(Sóng trẻ) - Sáng 21/6, buổi tọa đàm nghiệp vụ báo điện tử và báo truyền hình do CLB Cộng tác viên Báo chí phối hợp với Diễn đàn Cộng tác viên và Trung tâm nghiệp vụ Báo chí Truyền thông đã được tổ chức tại trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, Hà Nội.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỉ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2014), buổi tọa đàm là nơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm giữa những cộng tác viên “nghiệp dư” với các nhà báo có uy tín trong làng báo Việt Nam.
Buổi tọa đàm với sự góp mặt của: nhà báo Nguyễn Thắng – Phó Tổng thư kí tòa soạn Trí thức trẻ, nhà báo Lê Tân – PGĐ truyền hình VTC2, ông Phạm Quang Hợp – Trưởng phòng tin tức di động Tinngan.vn, ông Nguyễn Cao Cường – PGĐ Trung tâm nghiệp vụ Báo chí Truyền thông ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cùng đông đảo phóng viên, cộng tác viên trong và nài địa bàn TP Hà Nội.
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm gồm hai phần chính: Phần I – Truyền hình, truyền thông và Internet trong thời công nghệ số, Phần II - Cách thức xây dựng tin, bài trên Báo mạng điện tử.
Trao đổi trong Phần I của buổi tọa đàm, các nhà báo thể hiện rõ quan điểm báo chí nước nhà đang ngày càng phát triển và nắm giữ vị trí quan trọng. Theo nhà báo Nguyễn Thắng: “Cùng với sự phát triển của Internet, trang mạng xã hội, báo chí truyền thông ngày càng phát triển, khẳng định vị thế. Chỉ cần so sánh truyền thông hiện đại và truyền thông đại chúng của 10 năm về trước là có thể thấy rõ tính năng động và sức đột phá của nó”.
Nhận định về sự phát triển của báo truyền hình, nhà báo Lê Tân cho rằng: “Truyền hình cũng có những bước bứt phá đáng ghi nhận. Sự phân khúc khán giả rõ rệt qua các kênh chuyên biệt, các thiết bị hỗ trợ phù hợp từng không gian, địa hình, những chương trình phát sóng vệ tinh đã đáp ứng hợp lí nhu cầu thông tin và giải trí của khán giả hiện nay”.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Cao Cường đã đặt ra những câu hỏi để mọi người cùng trao đổi, bàn luận về ưu thế của từng loại hình báo chí, theo đó, đồng tình sự ưu việt của loại hình báo mạng điện tử hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Thắng, hiện đang là Phó tổng thư kí Tòa soạn Trí thức trẻ (Shoha.vn), có hơn 10 năm hoạt động trên loại hình báo in nhận định: “Với những ưu thế về dung lượng tin bài, tính tương tác cao, xuất bản tức khắc, lưu trữ khối lượng lớn… báo mạng điện tử ngày càng chiếm lĩnh thị trường báo chí và hứa hẹn những bước tiến xa hơn trong tương lai gần”.
Video thể hiện sự chân thực của truyền hình
Bên cạnh những chia sẻ của khách mời là những nhà báo uy tín, khán giả tham gia buổi tọa đàm cũng đã tích cực bày tỏ quan điểm cá nhân, cách nhìn đa chiều về báo chí truyền thông hiện đại và nêu cao vai trò của nhà báo trong bức tranh toàn cảnh hiện nay.
Bạn Phạm Thường, SV năm 3, Khoa Báo chí, ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn chia sẻ: “Các thiết bị truyền thông ngày này quả thực ngày càng tân tiến. Chúng ta có thể đọc báo in trực tuyến, có thể tìm kiếm bất kì thông tin gì trên báo chí chỉ với chiếc điện thoại thông minh”.
Cùng với những ý kiến chia sẻ đó, bước sang phần II của buổi tọa đàm: Cách thức xây dựng tin, bài trên báo mạng điện tử, rất nhiều cộng tác viên báo chí đã mạnh dạn đưa ra những băn khoăn, trăn trở của bản thân trên con đường lập nghiệp. Những vấn đề được quan tâm và đề cập trong phần II này chủ yếu xoay quanh: cách viết một bài báo chất lượng, có nên duy trì báo giấy, cách lấy nguồn tin mà không cần giấy phép báo chí, chế độ nhuận bút, yêu cầu về ảnh trên báo mạng điện tử hay không.
Khán giả gửi những thắc mắc của mình đến các vị khách mời
Những thắc mắc đã lần lượt được các vị khách mời giải đáp dựa trên quan điểm cá nhân và kinh nghiệm lâu năm của người hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Kết thúc buổi tọa đàm, chị Trần Nhung – đại diện CLB Cộng tác viên Báo chí đã tặng hoa cho các diễn giả nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Đại diện CLB Cộng tác viên Báo chí tặng hoa khách mời
Nguyễn Thùy Trang
Báo mạng điện tử K.33