Game trường là chiến trường
(Sóng Trẻ) - Khuôn mặt xám xanh nhợt nhạt, móng tay vàng sậm do liên tục cầm thuốc lá, Thắng nhả một đợt khói, nói: “Muốn kiếm được tiền trước hết phải có vốn, muốn có vốn thì phải “cày”, có vốn rồi lại muốn làm ăn lớn hơn, lại lao vào “cày”. Một vòng tròn luẩn quẩn. Nhiều người nói: “Game trường là chiến trường”.
Cách đây gần một năm, chuyện cặp vợ chồng chơi game Tam Quốc Chí mua được xe ô tô bạc tỷ khiến cộng đồng game xôn xao. Các bạn sinh viên bắt đầu nuôi “giấc mộng” cày game để sắm xe, sắm đồ.
Trong phòng chơi game sóng sánh khói thuốc, các game thủ mặt mũi trắng bệch, đôi mắt đờ đẫn nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt bấm chuột, gõ bàn phím… Thật khó để nhận ra Đoàn Ngọc Nam (SV năm thứ 3, Đại học Bách Khoa), bởi cậu cũng phờ phạc, tóc tai bù xù, quần áo lôi thôi như những “chiến hữu” của mình.
Nam đến với đến game từ hổi học cấp III, nhưng hồi đó Nam chỉ coi game là một thú giải trí trong những lúc rảnh rỗi. Khi vào đại học, được bạn bè “chỉ dạy”, lại thêm thời gian rỗi hơn so với phổ thông, Nam bắt đầu công việc cày tiền của mình. “Mình chỉ cần bỏ thời gian “cày” game, càng cày nhiều mình càng lên bậc, sau đó kiếm được nhiều đồ trong game. Đồ ảo nhưng quy ra tiền thật, mình sẽ bán chúng cho những ai muốn lên bậc nhanh mà không đủ thời gian để cày” – Nam tâm sự.
Người chơi game online không chỉ phải bỏ thời gian để lên bậc, mà còn phải dồn vào game một số vốn, để nhân vật của mình đầy đủ vũ khí đi “xâm lấn” miền đất mới. Càng mua được nhiều đồ thì bậc lên càng cao, nhân vật càng mạnh, bán càng được nhiều tiền. Thường đồ tốt, người chơi có thể kiếm tiền trăm, cao hơn nữa là tiền triệu. Nếu thị trường game bị đẩy giá thì người chơi càng có khả năng “vớ đậm”.
Nhạy bén với tốc độ phát triển của thị trường game, một số người đã đứng lên thành lập công ty TNHH chuyên… chơi game online. Dạo một vòng quanh các website tuyển dụng, không khó để các bạn sinh viên bắt gặp các dòng chữ: “Tuyển nhân viên chơi game online”, với tiêu chí không thể đơn giản hơn: biết chơi game online! Còn gì bằng việc vừa được chơi game lại vừa kiếm ra tiền!!!
Thông báo tuyển người chơi game tràn lan trên các website |
Với mức lương hấp dẫn (1,5 – 2 triệu/ tháng, chưa kể thưởng), kèm theo yêu cầu không quá cao nên công việc chơi game kiếm tiền thu hút được đông đảo các bạn sinh viên. Trong một căn phòng rộng chừng 40m2, máy vi tính được xếp thành 3 hàng, các game thủ tha hồ chúi mặt vào màn hình, thức ăn, nước uống được phụ vụ tận nơi.
Nhưng có lẽ chưa có công việc nào yêu cầu lượng thời gian lớn như công việc này: từ 7h-18h, 19h-6h, các bạn sinh viên phải làm việc 12h/ngày, trưa được nghỉ 1h để ăn uống. Nếu đủ sức, các bạn có thể làm cả ca đêm để cày có năng suất. Làm một phép tính đơn giản: lương 1,5 triệu/ tháng, như vậy 1 ngày các bạn kiếm được 50 nghìn đồng, quả là quá bèo bọt khi phải bỏ tới nửa ngày ngồi mài mòn “đũng quần” trên ghế chơi game.
Gặp lại Trần Quyết Thắng (SV năm thứ 2, Học viện Bưu chính Viễn thông), hậu quả của 5 tháng chơi game online cho một công ty khiến Thắng gầy hẳn đi, đôi mắt trũng sâu, làm da tái xám của người thiếu ngủ lâu ngày. Thắng tâm sự: “Mệt lắm chị ạ. Suốt ngày ngồi chúi mũi vào màn hình chơi game, đầu óc căng thẳng, mắt em bây giờ cận thêm 2 đi-ốp rồi”.
Những tưởng kiếm được tiền thì các game thủ này sẽ đỡ đần một phần cho cha mẹ. Nhưng không, càng chơi nhiều, càng muốn kiếm nhiều tiền hơn, lại phải dồn vào đầu tư “nâng cấp”.
Miệng phì phèo điếu thuốc, Thắng nhả một đợt khói, nói: “Muốn kiếm được tiền trước hết phải có vốn, muốn có vốn thì phải “cày”, có vốn rồi lại muốn làm ăn lớn hơn, lại lao vào “cày”. Một vòng tròn luẩn quẩn. Nói “Game trường là chiến trường” cũng chả sai”.
Kiếm ra tiền nhưng lại tiêu hết, sức khỏe thì xuống dốc và chuyện học tập của những sinh viên “cày game kiếm tiền” này cũng không đảm bảo. Thay vì “cày game” bây giờ Thắng phải “cày sách” cật lực bởi 5 tháng chơi game liên tục đồng nghĩa với việc cậu bỏ học. Bây giờ Thắng phải trả nợ môn nếu muốn được học tiếp kỳ sau.
Bi thảm hơn Thắng, do mải vùi đầu vào game mà Nam từ một sinh viên Bách Khoa khoa hóa dầu giờ bị hạ xuống học cao đẳng do liên tiếp bị cảnh cáo vì nợ môn và vắng mặt quá nhiều. Ba năm ăn học của cậu coi như đổ xuống sông xuống bể. Bây giờ Nam đang ôn thi lại đại học bởi ở cao đẳng không có chuyên ngành cậu thích.
Đoàn Nguyễn Thanh là game thủ số 1 trong trò Bomb N Dash năm 2008, Thanh đã từng được vào TP Hồ Chí Minh rồi sang Hàn Quốc dự giải thi đấu game quốc tế. “Vinh quang, dang tiếng” của Thanh một thời khiến cả làng game phải nể phục. Tuy nhiên, bây giờ họa hoằn lắm Thanh mới chơi game. “Sang bên đó mới thấy quốc tế người ta đã coi game là một nghề. Họ có đầu tư bài bản, chứ không “hùng hục” lao vào chơi như mình. Chả ai có thể giàu nhờ chơi game cả, của thiên lại trả địa thôi. Muốn giàu chỉ có cách làm quản trị hoặc viết game. Mình thì không có tài đó, nên tốt nhất là… bỏ!”. Thời điểm đạt được danh hiệu game thủ số 1, Thanh cũng phải bảo lưu hẳn 1 năm chỉ để chuyên tâm vào chơi game. Hiện giờ, cậu đang tiếp tục theo học ngành Công nghệ thông tin của Đại học dân lập Thăng Long.
Chơi game, hay để game “chơi” mình là câu hỏi không dễ trả lời với một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay. Hãy tự mình suy nghĩ một cách thấu đáo về được và mất khi vùi đầu vào Game nếu không muốn lãnh những hậu quả khôn lường!
Nguyễn Thị Kim Thái
Báo mạng điện tử K.27