"Làm đẹp bằng máu" rốt cục là gì mà giới trẻ lại ưa chuộng đến như vậy ?
(Sóng Trẻ) - PRP là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây của các tín đồ làm đẹp. Phương pháp này được nhiều thẩm mỹ viện, phòng khám thẩm mỹ và các cơ sở spa nhận thực hiện với chi phí khá cao, kèm với đó là những lời tư vấn về hiệu quả mang lại của phương pháp này vô cùng ấn tượng.
PRP là liệu pháp làm đẹp bằng máu có tên tiếng Anh là Platelet Rich Plasma sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu của chính cơ thể để trẻ hóa và phục hồi da. Sự ra đời của liệu pháp làm đẹp PRP là một sự tình cờ, khi các bác sĩ sử dụng PRP cho một ca mổ tim và họ nhận thấy khả năng làm lành vết thương một cách nhanh chóng, vì vậy nó đã được áp dụng vào công nghệ làm đẹp. Người ta vẫn thường gọi phương pháp này bằng cái tên là "làm đẹp bằng máu tự thân".
Hiệu ứng gây sốt toàn thế giới
Kim Kardashian - minh tinh nổi tiếng của Hollywood đã đăng tải bức ảnh được đăng tải cùng khuôn mặt đầy máu khi đi làm đẹp tại Viện Thẩm mỹ Miami (Miami Institute for Age Management), đây là một hình ảnh vô cùng ấn tượng về kỹ thuật “làm đẹp bằng máu”. Bức ảnh đã được lan truyền rất mạnh mẽ, và mọi người thắc mắc về phương pháp "kì quái" khi sử dụng máu để làm đẹp trông thật "rùng rợn" kia là gì?
Hình ảnh được cô Kim "siêu vòng ba" đăng tải thu hút mối quan tâm đặc biệt của hàng triệu người theo dõi. Nguồn Internet
Và dĩ nhiên, việc săn lùng phương pháp làm đẹp này của các tín đồ làm đẹp ở thời điểm đó là điều tất yếu. Mới đây thì diễn viên, người mẫu Phi Thanh Vân cũng khiến cư dân mạng được một phen "choáng váng" khi được một người bạn của mình đăng tải bức hình cô đang sử dụng liệu pháp PRP lên trang mạng xã hội. PRP tại thời điểm đó tuy không còn là mới, nhưng không thể không khẳng định rằng việc làm này của cô vẫn mang lại một hiệu ứng nhất định đối với các tín đồ mê làm đẹp.
Hình ảnh diễn viên, người mẫu Phi Thanh Vân trên mặt đầy máu me khiến cư dân mạng được một phen "choáng váng". Nguồn Internet
Thoạt nhìn ban đầu hẳn ai cũng thấy "rùng mình" và mường tượng ra phương pháp làm đẹp này đó là: tiêm máu lên da mặt. Tuy nhiên thì sự thật thì phương pháp này được tiến hành ra sao? Hiệu quả mang lại như thế nào mà đến cô Kim "siêu vòng ba" của Hollywood cũng dám can đảm thực hiện? Và liệu những hệ lụy tiềm ẩn có hay không khi đây là một phương pháp làm tổn thương giả ở dưới bề mặt da ?
Liệu pháp PRP thực chất là gì?
Liệu pháp này “nổi lên như cồn” sau kĩ thuật lăn kim, phi kim sử dụng tế bào gốc sẵn có trước đó. Sau khi lấy từ cơ thể một lượng máu khoảng 30ml, giống như cách lấy máu khi làm xét nghiệm, sẽ phải đem mẫu máu đi xét nghiệm để xem có bệnh lí gì trong cơ thể hay không. Mẫu máu đạt yêu cầu sẽ được xử lý bằng thiết bị ly tâm chuyên dụng để có được dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3 - 7 lần máu bình thường. Đó chính là huyết tương đã được làm giàu tiểu cầu. Chính vì thế mà kỹ thuật này có tên là PRP (Platelet Rich Plasma) - huyết tương giàu tiểu cầu. Khi sử dụng, huyết tương này có thể được pha thêm một số thành phần khác như các vitamin, fillers, collagen,... và được đưa vào các vùng cơ thể với độ nông sâu khác nhau tùy theo yêu cầu điều trị bằng các dụng cụ như kim lăn tay, hoặc kim máy.
Huyết tương giàu tiểu cầu được lấy ra sau khi li tâm. Hình ảnh được lấy từ một spa tại Hà Nội khi đang thực hiện phương pháp PRP cho khách
Nồng độ tiểu cầu trong tế bào bình thường và sau khi ly tâm
Sau khi được đưa vào cơ thể, dung dịch huyết tương giàu tiểu cầu này sẽ giải phóng hàng loạt các yếu tố tăng trưởng giúp tái tạo tế bào mô cơ thể làm các vết thương mau lành và ngăn cản quá trình lão hóa da và các thành phần mô khác của cơ thể. Nói nôm na là như sau, các mũi kim chích vào bề mặt da sẽ là những giọt huyết tương đi kèm, tức là chúng ta tạo tổn thương giả trên da và đưa huyết tương giàu tiểu cầu xuống dưới đó. Và điều này sẽ giúp các vết thương lành rất nhanh chóng, cụ thể là việc tái tạo tế bào mới.
Trong trường hợp của Kim Kardashian ở Hollywood, đã sử dụng cây bút chứa 25 đầu kim nhỏ để đưa huyết tương tiểu cầu vào toàn bộ da mặt của cô. Chính vì thế vẻ “máu me” xuất hiện sau liệu trình. Ở Mỹ, kỹ thuật này còn có “nickname” là Vampire Facial, Vampire Facelift hay Dracula Therapy (mặt nạ ma cà rồng). Bởi sau khi thực hiện tiêm huyết tương thì lượng máu ở dưới đáy sau khi li tâm sẽ được sử dụng làm mặt nạ cho đối tượng sử dụng phương pháp.
Quá trình hoạt hóa của PRP
Hình ảnh minh họa được lấy từ một cơ sở spa tại Hà Nội
Rủi ro tiềm ẩn của PRP
Thực chất, hiện chưa có một công trình nghiên cứu, báo cáo chính thức có đối chứng về tác dụng thực sự của PRP. Những tác dụng của PRP hiện chỉ được nêu ra bởi các thẩm mỹ viện nơi thực hiện nó, hay những người mẫu, diễn viên quảng cáo, đại diện cho phương pháp đó; hoặc là những kinh nghiệm của những người đã thực hiện rỉ tai cho người khác. Và cũng chưa có một nghiên cứu khoa học chính thống nào công bố phương pháp “làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu”. Theo Viện Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Mỹ (American Academy of Orthopaedic Surgery - AAOS), phương pháp PRP mới chỉ được dùng để điều trị chấn thương gân, chấn thương cột sống, viêm dây chằng mạn tính hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối...
Nếu dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối, có thể gây nguy hiểm, tuy điều này rất hiếm có thể xảy ra, mặc dù huyết tương được lấy từ chính bản thân người sử dụng liệu pháp, mức độ tương thích trong việc này được đánh giá rất cao.
Quá trình thực hiện phương pháp này là gây tổn thương giả trên bề mặt da, cụ thể là tác động đến tầng trung bì của lớp da, nếu các dụng cụ y tế không được sát trùng kĩ lưỡng, và thực hiện trong môi trường vô khuẩn thì việc các vết thương bị nhiễm trùng hay mặc các bệnh có thể lây qua đường máu là điều tất yếu.
Nếu quá trình chích hút huyết tương giàu tiểu cầu mà hút lẫn hồng cầu thì những hồng cầu này dễ kết lại thành cục máu đông, hoặc trong quá trình tiêm, kim tiêm làm tổn thương mạch máu lớn dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển lên não, nó sẽ gây nhồi máu não, tai biến rất nặng, có thể tử vong hoặc di chứng liệt suốt đời. Di chuyển xuống ruột, nó gây nhồi máu mạc treo mà nếu không mổ cấp cứu kịp thời, cũng dễ dẫn đến tử vong. Di chuyển xuống chân, nó gây viêm tắc tĩnh mạch chi dưới...
ThS.BS. Nguyễn Văn Thanh, Trưởng đơn vị tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, hiện nay biện pháp lăn kim thực tế cũng gây tranh cãi. Lăn kim tức tạo tổn thương trên da sau đó sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu bôi lên để nhằm trẻ hóa, nhằm xóa vết thâm nám, vết rỗ… Nhưng trên thực tế, hiệu quả mà nhiều người sử dụng ca ngợi chỉ là cảm giác, cảm nhận nài da chứ chưa có một sinh thiết da để thấy cụ thể.
“Vai trò của PRP là hỗ trợ cho quá trình liền vết thương và tái tạo mô mới, vì vậy với những tổn thương thiếu hụt các yếu tố tăng trưởng tiểu cầu thì vai trò của PRP mới phát huy tác dụng”, bác sĩ Thanh lưu ý.
Trao đổi với chị V.D.N (20 tuổi, sống tại Hà Nội), chị cho biết mình vừa thực hiện xong liệu trình đầu tiên của phương pháp PRP, chị tìm đến phương pháp này là do tìm hiểu nhiều nguồn thông tin trên mạng internet, mạng xã hội, hiệu quả từ những người quen đã từng làm phương pháp này, vì da mặt chị bị mụn rỗ đã nhiều năm. Khi được hỏi là phương pháp này chưa có cơ sở nào được cấp phép chị có biết điều này hay không, nếu biết tại sao vẫn làm thì chị cho biết phương pháp này có nhiều người nổi tiếng đã làm vậy tại sao mình lại không dám thử.
Kết luận
Không thể phủ nhận hiệu ứng từ những hình ảnh được đăng tải lên các trang mạng xã hội của những người nổi tiếng khi họ sử dụng phương pháp này, phải nói là vô cùng mạnh mẽ đối với các tín đồ mê mẩn các phương pháp can thiệp xâm lấn để bản thân trở nên trẻ đẹp hơn.
Tuy sử dụng máu tự thân là một yếu tố đảm bảo không xảy ra kích ứng cho cơ thể, nhưng cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ như nhiễm khuẩn tại chỗ hay toàn thân là nguy cơ có thể xảy ra ở mọi khâu: lấy máu, xử lý máu, bảo quản dung dịch huyết tương và quá trình thao tác đưa huyết tương vào cơ thể mà máu lại là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.
Các tín đồ làm đẹp cần có nhận định đúng đắn, sàng lọc thông tin kĩ càng trước khi quyết định thực hiện các liệu pháp liên quan đến vấn đề xâm lấn cơ thể. Đẹp nhưng phải đi đôi với an toàn, bởi những liệu pháp được quảng cáo rầm rộ rất có thể vượt quá thẩm quyền cho phép của các cơ sở làm đẹp thẩm mĩ, điều kiện cơ sở y tế không đảm bảo được môi trường vô trùng gây ra những hậu quả khôn lường bởi những rủi ro tiềm tàng, vì lời lẽ của chiêu thức quảng cáo và lợi nhuận mang lại cho các chủ cơ sở thường tỉ lệ thuận với nhau !
Đỗ Hồng Vân
Chưa được cấp phép Phương pháp PRP không có trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế nên chưa có cơ sở y tế nào được phép làm. Dùng huyết thanh tiêm vào da là một hành vi khám, chữa bệnh, nên nếu cơ sở đã có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh thì bị xử phạt hành vi vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, còn nếu không có giấy phép hoạt động thì bị xử phạt về hành vi khám, chữa bệnh không phép. Cả hai hành vi này đều bị xử phạt 50-70 triệu đồng, nếu là tổ chức thì mức xử phạt sẽ gấp đôi. Người dân không nên sử dụng phương pháp làm đẹp này vì nó chưa được Bộ Y tế cấp phép. Thanh tra Sở sẽ kiểm tra, nhắc nhở và sẽ xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm. TS. BS Bùi Minh Trạng Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM |
Cùng chuyên mục
Bình luận