Hiến máu - Liệu chăng chỉ cần sự yêu thích và đam mê thiện nguyện?

(Sóng trẻ) - Hiến máu là một phong trào tình nguyện phổ biến từ trước đến nay, thường được các bạn trẻ hưởng ứng với tinh thần “Hiến máu cứu người - Nghĩa cử cao đẹp”. Tuy nhiên, người trẻ cần hiểu đúng về hiến máu nhân đạo trước khi tham gia.

Thực trạng giới trẻ tham gia hiến máu nhân đạo

Theo thống kê, mỗi năm, các đoàn, hội, cơ quan, các câu lạc bộ về máu tổ chức trung bình hơn 500 chương trình hiến máu lớn, nhỏ. Một số chương trình nổi bật như: Hành trình đỏ, Chủ nhật đỏ, Mùa hè nhân ái,... đều được tổ chức kết hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mang về hàng ngàn đơn vị máu, cứu sống hàng triệu bệnh nhân trên cả nước. Ghi nhận đến năm 2022, “Hành trình Đỏ” đã lập kỷ lục mới với sự tham gia trên 46 tỉnh/thành phố trong 60 ngày, có 79 điểm hiến máu chính được tổ chức và 308 điểm hiến máu hưởng ứng. Chương trình đã tiếp nhận trên 120.000 đơn vị máu. Số lượng máu này cao gấp 7 lần so với năm đầu tổ chức. Đây là con số biết nói, cho thấy con người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp thanh niên đang tham gia và hưởng ứng phong trào ngày một mạnh mẽ hơn.

chua-co-ten-1820-1080-px-1.png
Người trẻ tích cực tham gia hiến máu tại chương trình “Mùa hè nhân ái” 2023 (Ảnh: Vân Anh)


Bên cạnh đó, trung bình mỗi chương trình hiến máu, các bác sĩ, tình nguyện viên lại phải từ chối ¼ đến ⅕ số người tham gia vì không đủ điều kiện về sức khỏe. Tham gia Ngày hội hiến máu “Sắc hồng hy vọng” do đoàn trường tổ chức, bạn Đặng Thị Thu Uyên, sinh viên năm 2, trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Mình đã từng bị từ chối đến 7 lần hiến máu vì không đạt yêu cầu để hiến. Thực ra đến bây giờ mình vẫn không biết lý do tại sao mà mình bị từ chối nhiều lần như thế nhưng hiện tại mình vẫn thấy bản thân khá khỏe”.

Khác với Thu Uyên, bạn Cao Ngọc Ánh (20 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận thức rõ tầm quan trọng của hiến máu cứu người nhưng lại không thể tham gia vì những bệnh lý cá nhân. Được biết, Ngọc Ánh có tiền sử bệnh tụt canxi trong máu, nhiều lần phải nhập viện trong tình trạng sốt cao kèm co giật. Những lý do đó khiến bạn cảm thấy chưa đủ tự tin với sức khỏe của mình và chưa thể tham gia hiến máu nhân đạo.

Hiện nay, các phong trào hiến máu nhân đạo với thông điệp “Thanh niên Việt Nam - Sẵn sàng hiến máu” được nhiều bạn trẻ hưởng ứng tích cực hơn. Tuy nhiên, để có thể nói thực sự sẵn sàng, người trẻ cần trang bị nhiều hơn những kiến thức về máu, về hiến máu và chăm sóc sức khỏe hàng ngày của bản thân. 

Hiểu đúng về hiến máu nhân đạo

Một số bạn trẻ nghĩ rằng, hiến máu nhân đạo chỉ cần tình yêu thương cùng một tinh thần cống hiến và thiện nguyện là đủ. Tuy nhiên, muốn thực hiện hiến máu, trước tiên, người hiến máu cần có đủ sức khỏe với những điều kiện bắt buộc. “Thứ nhất, người đó không mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV/AIDS; Viêm gan B; Viêm gan C; Giang mai; Sốt rét). Thứ hai là ở trong độ tuổi từ 18 đến 60. Thứ ba là cân nặng tiêu chuẩn với nam phải đủ 45kg trở lên và nữ là 42kg trở lên. Hơn nữa, bạn luôn nghe theo chỉ dẫn bác sĩ”, bạn Lưu Đình Đức - Trưởng nhóm Hậu cần - CLB Thanh niên vận động hiến máu Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ. Lưu Đức cũng cho biết thêm, việc thiện nguyện được các bạn trẻ hưởng ứng, các bác sĩ, bệnh nhân, những người làm tình nguyện như Đức rất vui nhưng họ cũng sẵn sàng từ chối nếu chất lượng máu, thể trạng của người đó không đạt yêu cầu.

chua-co-ten-1820-1080-px-2.png
Trải qua nhiều năm gắn bó và tuyên truyền về hiến máu nhân đạo, bạn Lưu Đức chỉ rõ những lưu ý đối với các bạn đến tham gia hiến máu. (Ảnh: NVCC)


Với kinh nghiệm 3 lần hiến máu, bạn Nguyễn Thuý Hiền, sinh viên năm 2, lớp Xuất bản điện tử K41, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết thêm: “Trước hôm hiến máu, mình nên đi ngủ sớm, hạn chế ăn đồ có nhiều chất đạm. Sau khi đi hiến máu về thì cũng nên ngủ sớm, uống đủ nước, giữ chế độ ăn như bình thường, hạn chế vận động mạnh. Để đảm bảo sức khỏe thì hàng ngày mình nên ăn đúng bữa, tích cực tập thể dục thể thao, không nên bỏ bữa, không nên thức khuya. Nói chung là bạn nên tránh hoạt động có hại cho sức khỏe”. Như vậy, với những chia sẻ của Thu Hiền, người trẻ có thể lưu ý rằng thói quen sống khỏe, sống lành mạnh là bí quyết để đảm bảo mọi người có thể hiến máu.

chua-co-ten-1820-1080-px-3.png
Với thân hình nhỏ nhắn của mình, Thuý Hiền vẫn có thể tham gia hiến máu nhiều lần do biết cách chăm sóc tốt sức khỏe của bản thân (Ảnh: NVCC)


Theo đó, ThS.BS Hà Hữu Nguyện, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, nhiều bạn trẻ có tinh thần tình nguyện, tham gia hiến máu nhưng các bạn lại không hiểu rõ bản chất của hiến máu nhân đạo là gì: “Mỗi dịp thì có khá nhiều bạn đến hiến máu. Một số bạn hiến 3 đến 4 lần mỗi năm và đủ ngày đủ tháng thì các bạn đến hiến máu. Còn có một số bạn đến rồi nằng nặc đòi chúng tôi cho hiến thì điều đó là không được. Các bạn phải hiểu rằng mọi thứ đều có quy định và hiến máu cũng thế. 3 tháng, đủ ngày đủ giờ thì mình được hiến. Biết rằng nếu mình được hiến máu thì sẽ rất quý cho người bệnh nhưng trước tiên, các bạn phải đảm bảo sức khỏe của mình trước”. Ngoài ra, BS. Nguyện còn chia sẻ thêm rằng, có một số bạn đến hiến máu nhưng các y, bác sĩ lại phải truyền máu ngược lại vì các bạn không đủ máu để dùng. Một số nguyên nhân có thể là do thói quen thức khuya, không ăn sáng hay ăn nhiều thức ăn không đảm bảo sức khỏe như thức ăn nhanh, đồ uống có gas, có cồn,...

Lan toả lợi ích hiến máu trong xã hội

Hiến máu nhân đạo lan tỏa trong xã hội nhiều thông điệp ý nghĩa. Đó là hành động mang nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, mang lại sự sống cho bệnh nhân cần máu. Hơn thế, xét theo mặt khoa học, hiến máu đặc biệt có lợi cho các tình nguyện viên tham gia hiến máu. Tuy nhiên, một số bạn đang dừng sự hiểu biết ở những lợi ích ngắn hạn như người hiến máu sau khi tham gia sẽ được chăm sóc, nhận hỗ trợ, nhận quà hay nhận giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện hay gói xét nghiệm máu tại Viện Huyết học. 

Trên thực tế, lợi ích của người hiến máu nhiều hơn như thế. Qua trải nghiệm cá nhân, Thu Hiền chia sẻ: “Hiến máu có ích cho bản thân của người hiến máu như là tạo trạng thái tinh thần thoải mái, được khám sức khỏe giúp người hiến máu có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của bản thân”. Th.BS Hà Hữu Nguyện chia sẻ thêm một số lợi ích nhằm giúp các tình nguyện viên hiểu và lan tỏa đến mọi người trong xã hội: “Thứ nhất, hiến máu thường xuyên sẽ giúp bạn loại bỏ bớt sắt trong máu nếu bạn đang có tình trạng có nhiều sắt trong máu và tái tạo các tế bào máu mới. Nhiều bạn đi hiến máu về máu tốt hơn, từ đó mà cũng khỏe hơn. Thứ hai là giảm các nguy cơ về tim mạch. Cuối cùng, hiến máu sẽ giúp các bạn giảm cân”. Theo bác sĩ, một trong những lý do khiến nhiều bạn trăn trở có nên hiến máu hay không, đó là các bạn sợ tăng cân. Sau hiến máu, các bạn nên giữ trạng thái sinh hoạt hình thường, không nên ăn quá nhiều cũng không ăn quá ít, uống nhiều nước và duy trì các thói quen sống lành mạnh.

chua-co-ten-1820-1080-px.png
ThS. BS Hà Hữu Nguyện nhấn mạnh cách hiểu đúng về hiến máu nhân đạo đến các bạn trẻ (Ảnh: Nguồn Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương)

Như vậy, hiến máu nhân đạo không chỉ là nghĩa cử cao đẹp, là sự yêu thích hay niềm đam mê thiện nguyện, hiến máu nhân đạo còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Điều quan trọng đối với người trẻ hiện nay là việc luôn giữ cho bản thân một sức khỏe tốt, một trạng thái thoải mái để lợi ích của việc “cho máu” trở nên hiệu quả hơn.

Theo Điều 12 Thông tư 26/2013/TT- BYT quy định quyền lợi của người hiến máu như sau:

1. Được cung cấp thông tin về các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý do nhiễm các vi rút viêm gan, HIV và một số bệnh lây truyền qua đường máu khác.

2. Được giải thích về quy trình lấy máu, các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, các xét nghiệm sẽ thực hiện trước và sau khi hiến máu.

3. Được bảo đảm bí mật về kết quả khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm; được tư vấn về các bất thường phát hiện khi khám sức khỏe, hiến máu; được hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ; được tư vấn về kết quả xét nghiệm bất thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư này.

4. Được chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Được hỗ trợ chi phí chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu. Kinh phí để hỗ trợ chăm sóc điều trị người hiến máu theo quy định tại Khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tôn vinh, khen thưởng và bảo đảm các quyền lợi khác về tinh thần, vật chất của người hiến máu theo quy định của pháp luật.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN