Dùng cả tuổi thơ chỉ để trả lời một câu hỏi
(Sóng Trẻ) - “Rốt cuộc, mình là con trai hay con gái?” - Mia Nguyễn (một người chuyển giới nữ) đã tự dằn vặt bản thân về giới tính thật của bản thân suốt những năm tháng đi học.
Mia Nguyễn là diễn giả tại chương trình Speak up for Gender equality – Lên tiếng vì Bình đẳng giới. Trong khuôn khổ của sự kiện, 10 diễn giả là những gương mặt tiêu biểu trong việc đấu tranh đòi bình đẳng giới đã cùng nói lên những câu chuyện của riêng mình theo hình thức Pecha - Kucha (một cách kể chuyện và có những hình ảnh minh họa được giới hạn).
Tuổi thơ chìm trong thắc mắc: “Mình là ai?”
Sinh ra tại vùng quê nghèo Bến Tre, trong kí ức của Mia Nguyễn – Lúc này vẫn là cậu bé Nguyễn Công Đức thì đó là một tuổi thơ đầy những thiếu sót, hoang mang và bất định. Bố mẹ li hôn, ở thời điểm đó xã hội luôn có cái nhìn không tốt đối với những người phụ nữ li dị chồng, vì vậy mẹ phải đưa 2 anh em lên thành phố kiếm sống.
Ngay từ khi con rất nhỏ, cậu bé Nguyễn Công Đức (Mia Nguyễn) đã nhận thức được sự khác biệt trong sở thích của mình so với những bạn nam cùng lứa tuổi, sự nữ tính xuất hiện khi mà cậu vẫn chưa có một sự chuẩn bị gì về tâm lý. Lúc này, Đức chỉ biết rằng mình không giống với các bạn nam trong lớp mà thấy mình giống với con gái học cùng lớp hơn bởi có nhiều sự tương đồng trong sở thích.
Mia Nguyễn tại sự kiện Speak Up for Gender Equality
Cũng chính bởi sự khác biệt này, những năm tháng đến trường luôn là điều ám ảnh và ghi sâu trong tâm trí của Đức (Mia), bị bạn bè kì thị, trêu chọc, thậm chí bị chê là “bệnh hoạn” bởi những sự “khác người” đó.“Mia đối diện với những lời trêu chọc, mỉa mai của bạn bè. Ở trường nhiều cậu con trai đã đẩy Mia vào trong góc, cởi đồ Mia ra và xem bộ phận sinh dục của Mia có giống với các bạn hay không”. Từng đoạn kí ức được bóc tách qua lời kể trầm buồn của Mia Nguyễn.
Dù bị bắt nạt và cô lập như vậy nhưng lúc đó thay vì chọn lựa kể với mẹ thì Đức lại lựa chọn im lặng, về nhà và tự an ủi mình.“Những khi bị bắt nạt, Mia hay về nhà, lấy chìa khóa tua rua cột vào cây viết chì để làm thành con búp bê, tự nói chuyện với búp bê để kể khổ về cuộc đời mình”. Con búp bê “tự chế” như một cách để cậu bé Đức khi đó vẫn đang hoang mang về giới tính của bản thân bày tỏ nỗi lòng của mình.
Về sau, biết được mình có năng khiếu viết văn, Đức chọn cách trút tất cả những nỗi buồn, những suy nghĩ vào những câu chuyện do chính mình viết. Về sau thầy cô thấy được năng khiếu của Đức là đã chọn cậu vào đội tuyển Văn của trường rồi là của Tỉnh. Đức coi đó là cách để cậu giải tỏa những bí bách, mệt mỏi đồng thời cũng chứng tỏ được bản thân.
Suy nghĩ của Đức lúc đó là “Dù là người yếu thế trong xã hội tuy nhiên nếu mình có năng lực, có học vấn thì nhiều khi mọi người sẽ chấp nhận và cho qua đi những cái khiếm khuyết của mình”.
Bị trêu chọc và kì thị khiến Đức khi đó rất khổ sở, cậu ý thức được sự khác biệt của mình và nghĩ mình là con gái, thế nhưng đối với Đức lúc đó chỉ là sự nhận thức, không ai nói cho cậu biết con gái là như thế nào.
Suốt cả tuổi thơ của mình, cậu bé Nguyễn Công Đức luôn bị giằng xé, nhập nhằng không biết mình là đàn ông hay đàn bà. “Mình là ai? Mình sinh ra trên cõi đời này để làm gì? Mình là con trai hay con gái? Mình lớn lên sẽ như thế nào?” Những câu hỏi đó luôn kéo dài và dai dẳng suốt cả tuổi thơ cho đến khi Đức lớn lên và đi học Đại học Văn hóa ở TP. Hồ Chí Minh.
Hành trình trở về đúng với bản thân
Biết được sự khác biệt rõ rệt giữa bản thân và các bạn nam, thời gian đầu Đức luôn nghĩ rằng mình là một đồng tính nam. Tuy nhiên khi tìm hiểu thì sự thực lại không phải vậy. Cậu vẫn phát triển như những người nam bình thường, duy chỉ có sở thích và cảm giác đối với nam giới là khác biệt.
Rời Việt Nam sang Úc vào năm 24 tuổi, thời gian ở đây đã khiến Đức hiểu rõ về con người mình, cậu là người chuyển giới nữ chứ không phải là đồng tính theo suy nghĩ ban đầu. Những tưởng khi nhận ra rõ bản thân là ai sẽ khiến Đức thoải mái hơn nhưng không hề.
Đức (lúc này đã chuyển tên thành Mia Nguyễn) bị từ chối tất cả các công việc ở Úc vì hình ảnh một người nữ nhưng mang giới tính con trai vẫn bị một số người kì thị và rất khó để xin việc. Một lần nữa thái độ xa lánh, từ chối của nhiều người xung quanh khiến Mia Nguyễn thấy mình không được lựa chọn sống với đúng giới tính của mình.
Đến năm 25 tuổi, Mia Nguyễn vượt qua mọi định kiến, mỉa mai từ những người xung quanh để đưa ra quyết định lớn nhất cuộc đời mình đó là trở thành một người phụ nữ thực sự. “Đàn bà đã rất khổ sao con lại chọn làm một người phụ nữ chuyển giới”. Đó là câu nói của mẹ mà Mia Nguyễn nhớ nhất khi mẹ cô gặp lại cậu con trai của mình nay đã thành một người phụ nữ. Sau đó, Mia Nguyễn quyết định quay lại trường Đại học để học về tâm lý học, tham gia vào các vận động quyền tại Úc, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức phi chính phủ Úc để giúp đỡ lại những người yếu thế trong xã hội.
Mia Nguyễn cùng người bạn đời của cô – Austin tại Úc - Ảnh: FB NV
Những tưởng người phụ nữ mạnh mẽ đó sẽ mãi cô độc trên con đường của mình, thế nhưng vào năm 32 tuổi, Mia Nguyễn đã gặp được “nửa kia” của mình là Austin. “Là 1 người đàn ông nhưng anh đã yêu và dám yêu 1 người phụ nữ chuyển giới, bị những cái ruồng bỏ, kì thị trong xã hội. Anh chính là người đã mang lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc đối với Mia” Mia Nguyễn không giấu được niềm vui và tự hào khi nói về tình yêu của mình.
Năm 2016, Mia Nguyễn và chồng quay về Việt Nam và nhận nuôi một bé gái, hiện cả nhà sống cùng nhau ở tp. Hồ Chí Minh. Cho đến hiện tại, dù đã có người bạn đời là Austin cũng cô con gái nuôi bên cạnh, đã thay đổi nại hình để sống đúng với bản thân thế nhưng đối với Mia Nguyễn, đó vẫn chưa thực sự là niềm vui trọn vẹn. bởi những thủ tục pháp lí ở Việt Nam vẫn chưa chấp nhận cô theo khía cạnh là một người phụ nữ bởi ở Việt Nam Luật chuyển đổi giới vẫn chưa được thông qua.
Khi nhận con nuôi ở Việt Nam thì trên giấy tờ Mia Nguyễn vẫn là đàn ông, căn cước công dân là nam mang tên Nguyễn Công Đức, giấy chứng nhận con nuôi ghi là cha của đứa bé, để chứng minh mình hoàn toàn bình thường, Mia Nguyễn còn có giấy xác nhận rằng cô không bị bất cứ chứng bệnh tâm thần nào.“Mia luôn tự hỏi rằng Mia là ai, là đàn ông hay đàn bà, là nam hay nữ, là cha hay là mẹ, Mia thuộc về đâu trong phân biệt giới tính ở Việt Nam”.
Mia tự hỏi cho chính mình cũng như tự hỏi cho người chuyển giới nói chung.“Có những cuộc đời người chuyển giới giống với Mia và các bạn chuyển giới nài kia vẫn không được nhìn nhận, vẫn là vô hình giữa xã hội còn nhiều định kiến về giới này”.
Thông tin chi tiết nhân vật
Lê Huyền – ĐPT35
Cùng chuyên mục
Bình luận