Dự án 6700 cây xanh tại Hà Nội: Băn khoăn nối dài băn khoă

(Sóng trẻ) - Bỏ qua ý kiến người dân Thủ đô ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án, không tham khảo ý kiến chuyên gia, 21 câu hỏi không được trả lời trong cuộc họp báo, trồng cây không thích hợp với điều kiện đô thị. Tất cả đã biến dự án cây xanh lớn nhất Thủ đô thành một chuỗi băn khoăn…

83b5c5cd5_7364150b8_anh2.jpg

Không chỉ vì suy nghĩ “Tôi yêu cây xanh”

500 cây xanh, 500 linh hồn của Thủ đô bị chặt hạ với tốc độ chóng mặt. Và bộ mặt của những tuyến phố đẹp nơi Thủ đô cũng đổi thay thấy rõ. Người dân Hà Nội chỉ còn biết ngậm ngùi, xót xa cho “cái sự đã rồi”. “6700 người vì 6700 cây xanh” rồi những thắc mắc dồn dập gửi tới lãnh đạo Thành phố thông qua báo chí, những nỗ lực ấy, dù có bền bỉ đến đâu, cũng không thể cứu vãn được 500 cây xanh, trong đó có cả những linh hồn cổ thụ và cả những sự sống vừa đi qua tuổi đời 50.

Người dân Thủ đô bức xúc không chỉ bởi họ “yêu cây xanh”, coi trọng cây xanh, mà có lẽ còn bởi họ tự nhiên thấy mình trở thành “người thừa” trong dự án lớn này.

Vẫn luôn luôn là những người dân đứng ở thế bị động. Họ có nên chấp nhận hoàn cảnh bị động này không, khi vị trí, vai trò của họ trong dự án đã được một vị lãnh đạo mặc định sẵn, rằng: “Việc trồng cây, chặt cây không cần hỏi ý kiến dân"? Họ có nên chấp nhận trong nỗi đau xót rằng: đối với một dự án lớn như vậy, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, đến các chuyên gia, các nhà khoa học còn không được hỏi ý kiến, nữa là những người dân?

Ai sẽ chấp nhận điều đó, khi bóng mát cây xanh phục vụ cho người dân, khi những con đường đẹp lên nhờ cây xanh là những con đường ngày ngày dân qua lại, khi khói bụi xăng xe ngày càng khiến không khí nơi Thủ đô trở nên ô nhiễm và ngột ngạt vào mỗi giờ tan tầm? GS. Nguyễn Lân Dũng đã nói một cách thẳng thắn trên truyền hình: “Hà Nội tập trung các nhà nghiên cứu giỏi về lĩnh vực này, nhưng chúng tôi lại không được tham gia ý kiến về dự án. Hà Nội coi thường các nhà khoa học”.

Và khi có thể họ chấp nhận 500 cây xanh đã biến mất,nhưng chắc chắn họ không quên mình còn nắm trong tay hai chữ “dân chủ”, nghĩa là họ còn quyền được đòi hỏi tính công khai, minh bạch của thông tin về dự án lớn này – dự án mà đã có sự khẳng định trước đó từ phía UBND Thành phố, rằng kế hoach đã được thông báo đến người dân và "được hầu hết người dân đồng tình ủng hộ" (?!)

Càng khẳng định càng rối ren

Cũng không biết “hầu hết người dân” là ai và ủng hộ đến mức nào, chỉ biết rằng, làn sóng dư luận đã phát huy tác dụng: dự án buộc phải dừng lại, con số 500 không có cơ hội leo lên 501 tính đến thời điểm này; và quan điểm “không cần hỏi ý kiến dân” được thay thế bằng những tấm biển “không có số điện thoại liên lạc của cơ quan chức năng” trưng cầu ý kiến của người dân về việc thay thế cây. Một chút dân chủ đã được tôn trọng, nhưng sự công khai minh bạch thì cứ càng lúc càng rối ren cùng với những lời khẳng định, cũng với những hành động rà soát, thẩm tra của các cơ quan chức năng.

21 câu hỏi bị bỏ ngỏ trong cuộc họp báo ngày 20/3 đến ngày 25/3 đã được Sở xây dựng và lãnh đạo Thành phố trả lời. 21 khoảng trống bị bỏ ngỏ cách đây gần 1 tuần giờ đã được “lấp”, nhưng “lấp” đã “đầy” chưa thì lại là chuyện khác, và những khoảng trống băn khoăn trong lòng người dân Thủ đô về tính chất rõ ràng của thông tin thì cứ ngày một rộng ra bởi một lời khẳng định “Hà Nội khẳng định cây trên phố Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm".

Băn khoăn càng lớn khi một chuyên gia đã nói trên truyền hình: vàng tâm là cây ưa độ cao từ 100 – 700m và là loài cây phát triển chậm. Băn khoăn càng lớn khi: Hà Nội khẳng định là vàng tâm, chuyên gia khẳng định là gỗ mỡ; và càng hoang mang hơn khi các chuyên gia đều cho rằng: “Dù là gỗ mỡ hay vàng tâm thì đều không thích hợp trồng ở đô thị”. Càng khẳng định càng rối ren. Gỗ mỡ hay vàng tâm có lẽ chỉ là câu hỏi làm phức tạp thêm vấn đề. Có chăng nên đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn hơn: trồng cây gì thì phù hợp và mùa hè này cùng với nhiều mùa hè sau nữa, Thủ đô sẽ còn nóng đến mức nào?

Câu chuyện cây xanh nơi tỉnh xa: Muộn nhưng không thừa

Nỗ lực cứu hàng nghìn cây thông - “cây biểu tượng” phố núi Plâyku của lãnh đạo Gia Lai; 50 cây cổ thụ với tuổi đời hơn nửa thế kỷ mang đậm giá trị lịch sử của huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã được cứu vãn khỏi số phận xót xa đáng lẽ sẽ chịu sự quy định bởi dự án mở đường quốc lộ; Trà Vinh với câu chuyện coi cây xanh như báu vật đã chủ động “né” hàng trăm, hàng nghìn cây xanh khi thực hiện những dự án làm đường, xây dựng công trình, dồn dập những câu chuyện về ý thức bảo vệ cây xanh được đề cập trên báo chí như một cách để nhấn mạnh, để khẳng định tính chất bất cập của dự án 6700 cây xanh đã được triển khai quá vội vàng, quá nôn nóng để rồi kéo theo một loạt hệ lụy.

Và những câu chuyện nơi tỉnh xa cũng như một lời nhắc nhở: Sao không bắt đầu từ những tính toán kỹ lưỡng và triển khai thận trọng, sao lại biến dân, biến chuyên gia khoa học trở thành người nài cuộc trong một dự án lớn nơi trái tim của đất nước này? Liệu có là quá muộn không cho những câu chuyện ấy được kể ra, khi mà 500 cây xanh trong đó có rất nhiều cây khỏe mạnh, cây cổ thụ chỉ còn nằm trong tiềm thức của người dân Thủ đô? Nhưng có lẽ muộn còn hơn không, và lời nhắc nhở cho sự thận trọng trong những bước thực hiện tiếp theo của dự án 6700 cây xanh, trong cả những dự án lớn sẽ xuất hiện sau này chắc chắn sẽ không bao giờ thừa.

“Chúng tôi xin rút kinh nghiệm”, một lãnh đạo thành phố đã nói như vậy trong chương trình thời sự. Có lẽ sẽ cần một hành động cụ thể, đúng đắn, thiết thực hơn là một lời hứa gắn với ba chữ “rút kinh nghiệm”. Dù sao thì 21 câu hỏi “nợ” người dân đã được trả, chỉ có điều, cây “gỗ mỡ” hay “vàng tâm” vẫn đang đứng thẳng hàng trên những con đường Thủ đô, và lời khẳng định “Gỗ mỡ hay vàng tâm cũng đều không phù hợp với địa hình đô thị” khiến băn khoăn cứ nối dài băn khoăn.

“Mùa xuân là Tết trồng cây”. Mùa xuân này liệu có thể hiểu là “Tết chặt cây”? Liệu bao nhiêu mùa hè nữa, bóng mát cây xanh sẽ lại lan tỏa như ngày nào? Và liệu sau bao nhiêu mùa hè nữa, phố phường Hà Nội sẽ lại râm ran những tiếng ve?

Ngọc Hà
Báo Mạng điện tử K33

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN