Làng Canh: Nước mắt hòa chan tiếng cười
(Sóng trẻ) – Làng Canh là tên gọi tắt của Làng Hữu Nghị Việt Nam (Xuân Phương – Nam Từ Liêm – Hà Nội), nơi ở và điều trị của những nạn nhân chất độc màu da cam, những cựu chiến binh từ khu vực Quảng Bình trở ra Bắc. Nơi đây vẫn hàng ngày chứng kiến những nỗi đau thương, mất mát do tàn dư chiến tranh để lại...
Cứ 3 tháng một đợt, những cựu chiến binh, những nạn nhân chất độc da cam từ tỉnh Quảng Bình trở ra Bắc lại đến nơi đây để chữa trị và được chăm sóc sức khỏe miễn phí, đa phần thành viên của ngôi làng là những em nhỏ, những nạn nhân của chất độc quái ác... chất độc màu da cam.
Khi đặt chân đến đây, lắng nghe những câu chuyện từ các mẹ, tận mắt trông thấy cảnh mọi người sinh hoạt mới biết rằng, đằng sau những tiếng cười rộn rã mỗi ngày là những nỗi đau, sự giằng xé về thể xác và tinh thần.
Ở đây có những em nhỏ bị bại liệt hai chân, suốt ngày chỉ lê lết trong một góc phòng, nơi đây có những em bé không nói và lắng nghe được, có em thì bị hỏng đôi mắt, suốt ngày sống trong bóng tối...
Cũng còn đó những chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi, cái tuổi đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Thế nhưng, họ khác những người bình thường về...
Nỗi đau!
Là những sự giằng xé trong những giây phút trôi, có những người không ý thức được việc họ làm, nhưng cũng có những người họ hiểu và mặc cảm đến xa lánh những người xung quanh.
Những nỗi đau từ những bữa cơm, những lần đi tắm, những lúc muốn được chạy đùa với các bạn,muốn đá bóng, muốn nhảy dây, chơi đu quay, chơi gập ghềnh... Những lúc ấy, sự khao khát đáp lại bằng... giọt nước mắt!
Cô gái tên Liên, sinh năm 1994, một cô gái thường xuyên hát tặng mọi người những ca khúc cách mạng, những khúc hát quê hương. Ở tuổi em, em hoàn toàn làm được những điều mình muốn, khám phá những chân trời mới... nhưng ẩn sâu trong đôi mắt em vẫn còn đó những nỗi buồn, niềm đau – em nhiễm chất độc màu da cam.
'
Mẹ nuôi em kể: “Mới hôm qua bố nó đến cõng đưa đi chơi, hai bố con nhìn tình cảm lắm. Mỗi lần em quằn quại trong nỗi đau thì cứ nhắc đến bố là em lại nan ngay”
Máy cắt tóc - nỗi ám ảnh của nhiều em nhỏ nơi đây
Những chiếc đu quay, gập ghềnh là những người bạn của các em nhỏ nơi đây
Tiếng cười chốn đau thương
Mỗi ngày, bên cạnh những nỗi đau, tiếng rên rỉ, khóc gào... vẫn đan xen đâu đó và có những giây phút cái chốn mà mọi người vẫn thường gọi là “chốn đau thương” này vang lên những tiếng cười rộn rã.
Đó là khi các bạn nhỏ đá bóng cùng nhau, những chú thương binh ngồi ôn lại chuyện cũ năm xưa, tiếng cười đến với họ khi có những đoàn tình nguyện tìm về... Và, trong những mảng đen tối ấy vẫn tỏa lên những điểm hồng chứa đựng bao hi vọng.
Các bạn, các em vẫn hát vang câu hò Huế, những ca khúc cách mạng vẫn đều đều vang lên trong những lần sinh hoạt, những trò chơi đu, gập ghềnh vẫn là người bạn thân thiết của họ trong những thời gian rảnh rỗi...
Trong vòng tay yêu thương của mọi người, thì khoảnh khắc nụ cười lại trở lại trên môi các bé
Khoảnh khắc ngộ nghĩnh, đáng yêu
Bé gái xinh xắn này bị câm và không thể nghe được, chỉ bằng cử chỉ và hành động để giao tiếp mà thôi. Em không hát được, không nói được... nhưng em có nụ cười hôn nhiên, trong sáng dành tặng cuộc đời.
Bên cạnh những khoảnh khắc trầm tư, cô gái Liên vẫn có những khoảnh khắc mỉm cười thật đáng yêu như vậy
Nỗi đau – hi vọng, nước mắt - nụ cười, những hình ảnh cứ đeo bám tâm trí những người đã một lần đặt chân đến nơi đây. Để rồi thương, rồi nhớ và lại muốn quay lại thêm nhiều lần...
Đoàn Bổng
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận