Hệ lụy khi để trẻ tiếp xúc với mạng xã hội sớm
(Sóng trẻ) - Bên cạnh các lợi ích không thể bàn cãi đến từ internet, với những nội dung giải trí tưởng chừng hấp dẫn nhưng thiếu sự kiểm duyệt chặt chẽ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho người dùng, đặc biệt là trẻ em. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nhận thức và hành vi của các em, gây ra những hệ lụy khó lường.
Ảnh hưởng đến nhận thức, tâm lý và hành vi của trẻ
Trong bối cảnh xã hội hiện đại như ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội đã mang đến những cơ hội nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều mối lo ngại. Sự tiếp xúc sớm với các nền tảng trực tuyến có thể ảnh hưởng sự phát triển của trẻ, đồng thời làm gia tăng nguy cơ về an toàn thông tin và sức khỏe tinh thần đối với trẻ em.
Việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của nhiều trẻ em. Những nền tảng này tạo điều kiện cho trẻ kết nối cộng đồng, dễ dàng chia sẻ nhưng cũng chính môi trường này có thể cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các em tiếp xúc với những nội dung không phù hợp, độc hại, thậm chí cực đoan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tâm lý và hành vi.
Thực tế, thông tin trên mạng Internet có nhiều nguy cơ gây hại đến tâm lý trẻ em, thanh thiếu niên. Có thể kể đến những nhóm nội dung gây hại như: nhóm thông tin đi ngược với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật: cổ vũ tệ nạn xã hội, bình thường hóa hành vi phạm pháp, kích động phân biệt đối xử…Tiếp theo, thông tin cần kiểm duyệt về độ tuổi và sự ổn định tinh thần của người sử dụng: khiêu dâm, nội dung có yếu tố tình dục, nội dung kinh dị, nội dung có hình ảnh bạo lực, nội dung có hình ảnh thương tích cơ thể… Ngoài ra, những thông tin kích thích bạo lực, bắt nạt trực tuyến cũng rất nguy hiểm.
Theo TS. Đặng Hoàng Ngân (giảng viên Khoa Tâm Lý Học trường ĐH Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn – ĐH Quốc Gia Hà Nội) yếu tố tình dục hoặc kinh dị có khả năng thu hút nhất định với trẻ em, thanh thiếu niên. “Tâm lý tự nhiên của thanh thiếu niên là tò mò về đời sống tính dục, về sự sống và cái chết. Trẻ có nhu cầu tìm kiếm sự hiểu biết và câu trả lời cho những thôi thúc này. Môi trường càng cấm kỵ về những chủ đề trên, trẻ càng phải tự giấu giếm và càng bị thôi thúc phải xem những nội dung như vậy”, TS.Đặng Hoàng Ngân cho hay.
Hậu quả khó lường
Khi trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội sớm sẽ có nguy cơ bị một số ảnh hưởng như: bắt chước hành vi xấu hoặc hành vi tự gây hại (bạo lực, khoe khoang với mục đích phân biệt đối xử hoặc tổn thương người khác, quan hệ tình dục không an toàn, cưỡng ép người khác, tự làm đau, tự sát…). Hình thành niềm tin lệch lạc về ứng xử con người, giá trị đạo đức, cách sống (công chúng có quyền trừng phạt người có hành vi sai; kẻ xấu xứng đáng bị chửi bới; sự giàu có là mục tiêu tối thượng; tình dục quyết định tình yêu…).
“Trẻ em dễ hình thành niềm tin sai lầm rằng có thể tìm mọi câu trả lời đúng trên mạng xã hội và Internet, nguy hiểm nhất là tin rằng người nổi tiếng nói gì cũng đúng. Trong khi đó, niềm tin đúng là học tập, tìm hiểu các nguồn tin cậy, thảo luận cùng người có kinh nghiệm làm việc thực tế và hiểu biết, tự trải nghiệm, đánh giá”, TS. Đặng Hoàng Ngân cho biết thêm.
Hơn nữa, trẻ em cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực, bắt nạt trực tuyến và tin rằng mình sai trái đến mức đáng bị như vậy. Thậm chí gây sốc tâm lý hoặc sang chấn tâm lý khi trẻ tiếp xúc với những nội dung quá mức độ chịu đựng tinh thần.
“Mức độ ảnh hưởng của Internet tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố thuộc về giáo dục, hoạt động, chứ không chỉ độ tuổi. Tuy nhiên, trẻ em dưới 13 tuổi không nên tiếp xúc với mạng xã hội”, TS. Đặng Hoàng Ngân nói.
Giáo dục trẻ sử dụng mạng xã hội một cách an toàn
Do đó, trong thời đại công nghệ số mà mạng Internet là một thế giới mở như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt trẻ em - đối tượng chưa làm chủ được hành vi và cần được quan tâm bảo vệ. Bên cạnh các lợi ích không thể bàn cãi đến từ internet, trẻ em đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi chưa thể phân biệt được đâu là những nội dung không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Vì vậy, việc hướng dẫn và giáo dục trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và lành mạnh là vô cùng cần thiết.
TS. Đặng Hoàng Ngân cho rằng, trẻ em chưa đủ nhận thức và lường được hết tác động xấu từ internet và thế giới ảo và cha mẹ chính là người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ con khỏi môi trường độc hại của mạng xã hội.
“Cha mẹ khi nhận thấy con làm theo nội dung xấu trên mạng xã hội, cần nói chuyện và giải thích cho con hiểu vì sao những hành động ấy lại không tốt. Hãy đứng cùng một phía với con, để con hiểu rằng cả gia đình đang cùng con phân tích về hành vi và hiện tượng mạng xã hội. Cha mẹ cần là người nêu gương cho con trẻ. Do vậy, để chỉ dẫn được con, cha mẹ cũng cần là những người sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức và lành mạnh”, TS. Đặng Hoàng Ngân chia sẻ thêm.