tác tại Bệnh viện Quân y 103; nhà báo Ngô Bá Lục, nhà báo chuyên về mảng văn hoá – nghệ thuật, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Saostar.vn; Phí Anh Tuấn – YouTuber Tuấn Tiền Tỉ, bình luận viên của Công ty Phát triển Game AOE.
Các diễn giả tham gia talkshow “Điểm dừng”
Nói về mặt tích cực của rượu, nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng: “Trong phong tục truyền thống của người Việt, bên cạnh trầu, cau, thuốc lá, thì rượu là một thứ không thể thiếu trong nhiều sự kiện. Xét cho cùng thì rượu là nét văn hóa.”
“Trên phương diện khoa học, khi có một chút men rượu thì máu của người ta được lưu thông nhanh hơn, làm cho người ta tự tin hơn, dĩ nhiên chỉ một chút thôi. Ở một góc độ nào đấy thì uống rượu là một điều tốt...”, nhà báo Lục chia sẻ.
“Nguyên nhân xuất phát từ góc độ xã hội và góc độ từ tâm sinh lý. Thứ nhất, bây giờ chúng ta có điều kiện, bây giờ đi ăn nhậu uống bia rất là dễ, chỗ nào cũng có bán. Thứ hai, tâm sinh lý của các bạn phát triển rất sớm, như vậy các bạn sẽ nhận thức được rất nhanh những hành vi của người lớn. Thứ ba là do các bậc phụ huynh, nhà trường dễ dãi trong việc để con em mình tiếp cận và sử dụng...”, nhà báo Ngô Bá Lục lí giải việc người uống rượu đang bị trẻ hoá.
Nhà báo Ngô Bá Lục bày tỏ quan điểm
Đồng ý kiến với nhận định đó, youtuber Tuấn Tiền Tỉ bổ sung: “Một yếu tố khác nữa là truyền không. Phim ảnh ảnh hưởng rất nhiều đến các hành vi của giới trẻ. Ví dụ xem các phim chưởng Hồng Kông, các nhân vật uống rượu bằng bát, xưng huynh đệ, nên khi ra nài, nhiều bạn trẻ cũng có hành vi tương tự”.
Chia sẻ tại buổi talkshow, PGS.TS Nguyễn Sinh Phúc cho rằng: “Nhiều người dựa vào rượu, vào văn hóa, vào truyền thống để thực hiện những động cơ không tốt. ...Trong trường hợp này nếu như cả nể thì sẽ là làm hại mình. Một nguyên tắc theo tâm lý lâm sàng là phải đối mặt với thực tiễn...”.
Chia sẻ cách từ chối việc uống rượu, các diễn giả cho hay: Khi bị ép thì từ chối có vẻ sẽ bị mất mặt sẽ bị coi thường, nhưng hãy nghĩ đến mình sức khoẻ và tương lai của mình trước, từ chối một cách nhẹ nhàng nhưng vẫn phải quyết liệt, thậm chí là khiến không khí bữa tiệc trầm xuống.... Khi mình có mục tiêu và yêu bản thân mình, thì trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể từ chối.
Ba khách mời cũng đồng tình quan điểm: từ chối rượu là bản lĩnh của người đàn ông và những cô gái hãy để ý đến những chàng trai như vậy
Trong những hoàn cảnh bất khả kháng, không uống rượu là một điều khó khăn như cảm tạ người khác, lần đầu ra mắt nhà người yêu... PGS.TS Nguyễn Sinh Phúc mách nhỏ: “...hãy nói rằng thú thực với anh, em không thể uống được. Tuy nhiên cũng chỉ xin phép anh uống một chén này (hay uống nốt chén thứ hai)... Và tôi rời cuộc chơi, sẵn sàng gánh cái thua thiệt về mình. Nhưng rõ ràng sau đó mình sẽ tránh được những cuộc nhậu nhẹt. Được gắn cái mác là thằng này không uống được đâu.... “
Bàn về đề xuất cấm quảng cáo rượu, bia trên internet, Phí Anh Tuấn khẳng định: “Uống rượu là một văn hóa, dù thế nào thì rượu cũng sẽ không mất đi và không thể cấm được, cấm được quảng cáo trên internet thôi, người ta vẫn sẽ tiêu thụ. Mục đích của đề xuất này là thiên về giáo dục nhiều hơn vì giới trẻ thường xuyên tiếp cận với internet, nếu quảng cáo rượu trên đó thì thì nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của các bạn. Còn về bản chất thì không cần quảng cáo người ta cũng dùng đến rượu...”.
Kết thúc buổi talkshow, các diễn giả đưa ra thông điệp: chúng ta không thể cấm rượu, không thể gạt nó ra khỏi đời sống, quan trọng là chúng ta sống chung với nó như nào thôi. Sự giáo dục từ gia đình và nhà trường là điếu tố quan trọng. Bản thân mỗi người cần có kỹ năng để có thể uống mà bảo vệ sức khoẻ, không vượt ngưỡng của bản thân. Dĩ nhiên đây là điều không đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh không đơn giản thì mới chúng tỏ được bản lĩnh của bản thân...
Buổi talkshow thu hút nhiều người tham dự
Đắc Quang
Cùng chuyên mục
Bình luận