Làng lụa Vạn Phúc: Trăn trở với nỗi lo mai một nghề truyền thống
(Sóng trẻ) - Nhiều hộ sản xuất bỏ nghề truyền thống, lớp trẻ không còn mặn mà với nghề ươm tơ, dệt lụa của ông cha… đó chính là những thực trạng đáng lo ngại đang xảy ra ở làng lụa Vạn Phúc. Khi sự thay đổi của nền kinh tế thị trường và sự cạnh tranh của các mặt hàng nhập nại đang là một bài toán khó đối với làng nghề truyền thống nổi tiếng này.
Tiếng thơm làng nghề
Làng lụa Vạn Phúc – Hà Đông từ lâu đã nức tiếng xa gần là một làng nghề truyền thống nổi tiếng trong và nài nước. Năm 2011, lụa Vạn Phúc được phong tặng “Thương hiệu vàng Thăng Long”, sản phẩm lụa Vạn Phúc từ lâu đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được người tiêu dùng yêu thích.
Sản phẩm lụa Vạn Phúc đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng đặc biệt là sự đảm bảo về chất lượng và mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Lụa Vạn Phúc được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, nhờ bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của con người để làm nên những tấm lụa mềm mại, có đặc điểm ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Hoa văn trên lụa Vạn Phúc cũng là một nét đặc biệt. Những hoa văn được sử dụng gồm có 4 dòng chính đó là: Phong cảnh, linh vật, hình khối, hoa văn tâm linh. Hoa văn được dệt trực tiếp chứ không in lên vải như các loại hàng nhập cũng chính là một nét độc đáo của sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Những chiếc khăn được dệt thủ công với đa dạng màu sắc và mẫu mã bắt mắt
Để làm nên một tấm lụa Vạn Phúc, đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn và tốn rất nhiều sức lao động thủ công. Người dân phải đi nhập con tơ về, rồi trải qua các bước như guồng tơ, mắc dọc, dệt, nấu để loại bỏ keo tơ cuối cùng là công đoạn nhuộm màu theo yêu cầu và sấy. Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo của người làm, không phải ai cũng có thể thực hiện. Hiện nay, làng nghề Vạn Phúc có 8 nghệ nhân làm nghề truyền thống được công nhận. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết, hiện cả làng Vạn Phúc có 164 hộ với 265 máy dệt đang hoạt động. Trong đó, có 34 gia đình nghệ nhân và thợ giỏi có trình độ dệt lụa tinh xảo vẫn sản xuất và tiêu thụ ổn định.
Để làm ra một sản phẩm lụa Vạn Phúc phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và hoàn toàn bằng thủ công
Hiện nay, một mét lụa Vạn Phúc chất lượng cao có giá trung bình khoảng 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, đối với loại vải đũi chất lượng cao khoảng 2 triệu đồng/mét.
Khó khăn trong việc phát triển nghề truyền thống
Cũng như bao làng nghề khác, Vạn Phúc hiện tại cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong việc phát triển ngành nghề truyền thống. Nhiều hộ sản xuất đã bỏ nghề vì thu nhập thấp, nếu như vào thời điểm đỉnh cao, cả làng nghề có hơn 2000 hộ sản xuất, với 1000 máy dệt thì hiện tại chỉ một phần nhỏ trong số đó còn bám nghề, giữ gìn nghè truyền thống của cha ông.
Khó khăn đầu tiên đó là về nguồn nguyên liệu và nhân công. Khi các vùng trồng dâu, nuôi tằm ở miền Bắc không còn nhiều như trước, người dân phải vào tận Lâm Đồng để tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Gía của tơ tăng khiến người sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn, hiện nay tơ có giá khoảng 1,5 – 1,7 triệu đồng/kg. Nguồn hàng xa, nên hay gặp sự cố, như bão lũ hàng không ra kịp.
Ông Phạm Khắc Hà, chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho biết: “Ngày xưa, làng Vạn Phúc có 2/3 người làm nghề dệt lụa truyền thống, 1/3 sống bằng nghề nông nghiệp. Mỗi nhà phụ trách một công đoạn. Bây giờ phần lớn sản xuất theo hộ gia đình, gia đình nào nhiều được khoảng 3 hoặc 4 nhân công. Nhân công khác phải đi thuê như mắc, hồ. Nhiều nhà không có đất để đầu tư làm, khi tiền công không được bao nhiêu, không đủ ăn mà giá đất lại cao”.
Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Phúc chia sẻ về khó khăn trong việc gìn giữ nghề truyền thống
Việc duy trì thời gian sản xuất cũng là một vấn đề gây khó khăn. Bởi lẽ phần lớn các hộ sản xuất theo mô hình hộ gia đình, nhà có giỗ rằm, lễ cũng nghỉ… nên ảnh hưởng đến sản lượng. Thanh niên trong làng phần lớn không còn mặn mà với nghề truyền thống, do công việc thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần cù.
Ông Đỗ Văn Minh (63 tuổi) – chủ cơ sở nhuộm Hải Đăng, một người đã gắn bó với nghề hơn 20 năm chia sẻ: “Bây giờ nhiều người không thiết tha lắm với nghề bởi lẽ thu nhập thấp, sản phẩm ít hơn, đầu ra khó khăn hơn vì thị trường đòi hỏi cao hơn, ai làm được thì ở lại, ai không làm được thì bị đào thải hoặc thu lỗ vì không có kinh nghiệm thì không thể làm được”.
Theo ông Minh chia sẻ, công việc hiện nay không đều, có khi làm cả tháng, có tháng lại chơi không. Thời điểm làng nghề phát triển, cả làng có tới 1000 khung dệt thì nay chỉ còn 100 khung. Do yêu cầu của công đoạn nhuộm cần sự tỉ mỉ và hoàn toàn làm thủ công bằng bàn tay con người, nên công việc khá vất vả. Mỗi lần đốt lò nhuộm, phải m đủ hàng cho bõ công đốt, nếu đốt ít sẽ lỗ. Một ngày, xưởng nhuộm của gia đình một ngày nhuộm được hơn 100 mét vải tính ra chỉ đủ ăn.
3 năm chưa bán hết hàng…
Tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng là một trong những thách thức đối với làng lụa Vạn Phúc. Khi môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa lụa truyền thống với các loại hàng nhập, hàng pha. Theo ông Hà cho biết, có những loại mặt hàng bán 3 năm vẫn chưa hết hàng. Thời điểm đông và giữa hè, tháng 6, tháng 7, đầu tháng 8 âm gần như không có khách hoặc ít khách. Vào những ngày cuối tuần là thời điểm đông khách nhất, thế nhưng cũng chỉ đa phần là khách nước nài tới thăm quan.
Vắng khách ghé thăm các cửa hàng trong trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao
Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh cho biết, hầu hết sản phẩm làm ra đều bán tại chỗ, thỉnh thoảng có một vài đơn hàng ở các tỉnh khác. Nhu cầu sử dụng của khách cũng đang dần thay đổi. Hiện tại, nhiều người ưa chuộng hàng pha, hàng nhập hơn hàng lụa truyền thống, vì hàng lụa hay nhàu, khó giặt, những loại hàng sản xuất công nghiệp thường có mẫu mã và màu sắc bắt mắt hơn. Hơn nữa giá thành của hàng pha, hàng nhập rẻ hơn rất nhiều so với hàng lụa truyền thống.
Ở chợ lụa Vạn Phúc, có tới 60% - 70% mặt hàng được bày bán là hàng nhập từ nơi khác, với giá thành rất rẻ, chỉ khoảng 20 đến 120 nghìn đồng một chiếc khăn, 100 nghìn đồng một bộ quần áo. Trong khi đó, trong trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao, một chiếc khăn có giá từ 250 đến 600 nghìn đồng.
Việc kiểm soát nguồn hàng cũng như giá thành sản phẩm ở các hộ kinh doanh tự do, hay chợ lụa, phố lụa cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Trả lời vấn đề này, đại diện hiệp hội làng nghề Vạn Phúc – ông Phạm Khắc Hà cho biết: “Hiệp hội chỉ có quyền vận động, khuyến cáo người dân công khai nhãn mác, giá thành sản phẩm rõ ràng, nài ra không thể kiểm soát hết vì có nhiều hộ kinh doanh không phải hội viên của hiệp hội.”
Thay đổi để tồn tại
Đứng trước nguy cơ nghề truyền thống đang bị mai một, làng nghề Vạn Phúc đang có những thay đổi tích cực để có thể giữ vững thương hiệu lụa Vạn Phúc trên thị trường. Với ủy ban nhân dân phường Vạn Phúc, hiệp hội làng nghề đã thành lập tổ kĩ thuật, đưa thương hiệu làng nghề vào biên vải để khách hàng, khách du lịch dễ nhận biết tránh nhầm lẫn với các mặt hàng khác đang có mặt trên thị trường. Sau thời gian nghiên cứu, một số cơ sở sản xuất đã đưa thương hiệu của mình vào sản phẩm. Hiện nay, có khoảng 65% khung dệt đã đưa thương hiệu vào sản phẩm. Địa phương đã thành lập 2 điểm kinh doanh gồm những hộ cần có trách nhiệm với thương hiệu của mình đó là trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc và công ty cổ phần lụa Vạn Phúc.
Có điều kiện tài chính tốt hơn, nhiều gia đình đã bắt đầu làm nghề trở lại. Sắp tới, hiệp hội làng nghề kết hợp cùng ủy ban nhân dân phường sẽ xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng, biến làng nghề thành điểm thăm quan, du lịch, kêu gọi các gia đình mở dịch vụ homestay để khách lưu trú. Khách quốc tế đến với làng nghề sẽ được trải nghiệm, hình dung cuộc sống Vạn Phúc trước đây, thưởng thức ẩm thực Vạn Phúc xưa. Nài ra, sẽ triển khai đưa chợ đêm Vạn Phúc hoạt động vào cuối năm và mở lớp đào tạo, dạy nghề cho thanh niên, các lớp tập huấn cho các hộ kinh doanh, mở lớp học tiếng anh thông dụng khi có nhiều khách quốc tế hơn. Với tất cả những thay đổi đó, trong tương lai không xa, hi vọng làng lụa Vạn Phúc sẽ giữ vững và nâng cao thương hiệu truyền thống trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trần Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận