F0 gia tăng nhanh khi các trường đại học mở cửa
(Sóng trẻ) - Hào hứng quay lại giảng đường sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều sinh viên phải quay lại cuộc sống nhìn nhau qua màn hình vì F0 “gõ cửa”.
Nỗi lòng của sinh viên khi trở thành F0
Mang trong mình tâm trạng hào hứng của sinh viên năm nhất, Nguyễn Xuân Pháp (sinh viên năm nhất Trường đại học Văn hóa Hà Nội) nhanh chóng xếp vali lên xe di chuyển ra thủ đô khi trường có thông báo học trực tiếp.
Tuy nhiên, niềm vui đó không kéo dài được lâu khi chỉ hai ngày sau, chàng sinh viên quê Hà Tĩnh ấy bị nhiễm covid-19. Pháp chia sẻ: “Sau một thời gian học trực tuyến, mình rất háo hức được lên trường gặp thầy cô, bạn bè nhưng không ngờ mình lại trở thành F0 ngay những ngày đầu tiên ra Hà Nội. Lúc đó mình hoang mang lắm, vì ở quê mình không có nhiều ca bệnh như thế này.”
Dù đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nhưng vẫn bị sốc khi nhận kết quả 2 vạch, Pháp tâm sự thêm: “ Mình không dám nói với bố mẹ vì sợ bố mẹ lo lắng, cũng may có 2 bạn cùng phòng đã giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình điều trị bệnh tại phòng trọ”
Nói về cách chữa bệnh COVID-19 của mình, cậu sinh viên ấy không xông các loại lá như mọi người thường làm mà chỉ uống thuốc bác sĩ kê đơn, đồng thời Pháp còn dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục nâng cao sức đề kháng. Nhờ cách này, chỉ 5 ngày sau bạn ấy đã khỏi bệnh và có thể quay lại trường học trực tiếp.
Khác với sinh viên các trường đại học khác, anh Trần Việt Cường (sinh viên Trường Sĩ quan Lục quân 1) trao đổi với phóng viên: “Anh vừa phát hiện mình trở thành F0 hôm qua và đang được cách ly tập trung ở Tiểu đoàn 15 cùng các học viên bị nhiễm COVID-19 khác, ở đây có các bác sĩ quân y thăm khám thường xuyên nên cũng an tâm phần nào.”
Các trường đại học tìm cách ứng phó trước F0 trong trường
Sau một tuần quay trở lại trường học, không những sinh viên mà giảng viên, cán bộ trong trường không thể tránh khỏi khi trở thành F0.
Tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, sau khi những kết quả sàng lọc mỗi ngày, trường ghi nhận gần 170 F0 với hàng trăm F1. Trước tình hình căng thẳng như vậy, Học viện đã ứng phó kịp thời, mở ra các khu cách ly ngay trong trường.
Theo PGS. TS.Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, trường đã tiến hành bố trí không gian điều trị, cách li cho các F0, F1. Đưa ra các biện pháp kiểm tra y thế như xét nghiệm virus theo định kỳ,…
Đảm bảo an toàn trong KTX cho sinh viên, cũng là thách thức không nhỏ với các trường đại học. Đối với trường Đại học Quốc gia Hà Nội, trường triển khai xét nghiệm nhanh, tham gia chăm sóc các F0, F1. Đồng thời, trường triển khai với các sinh viên, có vấn đề sức khỏe thì phải báo ngay. Sinh viên có thể báo cho các cán bộ, quản lý trên các group chat trên Zalo, Facebook để mua thuốc giảm sốt, giảm ho,...
Với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường đã quyết định lùi học 2 tuần so với dự kiến (từ 7/3 thành 21/3), bởi khi các ca F0 của giảng viên lên tới vài chục người và tỉ lệ khảo sát sinh viên nhiễm bệnh càng ngày càng tăng. Với tình hình đó, trường phải đưa ra những phương án giải quyết hợp lý, đảm bảo an toàn trong khuôn viên trường học nói riêng và xã hội nói chung.
Tuy nhiên, việc đó cũng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” cho nhiều sinh viên đã lên Hà Nội trước khi nhận thông báo hoãn học trực tiếp. Bạn Nguyễn Thị Quỳnh (sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay
“Mình lên Hà Nội trước 2 tuần vì sợ hết trọ cho thuê, đồng thời còn phải sắm đồ đạc phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Nhưng khi lên được 1 2 ngày thì trường thông báo chuyển lịch học, khiến mình vô cùng bối rối. Mình không biết nên ở đây hay về quê, vì đã mất công ra mà khi về thì sẽ phải tốn một khoản tiền lớn trong việc đi lại.” Quỳnh chia sẻ.
Trong bối cảnh hơn 9000 ca F0 tại Hà Nội gia tăng mỗi ngày, ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hàng loạt trường đại học đã tạm dừng đón sinh viên trở lại trường như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công đoàn, ĐH Mỏ - Địa chất,… để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và kế hoạch giảng dạy.