Khi báo chí vô tình cổ súy buôn bán động vật hoang dã
(Sóng trẻ) - Tưởng chừng như báo chí là “cánh tay đắc lực” trong hành trình bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) nhưng chỉ vì một vài hành động, thái độ tưởng chừng như vô hại mà báo giới đã vô tình cổ súy cho hành vi buôn bán những loài động vật thuộc về rừng xanh này.
Báo chí “lạc lối” khi đưa tin về ĐVHD
Theo thống kê, các cơ quan báo chí Việt Nam mỗi năm đăng tải khoảng hơn 300 bài viết liên quan đến ĐVHD nhằm nâng cao nhận thức của công chúng trong việc bảo tồn, ngăn chặn các hành vi buôn bán, giết hại động vật quý. Tuy nhiên trong số đó, một vài tin tức được đăng tải trên các kênh báo chí truyền thông lại đang vô tình tiếp tay cho hành vi nguy hiểm này.
Năm 2017, VTC News đã thực hiện một bản tin về cá khổng lồ, bắt được từ Biển Hồ và được người giàu có ở Hà Nội sẵn sàng bỏ tiền mua cho bữa tiệc của mình. Nội dung thông tin được đưa như sau: “Hai con cá lăng được nhập về có một con nặng tới 192kg, con còn lại nặng tới 105kg”, chủ nhà hàng nói. Được biết, mỗi kg cá lăng được nhà hàng bán với giá 920.000 đồng. Tổng giá trị của cặp cá lăng nặng 300kg có giá trị lên tới gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi cặp cá lăng về tới Hà Nội, rất nhiều khách hàng đã đặt trước và không còn đủ để phục vụ thượng khách”. Ngay sau khi đoạn tin được VTC đưa lên, nhiều báo khác đã ngay lập tức đăng tải lại như Dân Trí, Vietnamnet... Tuy nhiên, điều mà nhà báo và độc giả có thể không biết là cá lăng là loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Những con cá này giờ đây vô cùng quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng trên dòng sông Mê Công.
Trong một trường hợp tương tự vào năm 2018, Vietnamnet và một số trang báo khác cũng đã mô tả việc một nhà hàng tại Hà Tĩnh mua được cá tra dầu hơn 150kg để phục vụ thực khách như một “chiến công”. Trong khi đó, cá tra dầu mà tờ báo mô tả cũng nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và theo phân loại của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nó được xếp ở cấp cực kỳ nguy cấp. Điều đáng nói là, không vì vậy mà loài cá này thoát được khỏi sự săn tìm háo hức trên dòng sông Mê Công hay báo chí ngưng xôn xao viết về cách… làm thịt nó.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều năm trước và cho đến tận bây giờ, các ca sĩ, những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trong xã hội ở Việt Nam luôn ưa thích khoác những bộ áo lông thú đắt tiền, sử dụng túi xách làm từ da động vật xuất hiện trong các sự kiện, các lễ trao giải và được báo chí đưa tin dưới thái độ ngưỡng mộ. Chính điều đó đã vô tình bóp méo nhận thức của độc giả. Dường như, chính những bài viết này đã khiến công chúng nghĩ rằng sở hữu một chiếc áo như vậy mới thể hiện được đẳng cấp và quyền lực.
Một vài năm trước đây, tin đồn về sừng tê giác chữa được bách bệnh đã từng vô cùng rầm rộ và phổ biến. Một tin đồn không hề có bất kỳ cơ sở khoa học nào đã đánh đúng vào niềm tin mù quáng của một bộ phận người dân trong xã hội. Nghiêm trọng hơn, báo chí cũng ỡm ờ mô tả tác dụng chữa ung thư của sừng tê giác khiến cho sự tin tưởng vào thông tin sai lệch ấy càng mạnh mẽ hơn. Trên một bài viết có tiêu đề “Nghèo cũng xài sừng tê: Muôn nẻo chữa bệnh” được báo Tiền phong đăng tải vào năm 2015 có đoạn: “Mài sừng tê giác và hoà vào nước lã, mỗi ngày chị uống một lần. Sau ba tháng, chị bảo bệnh máu không đông của chị giảm hẳn”. Những tin tức như vậy nhanh chóng được nhân lên thành lời đồn thổi, ca tụng, khiến nhu cầu mua sừng tê giác từ Nam Phi gia tăng cũng như tiếp tay cho thị trường săn trộm ở quốc gia này trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nhưng theo nghiên cứu khoa học, sừng tê giác cũng chỉ như móng tay của con người, hoàn toàn không có khả năng chữa bệnh.
Có thể dễ dàng nhận thấy, dù chỉ là vô tình nhưng báo chí cũng đang một phần “tiếp tay” cho những hành vi buôn bán, săn lùng và giết hại ĐVHD. Những bài viết hư hư thực thực về tác dụng của sừng tê giác, ngà voi, về “chiến công” của những kẻ săn lùng động vật quý hiếm đã có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng. Cách miêu tả, tạo cảm giác và khéo léo thi vị hoá một hành động nguy hiểm của người viết báo sẽ khiến người đọc dần hình thành ý tưởng rằng sử dụng những sản phẩm từ ĐVHD là hành động thể hiện địa vị, đẳng cấp xã hội.
Tránh trở thành “kẻ tiếp tay”
Trong thời đại truyền thông bùng nổ như hiện nay thì báo chí nắm giữ một “quyền lực” vô cùng lớn. Những thông tin mà báo chí cung cấp có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đông đảo công chúng. Chính vì vậy, sức nặng đặt lên ngòi bút của nhà báo là không hề nhỏ. Đặc biệt, trước thực trạng buôn bán, giết hại ĐVHD đang vô cùng “náo loạn” trên mạng xã hội hiện nay, vai trò của báo chí trong truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐVHD, lên án các hành vi vi phạm pháp luật trong giết hại, buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD là vô cùng quan trọng.
Báo chí là con dao hai lưỡi, vừa là công cụ hữu hiệu bảo tồn ĐVHD nhưng cũng là thứ vũ khí tận diệt những loài động vật này (Ảnh: Thanh Hoa)
Bà Doãn Thị Thuận - Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương trong một bài chia sẻ với báo Nhân dân đã cho biết: “Đối với cuộc chiến chống nạn buôn bán ĐVHD trái phép, các cơ quan thông tấn báo chí là một công cụ hữu hiệu nhất để thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của nhà nước và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn ĐVHD. Đồng thời, nó cũng là công cụ, phương tiện hiệu quả nhất trong đấu tranh, điều tra, phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng, tạo dư luận phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật và định hướng cho dư luận xã hội về vấn đề này. Có thể nói, cơ quan thông tấn báo chí có vị trí vô cùng quan trọng trong công tác bảo tồn và đấu tranh chống nạn buôn bán ĐVHD”.
Báo chí cần cận trọng hơn trong quá trình đưa tin về các loài ĐVHD (Ảnh: Hồng Yên)
Theo các chuyên gia nhận định, để không “lạc lối” khi đưa tin về ĐVHD, báo giới cần chú ý những điều sau: Thứ nhất, không mô tả việc buôn bán động vật, bộ phận ĐVHD như một biểu hiện của sự giàu có, thịnh vượng. Điều này có thể khiến một bộ phận công chúng với khát vọng khẳng định địa vị của mình mà săn lùng những loài động vật quý hiếm. Tâm lý “có của có danh” từ đó có thể sẽ bị nhen nhóm trong cộng đồng; Thứ hai, tránh tường thuật các cuộc mua bán ĐVHD như một cuộc trao đổi hợp pháp. Điều này có thể khiến một bộ phận người Việt nghĩ rằng việc săn bắt, giết hại và buôn bán ĐVHD là không vi phạm pháp luật; Thứ ba, tránh viết những tin bài về bí kíp y học hoặc cách chữa bệnh từ những bộ phận của ĐVHD. Những thông tin này hoàn toàn phi khoa học và thậm chí còn có thể reo rắc niềm tin mù quáng về tác dụng thần kỳ của ĐVHD.
Để tránh trở thành nhân tố kích thích thị trường buôn bán ĐVHD phát triển, báo chí đã và đang nỗ lực trở thành công cụ hữu hiệu trong giáo dục, nâng cao nhận thức của công chúng về bảo tồn những loài động vật quý hiếm này. Chỉ tính riêng trong năm 2019, báo chí đã có hàng trăm bài viết về ĐVHD, trong đó có các bài phản ánh thực trạng, đưa tin sự kiện và cả những bài viết phân tích sâu về tình trạng đáng báo động của ĐVHD tại Việt Nam. Từ đó chúng ta có thể nhìn thấy từng bước phát triển và trưởng thành của báo chí Việt Nam trong công cuộc truyền tải thông tin về động vật hoang dã đến với công chúng.