Đìu hiu chợ người những ngày giáp tết
(Sóng trẻ) - Nhìn những cây đào, cây quất được vận chuyển trên đường, một nam cửu vạn tặc lưỡi: “Đời này bao giờ mới mua được một cây như thế về trưng tết”. Câu nói tựa hồ bâng quơ, nhưng lại ẩn chứa nỗi buồn của bao kiếp lao động nghèo ngày ngày vẫn đứng dưới chân cầu Mai Dịch, mong ngóng người đến “mua sức”.
5, 6h sáng, một nhóm người lao động thuộc huyện Phúc Lộc (Hà Tây) lại rủ nhau lên đường. Họ vốn là những người nông dân sống nhờ dăm ba sào ruộng, hết mùa cấy gặt lại chẳng biết nhìn vào đâu. Điểm đến của họ là chân cầu Mai Dịch, nơi mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người ngang qua. Họ lên đây với mong muốn kiếm thêm thu nhập nhờ những công việc tạm gọi là “ai thuê gì thì làm nấy”.
Thông thường, những người lao động này tập trung ở chân cầu từ sáng sớm cho đến tối mịt. Họ làm bốc vác, chạy xe ôm, làm vườn, rửa bát, thông cống, … miễn là có người thuê với giá cả hợp lí. Nếu may mắn, một ngày cũng có người kiếm được một vài trăm, còn không thì chỉ dăm ba chục đút túi, thậm chí có ngày không kiếm được đồng nào.
Những người nông dân nghèo tự tạo nên một "điểm hẹn" mưu sinh cho mình
Kể chuyện về cuộc mưu sinh ở xứ kinh kì, anh Nghĩa (30 tuổi) nói: “Đứng đây dăm bữa nửa tháng lại bị công an “hỏi thăm” một lần, ai chạy nhanh thì thoát, chạy chậm thì mất trăm rưỡi, hai trăm. Mỗi lần có khách đến là cả chục người lại nháo nhác hỏi han, thậm chí tranh giành nhau. Khổ thì khổ nhưng biết làm sao được, học mới đến lớp 4, lớp 5 thì đâu dám mơ đến nghề gì cao sang hơn”
Cô Hoa đứng nơi góc phố này đã ngót nghét 10 năm. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi, khuôn mặt đầy những nếp nhăn ấy chẳng ai dám nghĩ cô đang ở tuổi 40. Cô kể “Lên đây làm cũng chỉ mong kiếm đủ cái ăn qua ngày cho mấy miệng người trong gia đình thôi, chứ chẳng mơ đến tiết kiệm hay vun góp gì cả. Những đồng tiền hàng ngày kiếm ra, tôi phải suy tính cẩn thận, liệu có dành để ăn cơm trưa được không, hay mua cái bánh mì ăn tạm cho qua bữa”.
Chia nhau mẩu bánh mì...
Câu chuyện về chiếc bánh mì, về bát cơm trưa chẳng phải của riêng cô Hoa mà là câu chuyện chung của hàng chục người lao động ở đây. Mỗi ngày kiếm được vài ba chục nghìn hoặc không kiếm ra đồng nào, liệu những người lao động này có dám bỏ ra 20 nghìn để mua một suất cơm? Một chiếc bánh mì đôi khi họ còn phải chia làm đôi, mỗi người một nửa, cứ thế ăn cho qua bữa, qua ngày.
Hỏi họ liệu ăn thế này có đủ sức làm việc không, một người cười nói “Cái bụng lâu nay nó cũng quen vậy rồi”
“Ế ẩm” ngày giáp tết
Những tưởng rằng ngày giáp tết, nhu cầu lao động sẽ cao hơn, các công việc trang hoàng nhà cửa, vườn tược, khuôn vác đồ đạc,… sẽ giúp những người lao động có thêm thu nhập. Thế nhưng trên thực tế, công việc thì chẳng thấy đâu mà ngày này qua ngày khác, hàng chục người vẫn tập trung chờ mỏi mòn trong mưa rét.
“Chợ người” dịp tết ế ẩm, những câu chuyện gia đình, làng xóm nói mãi với nhau cũng hết, những người phụ nữ chỉ còn cách ngồi nhổ tóc bạc cho nhau, cánh đàn ông thì hít hà khói thuốc, đăm chiêu nhìn cảnh phố phường tấp nập.
Ngồi chờ ngày này qua ngày khác bất chấp cái lạnh thấu xương
Được hỏi về việc chuẩn bị tết nhất ở quê, anh Đôn (47 tuổi) nói : “Có gì đâu mà chuẩn bị, tết đến thì cứ thế đến, lo cái ăn đã khó lắm rồi, tiền đâu mà lo trang trí nọ kia. Có năm tôi đứng đây đến chiều 30 tết, về nhà vợ con làm được gì thì làm”.
Chị Linh, thì bảo: “Cũng muốn sắm sửa tết nhất, nhưng ở nhà thì chẳng yên tâm, lên đây biết đâu lại có người thuê, may mắn còn kiếm được thêm ít tiền”.
Cả chục năm đứng đây, chứng kiến bao đổi thay của phố xá song cuộc đời của những người lao động nghèo lại chẳng thể sang trang.
“Ở đây ai có tóc bạc, có chấy thì chỉ hai, ba hôm là sạch. Cả chục người thế này chỉ ngồi bắt chấy, nhổ tóc thì có tốn bao lâu”. Anh Nghĩa nói đùa trước khi chúng tôi ra về.
Thủy Tiên - Thúy Nga
Báo Mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận