Hình mẫu của sự thành công và khát vọng trong thế hệ Z

(Sóng trẻ) - Giành 11 học bổng du học tại Anh, là giảng viên trẻ nhất tại Đại học FPT, giáo viên tiếng Anh của một trung tâm và trường học liên cấp tại Hà Nội,… Ít ai biết rằng những thành tích trên mới chỉ là một phần nhỏ trong "gia tài" thành tựu của cô gái trẻ Trần Mỹ Ngọc.

Sinh năm 1998, quê tại Hải Phòng, Trần Mỹ Ngọc là cô gái nhận được nhiều sự mến mộ từ các bạn trẻ bởi thành tích học tập ấn tượng. Không chỉ tốt nghiệp loại giỏi ngành Ngôn ngữ học và Truyền thông tại trường Đại học Melbourne – trường top 1 tại Úc, Mỹ Ngọc còn giành được vô số học bổng tại Anh trong thời gian ngắn, trong đó có học bổng của Đại học Oxford danh tiếng.

Phóng viên của Sóng trẻ đã có cơ hội được phỏng vấn, lắng nghe những chia sẻ thú vị từ nữ giảng viên 9X tài năng này.

img_7555.JPG
Trần Mỹ Ngọc (ở giữa) cùng bạn bè tại Đại học Oxford (Ảnh: NVCC)

 

Phóng viên (PV): Chào Ngọc. Được biết bạn là một cô gái tài năng, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực học tập và nhất là vấn đề du học. Bạn nghĩ sao khi bản thân được gắn với biệt danh “săn” học bổng?

Mình bắt đầu đi du học ở Úc từ năm lớp 12 đến Đại học, sau đó trở về Việt Nam làm việc 1 năm và quyết định đi du học lên Thạc sĩ. Đối với mình, du học là một điều tốt bởi môi trường mới sẽ giúp mình tiếp nhận được nhiều cái hay, đặc biệt còn “làm mới” bản thân. Mục tiêu của mình không phải “săn” nhiều học bổng, mà đó là tìm hiểu một nền văn hóa.

PV: Trở về Việt Nam và có công việc ổn định, lý do nào khiến bạn quyết định “rẽ hướng” để tiếp tục con đường du học?  

Lý do cốt lõi mà mình quyết định đi học tiếp đó là bản thân muốn có thêm kiến thức. Khi quay trở về Việt Nam, mình làm giáo viên và sử dụng những kiến thức mà bản thân đã học để giảng dạy. Mình nhận thấy trong lớp học có những cách học có thể áp dụng công nghệ mới, do đó mình đã liên hệ với 1 bên cung cấp công nghệ thực tế ảo cho việc giảng dạy ngôn ngữ.

Sau một quãng thời gian, mình quyết định sẽ đi du học để có thêm kiến thức về công nghệ thực tế ảo trong việc giảng dạy. Mình biết, nếu chỉ mỗi mình sẽ không thể làm được nên quyết định đi tìm môi trường mà công nghệ đã phát triển, cũng như việc dạy học được cải tiến. Ngoài ra, khi đi du học bản thân sẽ không chỉ được học hỏi mà còn được thử nghiệm. Nên mình đã quyết định học 1 năm Thạc sĩ về công nghệ giáo dục.

PV: Quyết định học lên Thạc sĩ là cả một quá trình đắn đo hay là sự bộc phát trong suy nghĩ của bạn?

Tại thời điểm đó, mình cũng hơi đắn đo vì cơ hội nghề nghiệp khá tốt. Mình từng nghĩ nếu đi du học thì có mất những cơ hội ấy không? Nhưng suy nghĩ lại, khi đi học Thạc sĩ một năm sẽ mở ra cho mình nhiều cánh cửa hơn nữa. 

PV: Tại sao bạn chọn nước Anh và Đại học Oxford mà không phải ngôi trường nào đó ở xứ sở chuột túi để du học thạc sĩ?

Oxford, Cambridge, Harvard,… đều là những trường top đầu thế giới. Mình tò mò, muốn biết những sinh viên theo học tại môi trường dành cho những người xuất sắc, có địa vị xã hội sẽ học tập ra sao hay họ là người như thế nào.

Về mặt hóa học, không có nhiều khác biệt vì học ở đâu kiến thức cũng giống nhau. Tuy nhiên, việc chọn học trường cao hơn, truyền thống học lâu đời hơn, mình nghĩ chỉ có 2 điểm khác biệt giữa các trường. Một là, phương pháp giảng dạy và mối quan hệ với thầy cô. Hai là, sự kết nối của mình với mọi người. 

PV: Mỗi thành công đều xuất phát từ nỗ lực của bản thân. Bạn có thể chia sẻ một vài điều về quá trình học tập cũng như những bước tiến của mình trước khi dành được nhiều học bổng không?

Theo mình, học ở đâu thì cũng sẽ có những trở ngại nhất định nhưng khó khăn nhất có lẽ là khi đi du học. Bản thân sẽ học tập tại môi trường mới và cách học tại đây có nhiều khác biệt.

Ở nước ngoài, các sinh viên sẽ được học theo nhu cầu, những môn học đặc thù mà nghề nghiệp họ hướng tới. Nhưng ở Việt Nam, cách học lại chú trọng sự toàn diện nên sẽ phải tiếp thu rất nhiều môn mà không tập trung vào một môn nào cụ thể cả.

Sang Oxford 1 năm, kỳ đầu tiên mình rất mông lung vì cách học ở đây rất mới lạ, mình hiểu bài nhưng khi nộp bài vẫn bị điểm kém vì cách học viết, đọc của bản thân không phù hợp. Dần dần, mình cảm thấy điều quan trọng nhất khi học ở nước ngoài đó là luôn luôn nỗ lực phải thay đổi từ những thứ đơn giản nhất. Mình nên tìm ra cách để cho mọi thứ phù hợp, hiệu quả hơn. Ví dụ, mình tự quản lý thời gian hiệu quả, khiến thời gian học không nặng nề như trước; quản lý về lượng bài; quản lý cách làm việc.

PV: Sau khi du học ở Úc và học lên thạc sĩ ở Anh, bạn cảm thấy văn hóa của hai nước này như thế nào? Bạn yêu thích đất nước nào hơn? 

Bây giờ toàn cầu hóa, rất nhiều nền văn hóa đa dạng khác nhau. Ở Melbourne, Úc cũng vậy, nhưng mình thích ở Anh hơn một chút. Ở Anh, mình thấy văn hóa chơi thể thao: quần vợt, chèo thuyền,…rất đa dạng. Cộng đồng châu Âu ở Anh nhiều hơn nên mình học được nhiều văn hóa châu Âu hơn. Trong khi đó, Úc là một hòn đảo xa nên mình chỉ biết một số văn hóa nhất định của những người sống tại đó, mình biết khá ít văn hóa châu Âu.  

img_7558.JPG
Ngọc chỉ trong 2 tháng học tại Đại học Oxford đã trở thành học sinh quốc tế đầu tiên được chọn vào hai nhóm nghiên cứu lớn nhất của khoa (Ảnh: NVCC)

 

PV: Được biết ngành bạn tham gia học là Ngôn ngữ học ứng dụng, chia sẻ về chuyên ngành này? Điều bạn cảm thấy hứng thú nhất khi học là gì?

Những ngành có từ “ứng dụng” tức là mình học ngành đó và ứng dụng cho ngành khác như thế nào. Mình học ngôn ngữ học và ứng dụng cho công nghệ giáo dục. Bài luận của mình sẽ viết về “Sử dụng công nghệ trong học ngôn ngữ để việc học đạt hiệu quả”. Ngôn ngữ học sẽ có 5 mảng phổ biến nhất: công nghệ, dịch thuật, giảng dạy, ngoại giao và viết code; mình chọn mảng công nghệ vì đây là con đường tiềm năng, giúp mình nghiên cứu và tạo ra các ứng dụng ngôn ngữ, như: Duolingo, Busuu,...

PV: Có thể thấy, bạn là một cô gái rất thích chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ trong vấn đề du học và học tập. Ngoài ra bạn còn sở hữu kênh Youtube cá nhân để bàn về vấn đề này. Vậy những việc làm đó xuất phát từ sở thích hay đó như là một thói quen của bản thân bạn?

Có rất nhiều bạn vào hỏi mình về kinh nghiệm, vào được Oxford phần lớn là mình mơ vì mình tò mò không biết cuộc sống ở đó tốt hay không, hầu như mình chỉ nghe về danh tiếng. Mục đích của mình là muốn chia sẻ cho mọi người cuộc sống và con người ở đây để cho các bạn trẻ muốn đi du học thấy được bước chân vào Oxford là điều có thể thực hiện được bằng cách mình chuẩn bị hồ sơ, biết được cuộc sống, con người ở đó. 

Thời gian sắp tới mình sẽ tiếp tục làm Youtube, vì đây là kênh đến được với bạn trẻ nhanh nhất. Ở Anh có rất nhiều người giỏi và là những nhân vật danh dự, mình và mọi người đang dự định viết một quyển sách về con đường và giấc mơ đến Oxford, mỗi tác giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn truyền cảm hứng đến tất cả mọi người. Lợi nhuận sẽ được quyên góp cho những em bé bị mất cha mẹ sau dịch COVID-19 tại Việt Nam và một quỹ giáo dục đáng tin cậy. Đây là một dự án rất ý nghĩa và rất mong được mọi người đón nhận.

PV: Nếu có lời khuyên dành cho các bạn trẻ cũng muốn giành học bổng du học thạc sĩ Anh Quốc, bạn sẽ nói gì từ kinh nghiệm của bản thân?

Từ chính những kinh nghiệm của mình, mình muốn nhắn nhủ tới những bạn trẻ hiện nay rằng, các em hãy tập trung định hướng bản thân sớm nhất có thể.

Việc định hướng bản thân nghe thì rất khó, nhưng thực ra lại chính là việc các em hãy nên thử sức với các lĩnh vực khác nhau để tìm ra được ít nhất 3 lĩnh vực quan trọng mà mình có thể cân nhắc sẽ theo đuổi trong tương lai.

Việc đi du học thì không có gì khó, nhưng việc xin học bổng có nghĩa là em đang “thương lượng” với trường về tiềm năng của mình. Tiềm năng một người được thể hiện qua 3 điểm: Tiềm năng trong lĩnh vực em chọn - Tiềm năng về sự đóng góp của em cho trường - Tiềm năng về sự phát triển cá nhân để trở thành người có ích cho xã hội.

Nếu ngay cả việc ngành học gì, sau này ra mình muốn làm gì, làm thế nào để trở thành một cá thể giỏi giang có nhiều đóng góp lớn mà chúng ta cũng không chắc chắn, tại sao người ta phải lựa chọn trao học bổng cho mình?

Sau khi chọn được định hướng của mình, các em hãy toàn tâm toàn sức phát triển bản thân theo định hướng đó. Có nghĩa là mọi việc em làm, đều nên phục vụ định hướng của mình. Kể cả việc xin việc làm thêm, tham gia ngoại khoá, nếu em thấy nó có ích cho mình thì trường cũng nghĩ vậy.

Một điều chú ý cuối cùng mình muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ, đó là các bạn hãy xây dựng những mối quan hệ bền vững qua những năm đại học của mình.

PV: Sau khi học xong ở Anh, bạn đã có dự định gì cho tương lai?

Đầu năm sau mình sẽ quay về Việt Nam và nơi mình hướng đến là TP. Hồ Chí Minh. Trước đây mình đã làm việc tại miền Bắc, cũng đã hiểu về thị yếu hay thị trường tại đây nên muốn có thêm một số kinh nghiệm và cái nhìn mới tại TP. Hồ Chí Minh, cụ thể là miền Nam và miền Tây. Ngoài ra, mình có mong muốn được chia sẻ ứng dụng công nghệ dạy học thực tế ảo tại Anh cho các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam. Do đó, để hiểu được nhu cầu của tất cả mọi người thì bản thân phải có một cái nhìn tổng thể từ nhiều nơi.

PV: Nhiều du học sinh sau khi học xong sẽ chọn ở lại và tiếp tục công việc tại nước ngoài bởi an sinh xã hội cũng như thu nhập cao. Vậy tại sao bạn lại lựa chọn trở về Việt Nam?

Thực ra, việc về Việt Nam hay ở lại nơi mình học tập là một lựa chọn phụ thuộc nhiều vào suy nghĩ của từng cá nhân nên sẽ không có lựa chọn đúng hay sai trong việc này.

Điều đúng ở đây có thể là thu nhập, an sinh xã hội tại nước ngoài sẽ cao hơn ở Việt Nam, có người họ thích sống tại một nơi mà họ có công việc, thu nhập tốt. Còn mình yêu thích sự “thử thách”, môi trường năng động tại Việt Nam; muốn bản thân được làm nhiều điều để giúp ích cho các bạn trẻ và mọi người tại Việt Nam.

Cảm ơn bạn đã tham gia trả lời phỏng vấn, chúc bạn luôn thành công!

Trần Mỹ Ngọc là nhà nghiên cứu ngôn ngữ chính thức của Busuu – 1 trong 5 ứng dụng học ngôn ngữ hàng đầu thế giới với hơn 130 triệu người dùng. Ngoài ra, Ngọc cũng được giáo sư tại Oxford mời tiếp tục học Tiến sĩ tại trường với hỗ trợ từ khoa và 2 lời mời xuất bản tạp chí khoa học CALICO – tạp chí lâu đời nhất chuyên xuất bản về chủ đề học ngôn ngữ qua máy tính và tạp chí Applied Linguistics.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN