Hà Nội: Người dân Hà Đông "ngạt thở" với khói độc
(Sóng trẻ) - Tại nhiều khu vực tập kết rác thải gần khu dân cư trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội, tình trạng đốt rác thường xuyên trở thành mối lo ngại nghiêm trọng về ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Những đám khói đen nghi ngút đến từ các khu tập kết rác đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong nhiều năm qua. Rác thải được đốt bao gồm nhựa, bao bì nilon, vật liệu hàng ngày,... tạo nên một mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng tới bầu không khí.
Tình trạng đốt rác thải độc hại diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để. Những người dân sinh sống ở các khu dân cư gần bãi rác tự phát, hằng ngày chịu ảnh hưởng của khói độc cho biết, rác ở đây do người đi đường vứt bừa bãi, lâu ngày biến thành các bãi rác rồi đốt luôn ở đó. Mỗi ngày đốt hai đến ba lần gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Phú Hùng (người dân tại Quận Hà Đông) chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên đóng kín cửa vì ngăn khói độc bay vào nhà, trẻ nhỏ trong nhà đã có lần bị mất ngủ và ho nhiều do khói đốt từ rác thải. Vợ chồng tôi cùng hàng xóm đã nhiều lần phản ánh nhưng chưa thể dứt điểm tình trạng này”.
Việc đốt rác còn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân với nguy cơ sinh ra các chất độc hại như Dioxin và Furan. Theo báo cáo từ các chuyên gia môi trường, việc đốt rác thải nhựa và nilon gây ra hầu hết các vấn đề về hô hấp và có nguy cơ gây ung thư. Đáng báo động trong thời điểm này, vấn đề về cháy nổ cũng là mối lo ngại hàng đầu.
Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, trong khi đó, công suất xử lý chất thải của các khu xử lý chất thải tập trung không đáp ứng đủ. Song, tình trạng này vẫn cần được ngăn chặn, xử lý triệt để để không mất mỹ quan đo thị và ô nhiễm môi trường.
Người có hành vi tự ý đốt rác thải tại khu vực dân cư của hàng xóm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo hai văn bản quy định về mức phạt hành chính đổ rác bừa bãi đối với hành vi vứt rác bừa bãi. Cụ thể tại Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP và điểm c, d Khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt hành chính như sau: người có hành vi đốt rác tại khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng; Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường; Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh". Ngoài ra, người bị xử phạt còn phải áp dụng buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tức hành vi gây ô nhiễm môi trường do mình gây ra theo quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. |