Khoa Phát thanh – Truyền hình tổ chức thành công Thực tế chính trị - xã hội cho hơn 300 sinh viên K36
(Sóng trẻ) - Từ 26 – 30/11, khoa Phát thanh – Truyền hình đã tổ chức thành công chuyến đi thực tế chính trị - xã hội cho 316 sinh viên K36 chia thành 7 đoàn thực tế tại 7 địa phương: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Yên Bái. Chuyến đi thực tế đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong sinh viên, cũng như giúp sinh viên nâng cao được kĩ năng học tập, tác nghiệp báo chí đúng với tiêu chí đào tạo học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn của khoa Phát thanh – Truyền hình nói riêng và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung.
Trong suốt quá trình đi thực tế chính trị - xã hội tại các tỉnh, sinh viên khoa Phát thanh – Truyền hình luôn thể hiện sự hào hứng, phấn khởi, ham tìm tòi, khám phá tại các địa điểm thực tế ở địa phương. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với chính quyền, cơ quan chức năng, người dân tại các địa phương, sinh viên của khoa được tìm hiểu, khai thác thông tin về mọi mặt ở địa phương về tình hình xã hội, kinh tế, văn hóa… Từ đó cộng hưởng với kiến thức được đào tạo trong nhà trường, sinh viên bước đầu được thực hành tác nghiệp báo chí, khai thác và xử lí thông tin phục vụ quá trình học tập hiệu quả, gắn với thực tiễn. Đây cũng là mục đích chính mà khoa Phát thanh – Truyền hình hướng tới các đoàn sinh viên đi thực tế tại các địa phương.
Dưới đây là những nét chính mà 7 đoàn sinh viên đã thực hiện và thu hoạch được trong những ngày đi thực tế chính trị tại các tình: Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc.
Lớp Báo mạng điện tử K36A2 thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Quảng Ninh
Đoàn sinh viên lớp Báo mạng điện tử K36A2 gồm 51 sinh viên do PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang (Trưởng Khoa Phát thanh – Truyền hình) làm Trưởng đoàn và Ths. Trương Thị Hoài Trâm (giảng viên chủ nhiệm lớp K36A2) làm phó đoàn. Đoàn sinh viên thực tế tại tỉnh Quảng Ninh làm việc trong 5 ngày từ ngày 26/11 đến ngày 30/11 với nhiều hoạt động lí thú, bổ ích trong tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như hoạt động báo chí tại tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Ninh và Đài PTTH Quảng Ninh. Bên cạnh đó đoàn đã có nhiều hoạt động thực tế tại các địa phương trong tỉnh như: thực tế tại huyện Bình Liêu và tham quan Cột mốc 1317, cửa khẩu Hoành Mô; làm việc với lãnh đạo UBND xã Đồng Văn và tham quan cơ sở làm miến dong tại địa phương; thực tế tại Quảng Yên, tham quan khu vực nuôi hàu và thăm đền thờ Trần Quốc Tuấn và miếu Vua Bà.
Đoàn làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông và Báo Quảng Ninh
Đoàn chụp ảnh kỉ niệm với Ban lãnh đạo Đài PTTH Quảng Ninh
Đoàn làm việc với Huyện uỷ Bình Liêu
Lớp Truyền hình K36A2 thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Yên Bái
Đoàn sinh viên lớp Truyền hình K36A2 gồm 52 sinh viên do Ths. Đinh Ngọc Sơn (Phó Khoa PTTH) làm Trưởng đoàn và Ths Lương Đông Sơn làm phó đoàn. Đoàn sinh viên lớp Truyền hình K36A2 đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như: làm việc với Ban Tuyên giáo tỉnh Yên Bái và thăm khu di tích Nguyễn Thái Học; làm việc tại Báo Yên Bái và đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Yên Bái; làm việc huyện Yên Bình và tham quan hồ Thác Bà và nhà máy thủy điện Thác Bà; thăm quan vườn bưởi Đại Minh, tham quan vùng nuôi cá diêu hồng.
Đoàn làm việc với Ban Tuyên giáo tỉnh Yên Bái
Sinh viên tham quan Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái
Đoàn tham quan, di chuyển quanh hồ Thác Bà bằng thuyền
Lớp Phát thanh K36 thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Phú Thọ
Đoàn sinh viên lớp Phát thanh K36 gồm 41 sinh viên do PGS, TS Phạm Thị Thanh Tịnh làm trưởng đoàn và TS Trần Thị Vân Anh làm phó đoàn phụ trách.
Đoàn sinh viên lớp Phát thanh K36 đã làm việc với nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh như: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan báo chí của tỉnh gồm: Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã về các địa phương của tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa tại địa phương. Cụ thể, đoàn đi thực tế tại xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì: đoàn dâng hương, tìm hiểu về hát xoan tại miếu Lãi Lèn; đoàn dâng hương tại chùa cổ, tham quan nhà cổ, cơ sở sản xuất, đóng gói đặc sản mì Hùng Lô tại Hùng Lô.
Đoàn thực tế chính trị - xã hội làm việc với Ban Tuyên giáo tỉnh tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, thảo luận, trao đổi một số vấn đề liên quan tới việc tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa như hát xoan, lễ hội đền Hùng
Buổi làm việc của đoàn thực tế chính trị - xã hội với Sở thông tin và truyền thông tỉnh Phú Thọ, trao đổi nhiều vấn đề có ý nghĩa như: sự đổi mới của hoạt động thông tin và truyền thông để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hoạt động thông tin, truyền thông đối với đồng bào dân tộc;...
Đoàn tham gia hoạt động diễn xướng hát xoan – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Lớp Truyền hình K36A1 thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Ninh Bình
Đoàn sinh viên lớp Truyền hình K36A1 gồm 52 sinh viên do Ths. Trần Thị Hoa Mai làm Trưởng đoàn và Ths. Nguyễn Thị Thu Trà làm phó đoàn phụ trách.
Nhiều hoạt động thực tế có ý nghĩa đối với sinh viên trong chuyến thực tế chính trị - xã hội tại Ninh Bình đã được tổ chức thành công. Trong đó phải kể đến, đoàn đã làm việc với các cơ quan chuyên trách của tỉnh như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để nắm bắt được tình hình chính trị - xã hội, giáo dục, văn hóa, kết quả phát triển kinh tế, các hướng thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp, và đặc biệt là ngành du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, đoàn cũng làm việc với các cơ quan báo chí của địa phương: Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh – Truyền hình Ninh Bình để nắm bắt được hoạt động báo chí tại địa phương. Trong suốt chuyến đi thực tế, đoàn đã tới nhiều địa phương trong tỉnh, tham quan nhiều mô hình kinh tế điển hình như: mô hình “cá – chuối” xã Yên Từ - huyện Yên Mô; cơ sở sản xuất gốm Bồ Bát. Đoàn tham quan các danh thắng nổi tiếng tại địa phương như Nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn – Ninh Bình), Tam Cốc – Bích Động, Chùa Bái Đính và nhận thấy tiểm năng du lịch tại Ninh Bình còn rất lớn.
Đoàn làm việc tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, trao đổi một số vấn đề về đặc thù của hoạt động tuyên giáo tỉnh; vấn đề tuyên truyền, quảng bá về du lịch, phát triển các mô hình công nghiệp – nông nghiệp
Đoàn đến thăm mô hình “cá – chuối” tại xã Yên Từ, huyện Yên Mô
Đoàn tham quan cơ sở sản xuất gốm Bồ Bát – dòng gốm được coi là tổ nghề gốm Bát Tràng
Lớp Báo mạng điện tử K36A1 thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Vĩnh Phúc
Đoàn sinh viên lớp Báo mạng điện tử K36A1 gồm 48 sinh viên do TS. Đinh Thị Xuân Hòa làm Trưởng đoàn và Ths Trần Thị Phương Lan làm phó đoàn phụ trách.
Trong 5 ngày thực tế, đoàn đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh để nắm bắt được tình hình phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa cũng như hoạt động báo chí tại tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó đoàn còn làm việc với nhiều địa phương trong tỉnh như huyện Tam Dương, huyện Bình Xuyên, huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo. Về địa phương, đoàn tham quan nhiều mô hình kinh tế nổi bật trên địa bàn các huyện như: mô hình nuôi gà con giống, mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, mô hình trồng ra sạch tại huyện Tam Dương; mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch; mô hình làm gốm nghệ thuật tại huyện Bình Xuyên; mô hình trồng hoa – tạo cảnh – chụp ảnh tại huyện Tam Đảo. Tại các địa phương, đoàn cũng đã có cơ hội tham quan nhiều danh thắng nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc như: đền Trình, bảo tháp Mandala, Tam Đảo.
Đoàn tham quan mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của anh Nguyễn Văn Tùng
Đoàn làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc về vấn đề quản lí nhà nước về báo chí tại địa phương
Đoàn tặng quà cảm ơn Ban Tuyên giáo tỉnh ủy
Lớp Báo mạng điện tử K36A3 thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Thanh Hóa
Đoàn sinh viên lớp Báo mạng điện tử K36A3 gồm 50 sinh viên do TS. Nguyễn Văn Trường làm Trưởng đoàn và Ths. Vũ Thế Cường làm phó đoàn phụ trách.
Đoàn thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Thanh Hóa có hai hoạt động chính đó là làm việc với cơ quan chuyên trách của tỉnh về hoạt động báo chí và thực tế tại các địa phương trong tỉnh để tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa tại địa phương. Đoàn đã làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở thông tin và Truyền thông tỉnh; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; Báo Thanh Hóa. Đoàn tham quan thực tế tại địa phương với nhiều hoạt động ý nghĩa: tham quan khu du lịch Sông Mã bằng thuyền; làm việc với huyện Nghi Sơn và tham quan nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cảng quốc tế Nghi Sơn.
Đoàn làm việc với Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, trao đổi nhiều vấn đề có ý nghĩa như vấn đề: quản lý báo chí, quy định xử phạt tình trạng sai phạm…
Đoàn làm việc với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Thanh Hóa
Đoàn tham quan hội trường Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Thanh Hóa
Lớp Quay phim truyền hình K36 thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Hà Tĩnh
Đoàn sinh viên lớp Quay phim truyền hình K36 gồm 21 sinh viên do TS. Nguyễn Trí Nhiệm làm Trưởng đoàn và Thầy Lê Ngọc Tùng làm phó đoàn phụ trách.
Trong quá trình thực tế chính trị - xã hội tại tỉnh Hà Tĩnh, đoàn sinh viên lớp Quay phim Truyền hình K36 đã có nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa như: làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền Hình Hà Tĩnh để tìm hiểu về tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của tỉnh cũng như hoạt động báo chí tại đây. Bên cạnh đó, đoàn còn đi thực tế, tham quan tại nhiều địa phương trong tỉnh: tham quan mô hình sản xuất, nuôi trồng Nông thôn mới tại xã Tượng Sơn thuộc huyện Thạch Hà; thăm quan nhà máy thép Formosa; thực tế tại huyện Cẩm Xuyên và thăm khu di tích nhà thơ Nguyễn Du.
Đoàn làm việc với Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Tĩnh
Lãnh đạo huyện Tượng Sơn chia sẻ thông tin về tình hình
kinh tế, chính trị, xã hội của huyện
Lãnh đạo báo Hà Tĩnh giới thiệu về cơ cấu tổ chức cũng như chức năng của từng phòng ban trong toà soạn
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả, 7 đoàn thực tế chính trị - xã hội của khoa Phát thanh – Truyền hình đã kết thúc chuyến thực tế chính trị - xã hội thành công tốt đẹp. Các đoàn thực hiện tương đối sát kế hoạch đã đề ra trước chuyến đi thực tế; 100% sinh viên tham gia các nội dung thực tế - chính trị; các hoạt động sinh hoạt, nghỉ ngơi, vui chơi nài kế hoạch đảm bảo văn minh, lành mạnh.
Hoạt động thực tế này đánh dấu một điểm sáng trong chương trình đào tạo năm 2018-2019 của Khoa Phát thanh – Truyền hình nói riêng và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung. Hoạt động một lần nữa khẳng định mục tiêu lâu dài, bền bỉ của Khoa và Nhà trường trong việc gắn quá trình học tập với thực tiễn sôi động và phong phú.
Thực hiện: Công Bắc
Cùng chuyên mục
Bình luận