Khi AI trở thành "cộng sự" của nhà báo: Cơ hội và rủi ro
(Sóng trẻ) - AI giúp nhà báo thu thập, viết và đẩy nhanh sản xuất tin tức. Nhưng liệu báo chí có mất bản sắc khi ngày càng phụ thuộc vào công nghệ?
Sự xuất hiện của AI trong báo chí hiện nay
Trong vài năm qua, AI đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong các tòa soạn báo trên toàn cầu. Những tập đoàn truyền thông lớn như The Washington Post, Reuters, BBC hay New York Times đều đang tích cực ứng dụng AI vào quy trình sản xuất tin tức. AI không chỉ giúp tối ưu hóa nội dung mà còn cải thiện tốc độ xuất bản, giúp nhà báo tập trung vào những phần việc mang tính sáng tạo và phân tích sâu hơn.
Tại The Washington Post, hệ thống AI mang tên Heliograf đã được sử dụng để viết các bản tin ngắn về Olympic và bầu cử Mỹ. Tại Reuters, AI Lynx Insight không trực tiếp viết bài nhưng giúp nhà báo phân tích dữ liệu, phát hiện xu hướng và cung cấp thông tin có giá trị. Điều này cho thấy AI không đơn thuần thay thế con người mà đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp phóng viên tiết kiệm thời gian trong những công đoạn mang tính lặp lại.

Theo một bài báo trên trang “Bảo vệ công lý”, một trong những điểm mạnh nhất của AI là khả năng thu thập và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn. Một bài báo điều tra vốn có thể mất hàng tháng để thu thập thông tin, nay có thể được hỗ trợ bởi AI trong việc tổng hợp, sàng lọc và xác thực dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Đối với những tin tức thời sự, AI giúp biên tập viên theo dõi xu hướng dư luận theo thời gian thực, nhanh chóng cập nhật thông tin và tránh tụt hậu so với đối thủ.
Những mặt trái của AI trong báo chí
Dù mang lại nhiều lợi ích, AI cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành báo chí. Một trong những lo ngại lớn nhất là sự mất đi bản sắc báo chí truyền thống. Các bài viết do AI tạo ra thường có cấu trúc logic, dữ liệu chính xác, nhưng lại thiếu cảm xúc, chiều sâu và góc nhìn nhân văn. Một bài báo không chỉ đơn thuần là sự sắp xếp thông tin, mà còn cần khả năng phân tích, đặt câu hỏi và phản biện – điều mà AI vẫn chưa thể làm tốt như con người.
Nhà báo Vương Thị Hà, phóng viên tại Báo Nhân dân, chia sẻ: "AI là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà báo trong quá trình sản xuất tin tức hiện nay. Nhờ AI mà 1 bản tin có thể thực hiện trong thời gian rất ngắn, dù đó là văn bản hay truyền hình. Tuy nhiên, AI chỉ hỗ trợ mà không thể thay thế con người trong việc biết báo”.
“Trong quá trình xử lý thông tin, AI sẽ có thể gặp khó khăn trong việc kiểm định nguồn tin, không biết đâu là tin thật, đâu là tin giả. Bên cạnh đó, AI dù nhanh trong việc xử lý dữ liệu, nhưng sẽ không thể tạo ra một bài viết có cảm xúc thật. Bởi AI không thể hiểu sâu sắc các khía cạnh tâm lý của con người” - chị Hà cho biết thêm
Sự phụ thuộc vào AI cũng có thể khiến báo chí trở nên đồng nhất, thiếu đa dạng. Khi thuật toán AI được đào tạo dựa trên một lượng dữ liệu hạn chế, nó có thể vô tình tạo ra nội dung thiên lệch hoặc mang tính lặp lại. Nếu không có sự kiểm duyệt từ con người, AI thậm chí có thể tạo ra thông tin sai lệch hoặc tiếp tay cho tin giả.
Bên cạnh đó, AI cũng đặt ra vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Khi một bài viết có sai sót, ai sẽ chịu trách nhiệm? Nhà báo, biên tập viên hay chính công cụ AI? Nếu AI vô tình tạo ra thông tin sai lệch, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, AI có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động trong ngành báo chí. Khi AI có thể tự động sản xuất hàng trăm bài báo mỗi ngày, các tòa soạn có thể sẽ cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều phóng viên trẻ.
Làm thế nào để AI trở thành công cụ hữu ích thay vì mối đe dọa?
Thay vì xem AI là đối thủ, ngành báo chí nên coi nó là một công cụ hỗ trợ đắc lực. AI có thể đảm nhiệm những công việc mang tính lặp lại như tổng hợp dữ liệu, viết bản tin tài chính, thể thao, nhưng các bài báo điều tra chuyên sâu, bình luận, phóng sự xã hội vẫn cần đến con người.

Một giải pháp quan trọng là các tòa soạn cần thiết lập quy tắc ứng dụng AI trong sản xuất tin tức. AI không nên được sử dụng để tự động xuất bản nội dung mà không qua kiểm duyệt. Những bài viết có sự tham gia của AI cũng cần được công khai minh bạch để độc giả có thể đánh giá tính chính xác của thông tin.
Bên cạnh đó, các trường đào tạo báo chí cũng nên cập nhật chương trình giảng dạy, bổ sung các khóa học về công nghệ AI để giúp phóng viên tương lai hiểu cách sử dụng AI hiệu quả mà không phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Một nhà báo hiện đại không chỉ cần kỹ năng viết lách mà còn phải biết cách khai thác công nghệ để tối ưu công việc.
Tương lai nào cho báo chí trong thời đại AI?
Trong tương lai, AI được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong ngành báo chí. Nhưng công nghệ này không thể thay thế hoàn toàn con người, vì báo chí không chỉ là việc đưa tin mà còn là quá trình phân tích, phản biện và truyền tải cảm xúc. Những nhà báo biết cách tận dụng AI để nâng cao chất lượng nội dung sẽ có lợi thế, trong khi những ai quá phụ thuộc vào công nghệ có thể đánh mất bản sắc nghề nghiệp.
Một số sinh viên báo chí cũng bày tỏ quan điểm rằng AI có thể là một công cụ hữu ích nếu được sử dụng đúng cách. Nguyễn Thị Huyền My, sinh viên năm tư ngành báo chí, chuyên ngành Báo ảnh, chia sẻ: "AI giúp chúng tôi có thêm công cụ để phân tích dữ liệu nhanh chóng, tìm kiếm thông tin và thậm chí gợi ý cách viết bài. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất vẫn là góc nhìn cá nhân, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo mà chỉ con người mới có thể mang lại".
Dù AI mang đến nhiều thay đổi, giá trị cốt lõi của báo chí vẫn phải do con người nắm giữ: sự thật, trách nhiệm và góc nhìn nhân văn. Chỉ khi kết hợp tốt giữa công nghệ và con người, báo chí mới có thể phát triển bền vững trong kỷ nguyên AI.