Giảng viên khơi dậy lòng yêu nghề trong sinh viê
(Sóng trẻ) - Mới trải qua hai năm tại Học viện, nhưng ấn tượng với ngành báo và người nhà giáo đủ để giúp tôi viết những dòng cảm nhận này. Và chính những người giáo này đã tạo nên hình ảnh của một chiếc nôi của nghề trong mắt tôi.
Một vị PGS. TS cá tính - cô Nguyễn Thị Trường Giang
Trên cuộc đời này, có biết bao tình cảm vô cùng thiêng liêng và sâu sắc. Tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em và cả tình thầy trò. Mọi tình cảm đều mang một ý nghĩa khác nhau. Thầy cô đã cho chúng em hiểu thế nào là tình thầy trò, một tình thầy trò thực thụ.
Trải qua quãng đời 2 năm sinh viên của mình, chắc hẳn ai cũng đã từng ghi nhớ trong mình những người thầy, người cô. Với tôi điều đó cũng không nại lệ. Cô cũng chính là người đầu tiên cho tôi hiểu nghề báo là như thế nào. Cô chính là PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang
Bước chân vào trường, tôi mang trong mình bao hoài bão ước mơ trở thành một nhà báo thực thụ. Điều đó tưởng dễ mà không lại không hề dễ chút nào nếu bên cạnh tôi không có những người thầy vĩ đại luôn truyền cho tôi lửa nghề nhiệt huyết.
Mỗi tiết trên lớp tôi đều đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ những câu chuyện cô kể. Đó là sự dấn thân với nghề, đạo đức nghề báo, và cả những bài học làm người sâu sắc… Nghiêm khắc là vậy đó nhưng cô rất hiểu tâm lý của sinh viên, làm em biết rằng trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn , thử thách nhưng cũng có vô vàn niềm vui và sự bất ngờ. Nhờ cô luôn tận tình điều khiển, lèo lái chuyến đò đó nên tôi đã vượt qua tất cả những khó khăn, để rồi theo chuyến đò cập bến cảng kiến thức trong niềm vui.
Những chuyến đi thực tế đầu tiên mà cô dành cho chúng tôi sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ, không bao giờ quên. Khi đó chúng tôi còn như một tờ giấy trắng, chưa có kiến thức cũng chẳng có kinh nghiệm. Nghề báo của tôi không chỉ học lý thuyết, mà bài học chính là ở mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm mà bạn vượt qua.
Hồi cấp 3, tôi có được nghe thầy kể về các PGS, GS. Nhưng tôi chẳng thể tin được rằng lên đại học tôi lại được học với những người có cấp bậc cao vậy. Tôi vô cùng ngưỡng mộ cô, cô còn rất trẻ nhưng đã được phong hàm PGS. Tôi cũng hiểu rằng, để có nó, cô đã phải nỗ lực thế nào, có những cồng hiến vô cùng lớn không chỉ trong nghề giáo mà cả đối với nghề báo. Những cuốn sách cô viết là những hành trang đầu tiên để tôi biết nghề báo là thế nào.
Cô đã giúp cho tôi có được chìa khóa để mở cửa tri thức của cuộc sống, đã vun đắp ước mơ cho tôi, đưa tôi đến đỉnh cao của kiến thức, của một tương lai tươi đẹp sau này.
Tiếng “Alo” vang lên mỗi khi cô vào lớp, mỗi khi lớp mất trật tự đã ghim vào ký ức của tôi về những ngày đầu được sống với đam mê của mình. Cảm ơn cô thật nhiều. Một “người mẹ” đúng nghĩa của tôi ở trường. Nhờ cô, tôi đã bước đầu cảm thấy môn học thật hay. Nghề báo có một vai trò thật cao quý, người làm nghề báo cũng cần phải là một chiến sĩ, vì làm báo là làm chính trị.
Người tái tạo nền tảng - cô Lê Thị Thanh Xuân
Dạy chúng tôi hai môn “Phỏng vấn cho báo mạng điện tử”, “Phản ánh và Chân dung” là cô Lê Thị Thanh Xuân, giảng viên Khoa Phát thanh – Truyền hình. Nghiêm nghị khi mới tiếp xúc, nhưng cởi mở và nhiệt tình trong suốt quá trình học là ấn tượng đầu của cô với chúng tôi.
Lần đầu được tiếp xúc, cả lớp tôi đã được kiểm tra lại từ những kiến thức nền tảng. Buổi đó, cô đưa ra câu hỏi “Chức năng báo chí là gì?”. Sinh viên chúng tôi đã “trả lời” với sự lặng thinh. Cô chán chường giải thích lại từ đầu, và tôi biết ơn về câu hỏi đó, bởi nó đã giúp tôi được bổ sung lại kiến thức… “từ đầu”. Tôi không nhớ cụ thể cô đã đưa ra những lời giải thích như thế nào, nhưng cô đã thực sự giúp tôi không còn cảm giác chơi vơi, “bơi” giữa ngồn ngộn một “bể” những lý thuyết báo chí. Đó chính là khi nền tảng báo chí trong tôi được tái hình thành và củng cố.
Cô truyền tải được nhiều kiến thức thực tế nhất, song không bỏ qua tầm quan trọng của lý thuyết. Có buổi chúng tôi được chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm làm báo. Cũng nhờ lượng kiến thức thực tế dồi dào, cộng với hơn 20 năm dạy học tại Học viện Báo chí, cô là một trong số ít giảng viên mà tôi có cơ hội được học, nắm được tâm lý sinh viên rất tốt, đặc biệt là tâm lý sinh viên khi phải đi làm bài thực tế. Chúng tôi nói vui, cô có khả năng “soi” xem bài viết được xây dựng do khai thác hay đi thực tế, khi mà cô “ngửi” ra bài nào đáng nghi là chính bài đó hình thành trên phương pháp khai thác.
Khuôn viên xanh, đẹp, môi trường cởi mở, năng động, những tiết học lý thú cũng có, tẻ nhạt cũng có, và đặc biệt là luôn có những người giảng viên tâm huyết, tận tụy đã để lại trong tôi một Học viện đẹp. Tôi yêu Học viện Báo chí và Tuyên truyền của mình.
Hà Hiền - Hồng Ánh - Minh Anh - BMĐT35
Cùng chuyên mục
Bình luận