Giám đốc Chính sách EU cùng Việt Nam thảo luận về báo chí chuyên nghiệp
(Sóng trẻ) - Buổi hội thảo giữa Giám đốc Chính sách Shada Islam cùng GS.TS Trương Ngọc Nam và đông đảo cán bộ làm việc trong ngành báo chí, các giáo viên, học sinh trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra chiều nay 26/3 tại tầng 24 tòa nhà Lotte, Đào Tấn, Hà Nội.
Là một phần của chương trình kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), buổi hội thảo với chủ đề "Vai trò của báo chí chuyên nghiệp trong một thế giới kết nối" đã được tổ chức tại văn phòng đại diện của EU tại Việt Nam.
Đến dự buổi hội thảo có bà Shada Islam, Giám đốc Chính sách chương trình "Những người bạn của châu Âu"; TS. Franz Jessen, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam; GS.TS Trương Ngọc Nam, giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng Phái đoàn EU tại Việt Nam và đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh của Hoc viện. Chủ tọa buổi hội thảo là bà Delphine Malard, Tham tán đầu tiên của Phái đoàn EU tại Việt Nam.
Bắt đầu từ 14h30, hai diễn giả của buổi hội thảo là bà Shada Islam và GS.TS Trương Ngọc Nam lần lượt có bài nói chuyện với các thính giả. Hai bài nói chuyện xoay quanh những đặc điểm của nền báo chí chuyên nghiệp hiện nay, những yêu cầu cơ bản của một nhà báo "chuyên nghiệp", cùng những phương hướng để đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp.
Bà Shada Islam nêu lên những đặc điểm của nền báo chí chuyên nghiệp - bao gồm tính nhạy cảm, tính công bằng, tính khách quan và tính trung thực. Bài nói chuyện của bà mang tính thời sự khi đã đưa ra quan điểm của mình về các sự kiện gần đây, mà đặc biệt là vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo. Trong khi đó, bài nói chuyện của GS.TS Trương Ngọc Nam đề cập tới vai trò của giáo viên trong việc đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng lứa nhà báo chuyên nghiệp tương lai. Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: "Một giảng viên dạy về phóng sự không nhất thiết phải thành công ở mảng phóng sự, nhưng cũng phải từng viết về mảng đấy".
Kết thúc với những câu hỏi chưa thỏa đáng
Phần thảo luận tại buổi hội thảo diễn ra sôi nổi khi nhiều ý kiến đã được đưa ra với mục đích định hình rõ ràng hơn bốn chữ "báo chí chuyên nghiệp", qua đó giúp cải thiện được môi trường đào tạo và môi trường nghề nghiệp, giúp đào tạo những nhà báo chuyên nghiệp hơn.
Phần lớn các ý kiến tập trung vào việc giải quyết những thách thức của nền báo chí chuyên nghiệp hiện nay và xây dựng các tiêu chuẩn làm nên một nhà báo chuyên nghiệp. Trước vấn đề được đặt ra là sự trỗi dậy của nhiều loại hình thông tin như blogger, mạng xã hội..., bà Shada Islam đã chia sẻ rằng: "Sự phát triển của thông tin hiện nay đặt ra nhiệm vụ mới cho các nhà báo: đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi. Một nhà báo chuyên nghiệp trong thế giới thông tin sẽ lần theo những câu hỏi của bức tranh toàn cục và tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó".
Một trong những vấn đề khác được đặt ra đó là quá trình tuyển chọn để đào tạo những nhà báo tương lai. Trước những thay đổi trong cách thức tuyển sinh sinh viên theo học ngành Báo chí, môt cán bộ của Học viện đã đặt ra câu hỏi: "Ở châu Âu người ta làm thế nào? Liệu có nhất thiết phải học báo chí thì mới trở thành nhà báo được không?"
Bằng kinh nghiệm và thực tiễn của bản thân, Shada Islam - người có bằng Tiến sĩ chuyên ngành Báo chí đã chia sẻ: "Ở nơi chúng tôi, tiêu chí về việc viết lách được đặt lên hàng đầu. Có đam mê với câu chữ, bạn cũng phải biết sử dụng câu chữ thì mới có thể được đào tạo trở thành nhà báo trong tương lai".
Buổi hội thảo kết thúc sau hai tiếng thảo luận bằng bữa tiệc nhẹ. Tuy vậy, những cuộc trò chuyện nhỏ vẫn tiếp tục, nhằm tìm ra được câu trả lời cho điểm then chốt nhất: làm thế nào để Việt Nam thực sự có được một nền báo chí chuyên nghiệp.
Một số hình ảnh từ sự kiện:
Hữu Đức
Báo Mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận