Doanh nghiệp xanh: Chìa khóa cho phát triển bền vững
(Sóng trẻ) – Đặt tầm nhìn cho sự phát triển bền vững, doanh nghiệp xanh đang có xu hướng dần trở thành các chủ thể mới của nền kinh tế trong tương lai. Đây là mô hình được đánh giá cao , góp phần giải quyết các vấn đề thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Rubic khuyết màu xanh
Tăng trưởng kinh tế là một phương tiện cơ bản để phát triển, tuy nhiên bản thân nó lại là một đại diện không hoàn hảo của tiến bộ xã hội. Trước hết hãy nhìn vào quốc gia có sự bứt phá ngoạn mục trong nền kinh tế: Trung Quốc. Mặc dù là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới nhưng cũng chính quốc gia này lại trở thành gánh nặng của môi trường khi 16/20 đô thị ô nhiễm nhất thế giới thuộc về nơi này. Theo thống kê, để sản xuất một đơn vị hàng hóa, Trung Quốc phải tiêu thụ tài nguyên gấp 7 lần so với Nhật Bản, 6 lần so với Hoa Kỳ và 3 lần so với Ấn Độ. Điều đó đồng nghĩa với việc môi trường của quốc gia này – dần cạn kiệt và suy thoái - đang phải oằn mình đánh đổi cho cuộc chạy đua kinh tế của loài người.
Dễ dàng nhận thấy sự khập khễnh và thiếu dung hòa giữa hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường sinh thái của các nền kinh tế trên thế giới. Nhất là khi mâu thuẫn này đang phát triển theo hướng sinh tồn và càng ngày càng rõ nét trong bối cảnh chạy đua kinh tế ngày càng khốc liệt như hiện nay. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, không thể tìm thấy mảnh đất nào không bị ô nhiễm trên trái đất. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn phải khẳng định vai trò toàn diện của phát triển kinh tế đối với loài người nhưng phát triển theo cách tạm gọi là “mù quáng” thì nền kinh tế đó chẳng khác gì một khối rubic khuyết màu xanh.
Đối với Việt Nam, từ một nước nông nghiệp đang dần chuyển mình sang nước công nghiệp khiến đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên mặt trái của sự phát triển kinh tế đó là đầu độc môi trưởng bởi những chất thải công nghiệp, nhà ở, ý thức người dân,… Kết quả nghiên cứu môi trường ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang là 2 trong số 10 thành phố có tỉ lệ ô nhiễm môi trường cao nhất đặc biệt là ở những khu công nghiệp trọng điểm. Con số biết nói đó đã rung lên hồi chuông cảnh báo về mặt trái tăng trưởng ở Việt Nam là hủy diệt môi trường.
Phát triển bền vững xuất phát từ tư duy bền vững
Đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường do tăng trưởng kinh tế, một chiến lược phát triển mới của loài người được đưa ra nhằm giải quyết song song các vấn đề cấp bách: Phát triển bền vững. Đó là sự phát triển đáp ứng được yêu cầu hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng các nhu cầu của thế hệ mai sau. Đồng thời, yêu cầu bức thiết của phát triển bền vững là đảm bảo một sự cân bằng giữa nhu cầu tăng trưởng kinh tế với việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo môi trường.
Năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thay thế 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ bằng 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với 168 chỉ tiêu cụ thể. Từ đó các quan điểm về phát triển bền vững bắt đầu được mở rộng ra và mang tính bao trùm, phản ánh khát vòng chung sống của toàn nhân loại là được sống trong môi trường sống trong sạch và phát triển xanh. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam được xây dựng và duy trì dựa trên 3 trụ cột chính bao gồm bền vững kinh tế, bền vững xã hội và không thể thiếu là bền vững môi trường. Nó là mục tiêu bao trùm cho các bộ, các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân ở mọi lĩnh vực. Đi kèm với đó là rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm thay đổi nhận thức và hành động cho cả người dân và các tổ chức kinh tế để đảm bảo sự cân đối trong phát triển.
Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế rồi phát triển bền vững không chỉ đơn thuần là sự thay đổi tên gọi mà ẩn sau đó là cả những nội hàm vô cùng sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức. Nói cách khác, để đi đến được khái niệm phát triển bền vững phải là một quá trình thay đổi tư duy và hiểu biết của từng người về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của việc phát triển một nền kinh tế xanh.
Mô hình doanh nghiệp xanh đặt gạch xây đắp kinh tế xanh
Là một trong số những thành phố dệt may của cả nước, Nam Định đã và đang tiếp tục đánh giá, đề xuất các biện pháp liên quan đến xử lý nước thải, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững. Đi đầu cho các doanh nghiệp xanh là Công ty cổ phần TCE VINA DEMIN.
TCE VINA DEMIN là công ty có vốn đầu tư của tập đoàn TCE Copr Hàn Quốc. Công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt nhuộm và gia công các mặt hàng vải Denim. Nhận thức được sự cấp thiết trong việc giải quyết bài toán xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động, công ty đã đầu tư trên 30 tỷ đồng vào xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 2000m3/ngày đêm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy – Giảng viên ngành Kỹ thuật môi trường, Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định đây là một trong những hệ thống xử lý nước thải được xem là hiện đại và đạt hiệu quả.
Về cơ bản, quy trình xử lý nước thải tại đây hoạt động qua 3 bước bao gồm: Xử lý hóa lý bậc 1; xử lý sinh học; và xử lý hóa lý bậc 2.
Trước khi vào bước xử lý hóa lý bậc 1, nước thải sau khi đi qua song chắn rác, bể thu gom và thiết bị tách rác tinh thì sẽ đi vào bể điều hòa. Bể điều hòa có tác dụng lưu nước lại bởi lưu lượng và nồng độ nước không được cố định. Bắt đầu từ đây, hệ thống bơm cũng được hoạt động đều để bơm nước vào khu vực xử lý.
Trong hệ thống xử lý hóa học bậc 1, hệ thống cho các chất keo tụ vào để xử và ngay sau đó có 3 bậc phản ứng là cân bằng pH, đánh phèn, tạo bông để cho bông phèn to hơn. Tiếp theo, nước đi vào ngăn lắng với mục đích lắng toàn bộ cặn được tạo bông và phèn. Phần nước trong còn lại sau xử lý sơ bộ được đẩy vào ngăn trung gian. Trong ngăn này, hệ thống trộn thêm các chất tạo điều kiện cho vi sinh sống như phân đạm và photpho.
Từ đây, nước thải bắt đầu bơm vào hệ thống xử lý sinh học bậc hai. Xử lý sinh học bậc 2 bắt đầu bằng quá trình xử lý sinh học kỵ khí và tạo ra mùi. Đường đi nước thải dẫn nước vào bể hiếu khí. Khí bọt sục lên mạnh chứng tỏ quá trình sinh học hiếu khí đang phân hủy. Bởi những con vi sinh được nuôi sống trong quá trình xử lý hóa lý bậc 1 rất đậm đặc và lơ lửng khi đang phân hủy khí (khoảng 1/3 cốc nước được múc lên ở đây là vi sinh) nên nước thải phải đi qua thêm 1 bể lắng. Bể lắng này có tác dụng thu lại những con vi sinh để bơm ngược về hệ thống xử lý, còn phần nước trong tiếp tục đi đến quá trình cuối cùng của hệ thống xử lý nước thải tại Công ty cổ phần TCE VINA DENIM.
Tương tự như xử lý hóa lý bậc 1, bậc 2 châm phèn và thêm chất khử màu. Nước ra đến đây đã có các chỉ số tương đối ổn, tuy nhiên độ màu còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu sản xuất của nhà máy. Cụ thể, tại Công ty cổ phần TCE VINA DENIM Nam Định thiên về nhuộm quần bò nên nước thải có màu xanh rất rõ. Để nước có độ trong và sáng thì cần đến chất khử màu như trên. Nước ra bước cuối được khử trùng và đi qua một hệ thống mương quan trắc. Theo luật hiện nay nhà máy có hệ thống lấy mẫu online. Có nghĩa là khi nước đến mương quan trắc sẽ được lấy mẫu ngay tại đấy đồng thời hệ thống máy sẽ phân tích liên tục rồi gửi kết quả phân thích về Sở Tài nguyên và Môi trường. Nếu không đạt yêu cầu, phía trên Sở sẽ gửi cảnh bảo xuống đến nhà máy và yêu cầu khắc phục ngay.
Ngoài ra, từ trạm quan trắc tự động còn có đường dẫn đến kênh hở dẫn nước để đến hệ thống tái xử lý nước thải cung cấp cho sản xuất. Nhà máy được xây dựng hai hệ thống tái sử dụng nước thải với thể tích là 1500m3/1 bộ lọc. Trong bộ lọc này bao gồm các thành phần như cát, than,… Nước được lọc đến một tiêu chuẩn nhất định sẽ mang về pha với nước máy để tái sử dụng. Được biết, nhà máy có thể tái sử dụng nước lên đến 30% nước thải. Đây là một con số đáng mừng bởi nó phản ánh được hiệu quả cao của hệ thống xử lý nước thải.
Điều đáng chú ý là toàn bộ hệ thống xử lý nước thải nêu trên hầu hết được vận hành bởi máy móc, ít có sự tham gia của con người. Vì vậy, nhà máy được đánh giá rất cao về tính hiện đại và tự động hóa với hiệu suất xử lý lên đến 80% khi công nghệ được áp dụng xử lý tương thích với tính chất nước thải của công ty. Mùi phát sinh từ trạm xử lý nước thải được thu gom và xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân và người dân sinh sống xung quanh. Đây cũng là hệ thống được các cơ quan chức năng nhận định có thể ứng dụng rộng rãi trong các nhà máy khác.
Việc đầu tư nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường đã góp phần quan trọng trong chiến lược nâng cao sức cạnh tranh chất lượng sản phẩm cho công ty, tạo được dấu ấn tốt cho bạn hàng. Qua đó có thể thấy rằng, sản xuất đi kèm với bảo vệ môi trường dần trở thành và cần trở thành xu hướng tất yếu để một mặt đảm bảo phát triển bền vững, mặt khác đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường hiện nay. Với những nỗ lực trên, con người nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang từng bước hướng đến sự phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường, góp phần vào sự phát triển chung của toàn nhân loại.