Dịch đau mắt đỏ “tấn công” giảng đường
(Sóng Trẻ) Thời gian gần đây, dịch đau mắt đỏ đang có dấu hiệu quay trở lại. Số lượng người mắc bệnh đau mắt đỏ ngày càng tăng, đặc biệt tại các giảng đường rất dễ để bắt gặp một giảng viên hay sinh viên đang bị bệnh đau mắt đỏ.
Dịch đau mắt đỏ bùng phát – Nguồn internet
Với mỗi chúng ta, hẳn sẽ đều nghĩ rằng: Đau mắt đỏ là một bệnh thường gặp theo mùa và nhiều người quan niệm con đường lây lan chủ yếu là do nhìn vào mắt của người bị bệnh. Vì vậy mà khi có ai đó bị đau mắt đỏ, thì họ vẫn tiếp tục công việc hàng ngày của mình một cách bình thường với một chiếc kính râm, và coi đó đã là “lá chắn” để không bị lây lan cho người khác. Một sinh viên bị đau mắt đỏ còn quả quyết cho rằng: “Mình nghĩ là đau mắt đỏ khi đi ra nài thì chỉ cần đeo kính là có thể tránh lây lan cho người khác. Mình vẫn đến lớp bình thường, có thấy ai bị lây đâu?”
Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa Mắt thì bệnh đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường hô hấp rất nhanh và nguy hiểm; lây qua đường tiếp xúc các đồ vật dùng chung, như: Khăn mặt, chậu rửa mặt, tay nắm cửa, vòi nước, bể bơi…Chính vì vậy mà việc người bị bệnh phải đeo khẩu trang khi đi đến công sở, giảng đường, hay những nơi công cộng là rất cần thiết.
Bệnh đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân do Adeno virus là dễ lây lan và có thể thành dịch. Bệnh mắc ở mọi lứa tuổi, rải rác quanh năm, ở mọi nơi, nhưng thường tăng lên vào mùa hè - thu và ở những nơi úng lụt.
Virus gây bệnh tồn tại ở người mắc bệnh, người lành mang mầm bệnh, môi trường xung quanh như bể bơi, các đồ vật dùng chung, ruồi nhặng…; virus gây bệnh có thể tồn tại ở môi trường tự nhiên tới 35 ngày; tuyp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch ngắn, trong vòng 2 tháng, vì vậy một người có thể mắc bệnh hai lần trong một đợt dịch; virus gây bệnh tồn tại và vẫn có khả năng lây cho người khác trong vòng một tuần sau khi khỏi bệnh.
Nếu trong thời gian bị bệnh mà người bệnh không chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, tự ý đắp, xông những loại thuốc nam mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ rât dễ có nguy cơ bị biến chứng nặng thêm. Cũng vì chủ quan, thiếu kiến thức về bệnh nên bạn Nguyễn Thị Hương Trà – sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã bị biến chứng xuất hiện màng giả mạc mắt, chữa trị gần một tháng chưa khỏi, Trà nói: “Ban đầu thì mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là bệnh này không nguy hiểm, và tự ý xông mắt bằng lá trầu không hàng ngày. Tuy nhiên bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm. Quá lo lắng, mình đã đến bệnh viện Mắt khám thì được bác sĩ nói là mình đã bị biến chứng có màng giả mạc trong mắt và phải dùng thủ thuật tách bỏ”.
Chính vì sự chủ quan, thiếu kiến thức đầy đủ về bệnh đau mắt đỏ của một số người mà trong thời gian qua, bệnh đã có xu hướng gia tăng thành dịch. Mong rằng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm kiến thức để phòng tránh căn bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không kém phần nguy hiểm này.
Lê Tuấn Anh – Lớp Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận