Hiểm hoạ khôn lường từ ngộ độc rượu methanol

(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra các vụ ngộ độc rượu methanol, trong đó nhiều vụ nạn nhân đã tử vong. Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo về tác hại của tình trạng ngộ độc rượu (methanol) đối với sức khỏe nhưng không ít người vẫn phớt lờ, tiếp tục lạm dụng rượu, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc để rồi rước họa vào thân. 

Với những trường hợp ngộ độc methanol nhẹ, người bệnh có cảm giác say, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn ói; trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (như co giật, hôn mê, co cứng toàn thân), rối loạn hô hấp (như thở nhanh, phù phổi cấp), rối loạn tuần hoàn (như mạch nhanh, huyết áp giảm), ngoài ra, ngộ độc rượu còn gây nên tình trạng đồng tử giãn, xuất huyết võng mạc, bị mù mắt, hôn mê, suy thở, tụt huyết áp nặng, ngưng tim và nghiêm trọng nhất là gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, methanol có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi… Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Ngộ độc rượu từ ethanol thường chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống. Trong 12 giờ đầu, bệnh nhân chỉ ói mửa, nhức đầu nên dễ nhầm với say rượu.

Điển hình là trường hợp của một nam bệnh nhân quê ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc bị ngộ độc rượu methanol nặng với lượng rượu sử dụng trung bình lên đến nửa lít rượu mỗi ngày. Nhập viện từ ngày 10/8/2022 với các triệu chứng mệt, nồng độ cồn cao và rối loạn chuyển hóa nặng, bệnh nhân đã được các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thành phố Hà Nội cấp cứu kịp thời, hiện bệnh nhân đã có thể thở được dù vẫn phải đeo rất nhiều các thiết bị trợ thở.

anh-1.jpg
Trường hợp nam bệnh nhân ngộ độc rượu methanol nặng đang phải cấp cứu tại Đơn vị Hồi sức Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Khánh Huyền

Tại phòng Hồi sức cấp cứu, nam bệnh nhân vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, những di chứng tiềm ẩn trong tương lai vì thói quen uống rượu, đặc biệt là rượu không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân có những biểu hiện như chân tay run rẩy, ánh mắt lờ đờ, không nhận thức được xung quanh, trên người đầy những ống tiêm, truyền thuốc điều trị vào cơ thể. Cho đến hiện tại, bệnh nhân vẫn phải được người nhà chăm sóc, giúp đỡ từ những việc nhỏ nhất, thậm chí là cả việc vệ sinh cá nhân do không tỉnh táo hoàn toàn, nhận thức lúc được lúc mất. 

Trao đổi cùng vợ bệnh nhân - bà Hà Thị Toàn cho biết: “Chồng tôi năm nay 54 tuổi, anh vẫn thường xuyên uống rượu. Bình thường chồng tôi không có dấu hiệu nào như thế này cả, vì chồng tôi cũng uống rượu lâu rồi, cách đây hơn chục năm. Đợt này anh có dấu hiệu mệt mỏi, tôi cứ nghĩ là do cúm, mất ăn mất ngủ một ngày nên tôi mới đưa vào viện kiểm tra. Tôi cũng không biết rõ lắm nhưng có một hai cái quán gần nhà, hai người đấy lấy rượu nơi khác về bán chứ người ta không trực tiếp nấu".

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: “Rượu có chứa Methanol có nguồn gốc chủ yếu từ rượu có pha cồn sát khuẩn có Methanol hoặc pha hóa chất từ các công ty nhập khẩu về Việt Nam cho vào nước để pha thành rượu giá rẻ bán cho người tiêu dùng. Trong vòng 5 năm trở lại đây số lượng bệnh nhân ngộ độc Methanol tăng lên rất nhiều, hầu như tuần nào cũng có người nhập viện do uống phải độc chất này". Trao đổi về tác động của cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể, bác sĩ còn cho biết thêm: “Do người dân chúng ta uống phải rượu rởm hoặc cồn sát trùng rởm, mà không biết đó là rởm. Lúc đầu sẽ có tác dụng như rượu thông thường, sau đó thì nó trở thành chất độc, 48 tiếng sau uống, methanol mới tác dụng vào cơ thể gây hủy hoại cơ thể. Lúc đó thì quá muộn rồi, bác sĩ cũng không cứu được. Lúc đó não tổn thương hết rồi, mắt bị mù rồi, cơ hội sống thấp và để lại di chứng rất nặng nề".

anh-2.jpg
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai phân tích phim chụp phần não bị tổn thương của bệnh nhân ngộ độc rượu methanol. Ảnh: Khánh Huyền

Không chỉ gây nên những hậu quả trực tiếp, ngộ độc rượu methanol còn kéo theo nhiều hiểm họa khôn lường. Methanol tác động, gây tê liệt, tổn thương hệ thần kinh, khiến cho người bị ngộ độc mất năng lực điều chỉnh hành vi, mất nhận thức, đặc biệt dễ dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Như trường hợp bệnh nhân Lê Văn T, sinh năm 1990, quê ở Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội, nhập viện vào ngày 12/9/2022 vì lý do tai nạn giao thông sau khi sử dụng rượu, cụ thể, bệnh nhân đi xe máy sau uống rượu và tự đâm vào cột điện. Sau tai nạn, bệnh nhân được Hội cấp cứu Tự nguyện sơ cứu và đưa vào Khoa cấp cứu Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, trong tình trạng suy giảm tri giác, lơ mơ do ngộ độc rượu, chảy máu mũi miệng nhiều do chấn thương sọ não từ tai nạn, cụ thể là vỡ xương đá hai bên, vỡ xương nền sọ, chảy máu ngoài màng cứng thái dương đỉnh trái.  Bác sĩ điều trị chính của bệnh nhân - Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: “Cho đến hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, tuy nhiên vẫn còn rối loạn tâm thần, cần phải tiếp tục điều trị thêm".

Mới đây, liên tiếp các vụ ngộ độc rượu methanol nghiêm trọng, có nhiều người tử vong ở TP.HCM đã khiến người dân thực sự lo lắng về tình trạng này. Tại Hà Nội, các ca nhập viện cấp cứu vì methanol cũng diễn ra thường xuyên, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý những loại rượu có methanol này trên thị trường.

Có thể thấy, ngộ độc rượu methanol dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, cùng với những hiểm họa hết sức khó lường và nguy hiểm. Theo như các khuyến cáo mà bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đưa ra, chúng ta cần: 

- Hạn chế sử dụng rượu, bia vì đây là chất độc hại, ảnh hưởng xấu tới gan, tim mạch, não bộ…

- Lưu ý uống rượu bia đúng liều lượng để đảm bảo an toàn.

- Chỉ mua và uống rượu tại nơi bán uy tín, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo.

- Tuyệt đối không tự pha chế, tự ngâm với lá, rễ cây, động vật... mà không rõ thành phần, xuất xứ để uống rượu. 

- Không uống rượu có hàm lượng methanol > 0,1%.

- Không uống rượu khi đang đói, không uống kèm với các loại nước có ga, không uống khi đang sử dụng các loại thuốc đã được cảnh báo từ bác sĩ. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN