Khi những du học sinh “không trở về”…
(Sóng trẻ) – Những tranh luận ở lại hay trở về của những du học sinh tiếp tục trở thành chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhưng có phải ai cũng hiểu hết những lý do khiến họ “không trở về”?
Phan Đăng Nhật Minh trở thành nhà vô địch Olympia 2017
Một mùa Olympia nữa lại kết thúc, Phan Đăng Nhật Minh – nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2017 là cái tên xuất hiện dày dặc trên các phương tiện truyền thông những ngày vừa qua. Người ta trầm trồ, tán thưởng, khen ngợi “Cậu bé ogle”, “Thần đồng tự học”,… Nhưng ngừơi ta còn tò mò hơn về câu trả lời cho câu hỏi “Em đi bao giờ em về?”…
Tính tới nay, Đường lên đỉnh Olympia cũng trải qua chặng đường 17 năm, kể từ mùa giải đầu tiên lên sóng vào năm 1999. Nhưng trong tất cả các nhà vô địch, Lương Phương Thảo là cái tên duy nhất trở lại làm việc ở Việt Nam sau khi du học Australia. Đăng quang ngôi vị cao nhất của Đường lên đỉnh Olympia 2017, khi được hỏi: “Học xong có ở lại Úc không?”, Nhật Minh đáp ngắn gọn: “Điều này em không nói trước được, phải để tương lai trả lời thôi!”. Và câu trả lời này lại thổi bùng lên chủ đề vốn rất được dư luận quan tâm từ trước tới nay - "ở lại hay trở về" của các du học sinh.
Bỏ qua chuyện đúng sai, nên hay không nên “ở lại” hay “trở về” của các du học sinh, bài viết nêu lên những lý do khiến các du học sinh chọn ở lại nước nài thay vì về nước làm việc.
Những mục tiêu, nỗ lực lớn hơn bình thường
Đây là điều mà ai cũng phải công nhận khi nói về một học sinh, sinh viên nhận được học bổng du học nước nài. Họ phải cố gắng gấp 5 thậm chí 10 lần một sinh viên, học sinh đạt học bổng trong nước. Nếu trong môi trường của bạn, việc đỗ trường đại học danh giá hay không danh giá là thang đo, thì trong môi trường của họ, xếp hạng của trường bạn sắp du học, labor maket của ngành đấy, cơ hội học cao hơn mới là điều họ quan tâm. Câu chuyện của họ luôn xoay quanh “ranking”, “out come”, “master”, PhD,…
Những đánh đổi trong quá trình du học
Bạn phải luôn là một trong những người giỏi nhất nếu không học bổng của bạn sẽ bị cắt.
Bạn được học bổng du học, tất cả mọi người trong xóm bạn sẽ trầm trồ khen ngợi. Nhưng một khi bạn buộc phải trở về, đảm bảo những câu chuyện như bạn “bị đuổi học” như thế nào không khó để tưởng tượng. Chính vì cái sĩ diện đó, mà các du học sinh theo diện học bổng luôn phải không ngừng phấn đấu, dù ốm đau bệnh tật, hoạn nạn hay sướng vui… Những trường hợp du học sinh phải đến bác sĩ tâm lý chỉ vì áp lực học hành không phải quá xa lạ.
“Con nhà người ta” đi đâu cũng vẫn bị để ý.
Đúng vậy, ngay cả ở nước nài, việc bạn được nhận học bổng vẫn sẽ khiến cho một số người không ưa. Và sự thật là du học sinh Việt Nam, Do Thái, Trung Quốc, Ấn độ luôn là những ngươi đứng đầu. Việc họ là “gà chọi chuyên nhận học bổng” đôi khi khiến họ bị tách biệt khỏi những học sinh bản địa. Bạn càng giỏi, gánh nặng trên đôi vai bạn càng lớn.
Học bổng nước nài không phải lúc nào cũng tốt.
Thực tế cho thấy, việc thi lấy học bổng hiện nay không còn quá khó khăn, nhưng cũng chính điều này đặt ra câu hỏi về “chất lượng” học bổng. Hiện nay có rất nhiều trường thuộc dạng trường mới thành lập, ít tiếng tăm và cần đi tuyển những sinh viên giỏi để tạo nên thành tựu cho trường cũng như đào tạo đội ngũ giảng viên tương lai. Các trường tư này phần nhiều dành cho những cậu ấm cô chiêu các gia đình có điều kiện đưa vào để lấy danh du học. Đương nhiên trong một môi trường chỉ ở mức độ đó, giảng viên không thể đưa ra những vấn đề cao hơn và giảng riêng cho học sinh giỏi mà bỏ qua những sinh viên không hiểu gì. Và những bạn học sinh, sinh viên bị rơi vào trường hợp này mặc dù chán nản, vẫn “bị kẹt” ở lại vì đã lỡ chi khá nhiều cho tấm bằng du học này.
Và nếu trên đây là những lý do khiến các du học sinh “không thể trở về”, thì sau đây lại là những lý do khiến họ “không muốn về”.
Những sự thỏa mãn về cả vật chất và tinh thần
Môi trường giáo dục tiên tiến.
Một nhà vô địch Olympia đã nói rằng: “ Tôi ở lại để cho các con của tôi có thể tận hưởng hệ thống giáo dục tiên tiến. Tôi là cha, tôi phải nghĩ cho các con của tôi trên cương vị một người cha”. Du học không chỉ cho phép bản thân những du học sinh được tiếp thu, rèn luyện trong môi trường học thuật tiên tiến, được tiếp cận những tầm cao hơn của tri thức nhân loại, mà cả con cái họ cũng sẽ được tận hưởng điều đó từ nhỏ.
Công việc phản ánh đúng khả năng
Bộ não Châu Á luôn được chào đón. Những du học sinh Việt Nam thường có nhiều thành tích xuất sắc, họ cần cù chăm chỉ và cầu tiến. Rất nhiều du học sinh khi làm việc tại nước nài giữ những chức vụ rất cao dù họ còn trẻ. Điều này dường như ở môi trường trong nước rất ít có được khi mà tuổi tác và kinh nghiệm luôn là một rào cản khiến bạn thăng tiến.
An sinh xã hội luôn ở mức tối ưu
Điều này có lẽ là đương nhiên vì thực tế, ở nước nài, bạn phải chi rất nhiều cho việc đóng thuế và bảo hiểm. Nhưng tất cả mọi người đều chấp nhận, coi đó như quyền và trách nhiệm của mình. Và đổi lại các dịch vụ công luôn hoàn hảo, bạn sẽ không bao giờ phải lo rằng bệnh viện quá tải, giao thông hỗn loạn hay bất cứ điều gì tương tự.
Thực ra, việc các du học sinh sau khi kết thúc chương trình học có trở về làm việc tại quê nhà hay không vốn không có gì đáng bàn cãi. Vì dù có ở lại sau khi du học cũng là điểu bình thường, nó xảy ra ở khắp các nước trên thế giới, và ta có thấy họ bàn tán về điều này? Có thể mỗi người đều có quan điểm khác nhau về việc “trở về” hay “ở lại”, bạn có thể không đồng tình nhưng nhưng hãy thử đặt bạn vào hoàn cảnh của những du học sinh đó để thấu hiểu rồi quyết định có nên quá gay gắt về vấn đề “chảy máu chất xám”.
Đỗ Lan Anh
Báo chí K36.7
Cùng chuyên mục
Bình luận