Giải quyết vấn đề trật tự vỉa hè Hà Nội: Thách thức cần thắt chặt giải pháp
(Sóng trẻ) - Hơn một năm sau công cuộc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp tục tái diễn, cho thấy những giải pháp tạm thời chưa đủ sức giải quyết vấn đề phức tạp này.
Ngang nhiên tiếp diễn dù đã cấm
Sau nhiều đợt đồng loạt ra quân, xử lý vi phạm trật tự đô thị, vỉa hè đã thông thoáng, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, sự cải thiện này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, hiện tượng tái lấn chiếm lại xuất hiện gây nên cảnh tượng nhốn nháo và làm xáo trộn trật tự đô thị.
Ghi nhận của phóng viên trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội cho thấy, tình trạng chiếm dụng vỉa hè diễn ra công khai. Các hàng quán không ngần ngại bày bàn ghế, dựng ô dù, thậm chí còn biến không gian chung thành bãi đỗ xe cho khách hàng.
Chị Lê Ngọc Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Xung quanh khu này có rất nhiều hàng quán buôn bán trên vỉa hè. Lúc công an đến, họ vội vàng thu dọn đồ đạc gọn gàng. Nhưng ngay khi không còn ai giám sát, họ lại đem bày mọi thứ ra để tiếp tục kinh doanh. Đó là cách để những người bán hàng trên vỉa hè chống đối.”
Nhiều hàng quán tìm cách đối phó bằng những “chiêu trò” quen thuộc, tạo nên hình ảnh không đẹp trong mắt người dân Thủ đô. Hơn nữa, việc né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng khiến cho những nỗ lực xử lý vi phạm trở nên khó khăn hơn.
Dọc theo con phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy), tình trạng lấn chiếm vỉa hè có phần phức tạp hơn do tập trung nhiều quán ăn, quán cà phê. Vỉa hè ở đây gần như bị "xóa sổ", trở thành nơi bày bàn ghế ăn uống và làm bãi đỗ xe cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thanh Thủy, một người dân thường xuyên đi qua phố Quan Hoa, bức xúc chia sẻ: “Mỗi lần đi bộ qua đây, tôi đều phải bước xuống lòng đường vì vỉa hè không còn chỗ. Nhiều lần suýt va chạm với xe máy chỉ vì tránh những chiếc bàn ghế kê giữa lối đi. Thật sự rất nguy hiểm".
Hiện tượng lấn chiếm vỉa hè diễn ra thường xuyên như “cơm bữa” không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm trực tiếp cho người đi bộ khi buộc họ phải di chuyển xuống lòng đường. Những nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn, đe dọa tới cả người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông khác.
Cần có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ
Trao đổi về quy định liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Thế (văn phòng luật sư Hà Trọng Đại) cho biết: “Theo Khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các cá nhân vi phạm lấn chiếm vỉa hè để buôn bán có thể bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng, trong khi tổ chức vi phạm có thể bị phạt từ 200.000 đến 400.000 đồng”.
Luật sư Phạm Thế (văn phòng luật sư Hà Trọng Đại) cho rằng, vấn đề trật tự vỉa hè là một thách thức phức tạp. Dù mỗi chiến dịch giải tỏa vỉa hè đều mang lại sự thay đổi tạm thời, tình trạng lấn chiếm lại thường xuyên tái diễn.
Bởi lẽ, vỉa hè không chỉ là không gian dành cho người đi bộ mà còn là nguồn sống của một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Ngoài ra, nhu cầu đỗ xe cá nhân tại Hà Nội ngày càng lớn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng được, đặc biệt là tại các khu phố cổ, bệnh viện và các tuyến phố cũ. Điều này làm cho việc sử dụng vỉa hè trở nên đa dạng và khó kiểm soát.
Để giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, luật sư Phạm Thế cho rằng: “Chế tài xử lý phải đủ mạnh và phải được thực hiện nghiêm túc. Các biện pháp xử phạt nặng cần được áp dụng đồng bộ, kết hợp với việc giáo dục cộng đồng về ý thức tuân thủ pháp luật và bảo vệ trật tự đô thị”.