Khi còn cuộc đời, Trịnh có vui không?

(Sóng trẻ) -  "Còn cuộc đời, ta cứ vui" - đó là lời nhắn nhủ đến muôn đời sau của một người đã rời xa cõi đời 13 năm nay – nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn. Câu chữ ấy đọc lên nghe thoảng qua như một cơn gió nhưng lại gieo vào lòng người một nỗi niềm khắc khoải đến nao lòng. Chính vì thế, người ta chưa bao giờ quên Trịnh Công Sơn, ông vẫn luôn sống một “cuộc đời tâm tưởng” trong tâm trí những người yêu nhạc của ông.

Khi còn cuộc đời, Trịnh có vui không?

Một câu nói nghe chừng thực sự nhẹ nhàng: khi chúng ta còn được đứng giữa đất trời, giữa dòng đời thì hãy cứ vui lên, chí ít là vui vì ta đang được sống để nhìn và cảm nhận cuộc đời, chưa bàn đến nó là hạnh phúc hay khổ đau, hoặc có thể là cả hai. Nhưng một khi “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” thì bất kỳ ai cũng có thể nhận ra một điều rằng “còn cuộc đời, ta cứ vui” không phải là một triết lý sống dễ dàng.

625414786_anh_1.jpg

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Một câu hỏi mà ai cũng có thể trả lời “chắc chắn sẽ có những khi vui”. Còn những người thích nghe và hiểu nhạc Trịnh sẽ nói rằng: “ông buồn nhiều hơn vì những trăn trở của cuộc sống”. Đúng như vậy, Trịnh mang trong mình trái tim của người nghệ sĩ. Ông viết những cảm xúc của mình trong từng nốt nhạc cũng là viết cho những con người, cho những mảnh đời khác nữa đang mang cuộc đời hay đã “đánh mất” cuộc đời.

Những trăn trở về số phận con người

Lớn nhất, cao cả nhất đó là tình yêu thương đồng loại. Đó là khi con người xem nỗi đau của người khác như nỗi đau của mình và đồng cảm. Không chỉ là một tình thương bản năng vốn có trong mỗi người, ông còn đem nó gửi trong những ca từ của mình để nhiều người nghe được, cảm nhận được tình thương của ông.

“…Đời ta có khi là lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do…
Đời ta có khi là đóm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya…
Đời tôi có ai vừa qua…
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ…”

Đó là những ca từ quen thuộc của “Đêm thấy ta là thác đổ” – ca khúc gợi lên một cuộc đời với những rong ruổi bởi những bước chân qua những thành phố lạ. Sau những mỏi mệt, con người ấy trở về với căn gác nhỏ, nơi có thể không tìm thấy những người thân yêu bởi vì đó không phải là “nhà” mà con người trong khung cảnh ấy đang nhớ. Khi qua những thành phố không quen, con người cảm thấy đời tự do, nhưng chỉ khiêm tốn thấy mình như “lá cỏ” để được hát ca tự do. Khi nhớ nhà thì con người mang số phận, tâm sự ấy lại mong bước chân quay về nơi ấm cúng của gia đình. Hình ảnh “thác đổ” có thể được hiểu như đó là một “cuộc đời chảy trôi, sóng gió” hay đó chính là “tâm trạng” đang thường trực bên trong con người ấy. Đó là tâm trạng đan xen của những nhớ thương, của đau khổ, của những khắc khoải khiến con người nhiều đêm vẫn thấy “thác đổ” trong những cơn mơ, để rồi nó ám ảnh cả khi thức giấc.

Ông viết “Cát bụi” như muốn nói về những quy luật trong cuộc đời mong manh của con người: Hóa thân từ “cát bụi” rồi cũng sẽ trở về với “cát bụi”:

“…Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…”

Nhưng giữa hai từ “cát bụi” ấy lại là những thăng trầm mà con người vẫn phải bước qua dù cho có thể muốn tránh. Không chỉ là những “đêm thấy ta là thác đổ” mà đó còn là “Một cõi đi về” với những chuyến đi dài ngắn của cuộc đời:

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”

Khi con người ta phải rời xa chốn yêu dấu, gắn bó bấy lâu thì không khỏi nhớ nhung, khắc khoải một mong ước “quay về”:
“…Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa…”

Nhưng khi về rồi lại nhớ những chuyến đi, những chặng đường đã qua: “Trong khi ta về lại nhớ ta đi”. Nhưng dường như, nhân vật trong mỗi ca khúc của ông đều cô đơn lẻ loi, sự xuất hiện của những con người khác có chăng chỉ là “chiếc bóng” trong tâm tưởng. Như thế, tâm hồn vốn đã rất đa cảm của Trịnh lại càng dễ xúc cảm hơn, đã cô đơn lại càng cô đơn đến tột cùng, và khát khao được sống để yêu và được yêu thương càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Con tim khắc khoải một tình yêu... buồn

Trịnh viết cho người, nhưng cũng viết cho mình – Một góc nhỏ của con tim biết yêu. Tình yêu ấy chất chứa một nỗi buồn mênh mang trải khắp không gian và sâu đậm tận đáy con tim chân thành. Trong những lời ca ấy, chỉ có cỏ cây, sỏi đá; có nắng, có mưa; có “em” và có “tôi… Dung dị! Trịnh mang những gì là đơn giản nhất của cuộc đời để nói về một thứ phức tạp nhất – Cảm xúc tình yêu.

Ở ông, cảm xúc cá nhân lớn lắm, bao la lắm nhưng lại được gói ghém thực cẩn thận và tinh tế trong những ca từ giản dị. Giản dị nhưng không phải dễ hiểu nếu ai đó không thực sự trải lòng mình trên từng khuôn nhạc. Tình yêu của Trịnh là những nỗi đau giằng xé vì nhớ, vì thương, vì chờ đợi mà không thể thành lời. “Diễm xưa” chính là những lời ca nói thay nỗi lòng mong mỏi được gặp người “em” ấy và chờ đợi được thấu hiểu nỗi lòng của Trịnh.

625414786_anh_2_2.jpg
Bản nhạc "Diễm xưa" với nét chữ của cố nhạc sĩ tài ba

“…Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau…”

Lại thêm một “nhịp chờ”, “Biển nhớ” như là một cuộc chia ly dài. Trong chín đoạn của lời bài hát, có tới tám đoạn được bắt đầu bằng lời ca “ngày mai em đi” và chỉ có một đoạn ngăn cách giữa tám đoạn được mang câu hát “hôm nao em về”. 
“Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về…
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ…
Sỏi đá trông em từng giờ…
Biển nhớ em quay về nguồn…
Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn…”

Toàn bộ bài hát như ba lượn sóng biển mà ở đó hai lượn sóng của nhớ thương, khắc khoải vì ly biệt như trào lên mạnh mẽ và nhấn chìm chút vui của ngày em về. Bắt đầu bằng ly biệt và kết thúc ca khúc cũng là ly biệt. Có phải Trịnh đang muốn nói về một mối tình không thể thành?

Người ra đi để lại một chân trời trống vắng, cô đơn, không gì khỏa lấp được nỗi nhớ. Liệu “Em còn nhớ hay em đã quên”? Câu hỏi được lặp lại nhiều lần trong ca khúc cùng tên như một lời tự vấn của người ở lại để rồi từng kỷ niệm lại hiện ra trước mắt người mang tâm sự. Tất cả như một thước phim đang chập chờn với những kí ức cùng người và những gì ở hiện tại khi người không còn ở lại nơi này: “Em ra đi nơi này vẫn thế”. Như lòng người ở lại vẫn chung thủy đợi chờ.

Nếu như “Ướt mi” là sự quan tâm, lo lắng của “ta” dành cho “em”:

“…Buồn ơi trong đêm thâu ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngây hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về có ấm từng cơn mơ em chưa?...”

thì “Xin trả nợ người” lại là một lời trách nhẹ nhàng dành cho người đã mang đi của “tôi” một thời bé dại:

“…Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
Trả nợ một đời chưa hết tình sâu
Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu
Trả nợ một đời không hết tình đâu…”

Yêu thương, nhớ nhung khi ly biệt, những lo lắng chăm sóc cả những giận hờn đều là những cung bậc cảm xúc của tình yêu. Nhưng hợp rồi sẽ có tan, chính vì thế “Như một lời chia tay” là những xúc cảm khi kết thúc một mối tình:

“Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui…”

Yêu thương nồng nàn, nhớ nhung làm tê tái con tim vậy mà khi chia tay, những ca từ nhẹ nhàng lại được viết nên để che đi những cơn bão lòng. Ở đó, trên tất cả đó là lòng vị tha, cao thượng của trái tim chỉ biết yêu thương ấy của nhân vật “tôi”.

Có một Trịnh nặng lòng đất nước

Viết về số phận con người trên nhân gian, nghĩ về tình yêu, Trịnh Công Sơn phủ lên đó những nỗi buồn đau, thất vọng và tình thương của một trái tim mang nặng tình cảm. Nhưng ông lại mang đến một tinh thần lạc quan lớn lao cho nhân dân trong những năm tháng đất nước bị chia cắt vì chiến tranh. “Cho người vừa nằm xuống” là nỗi đau lúc này ông mang, đó là sự hy sinh của những người chiến sĩ trên chiến trường.

Khi đó, sự chờ đợi là “Chờ đợi quê hương sáng chói” trong niềm hy vọng, khát vọng hòa bình:

“…Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo 
Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu 
Chờ hoà bình đến, chờ tiếng bom im 
Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn…”

Và giờ đây, sự chia ly không còn là khổ đau, mang nỗi dằn vặt nữa, mà nó mang đến những lời động viên, khích lệ nhau cùng cố gắng vì một ngày thống nhất nước nhà, Bắc Nam về một mối:

“…Dù trong tôi đã héo hon đợi chờ
Dù môi em đã héo hắt nụ cười
Nhưng ta bền gan chờ đón những ngày mai
Vì quê hương sẽ có ngày gặp lại
Máu xương hai miền rung lòng thế giới…”

Lời kết

Ai cũng có thể chọn riêng ra cho mình những ca khúc khác nhau để nghe và nhìn lại chặng đường mang tên “cuộc đời tâm tưởng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở đây, những ca khúc là mười ba bản nhạc rất riêng mà nhạc sĩ tài năng, đa cảm họ Trịnh đã viết tặng cuộc đời, hay cũng là những giải bày nỗi lòng của ông nữa. Ông đã sống một cuộc đời thực chan chứa yêu thương và chất chứa những nỗi đau thì giờ đây, những người còn ở lại nơi trần gian cũng dành lại cho ông tình yêu mến, sự ngưỡng mộ, trân trọng và sự đồng cảm với những trăn trở, khắc khoải ông đã mang suốt một đời.

Lê Thị Loan
Lớp Báo mạng Điện tử K33

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN