Gốm Bát Tràng - tinh hoa sáng tạo nghệ thuật Việt
(Sóng Trẻ) - Trong đời sống văn hóa người Việt Nam, những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc luôn được giữ gìn qua ngàn năm văn hiến với nét đẹp thuần túy và đặc trưng. Trong đó phải kể đến nghệ thuật làm gốm Bát Tràng truyền thống.
Làng gốm Bát Tràng- mảnh đất riêng của cái đẹp lưu giữ hồn dân tộc
Nằm bên tả ngạn sông Hồng thuộc địa phận quận Gia Lâm, Hà Nội, Bát Tràng nổi tiếng qua hơn 500 năm lịch sử với rất nhiều sản phẩm làm từ đồ gốm không chỉ ở trong nước mà còn ở nước nài. Danh tiếng của làng nghề truyền thống này còn được tạo nên bởi tên tuổi của những người nghệ nhân có tài và có tâm. Chỉ với đôi tay và sự tỉ mẩn, tài hoa, họ đã trở thành người điều khiển ,biến hóa đất và nước thành nhiều sản phẩm gốm sứ với đường nét tinh xảo,điêu luyện mà không một nơi nào sánh được.
Gốm Bát Tràng – nghệ thuật biến hóa từ đôi tay nghệ nhân
Đến thăm làng nghề truyền thống, người ta sẽ cảm nhận được sự đông vui, tấp nập bởi sự thăm thú và mua bán diễn ra từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya. Ở những xưởng làm gốm, không thiếu tiếng kêu xầm xập của máy nghiền đất hay tiếng xếp đồ gốm lẻng kẻng. Mọi người đến đây không chỉ thăm thú chợ gốm làng Bát Tràng, mua về những sản phẩm gốm sứ vừa đẹp lại vừa rẻ mà còn thăm quan và tìm hiểu về quy trình mà nghệ nhân tạo ra những tác phẩm độc đáo ấy ra sao.
Bàn tay con người với sự biến hóa kì diệu
Chỉ từ những nguồn nguyên liệu như đất và nước, trải qua rất nhiều công đoạn từ đơn giản đến phức tạp, đồ gốm được sinh ra với vẻ đẹp bắt mắt đến cuốn hút trong từng ánh mắt người nhìn.
Được lấy từ nguồn đất sét trắng Hải Dương, đất được lọc qua nhiều lần để lấy đi sạn, chỉ chọn phần đất thật mịn để làm chất liệu cho vào máy nghiền đất. Thường thì chiếc máy nghiền có trụ xoay ở giữa, người thợ chỉ cần dùng thanh sắt để quấy đất sao cho thật nhuyễn tạo thành chất lỏng có độ đặc vừa đủ để rót vào khuôn tạo mẫu. Sau khi rót đất vào khuôn, đợi 24 tiếng đồng hồ trôi qua, người ta cẩn trọng tháo khuôn một cách cẩn thận để tránh sản phẩm bị sứt mẻ và hư hại.
Rót đất sau khi nghiền xong vào khuôn
Làm gốm đòi hỏi rất nhiều ở nghệ nhân sự tỉ mẩn, khéo léo và kiên nhẫn. Nếu không có đủ những yếu tố đó thì không thể tạo nên được thương hiệu gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng khắp mọi nơi. Khi tháo khuôn, từng sản phẩm được lấy ra và được xếp gọn để đến với công đoạn tiếp theo : lau sạch và làm nhẵn bề mặt đồ gốm. Nghệ nhân Trần Xuân Huy thuộc làng gốm Bát Tràng, ông cho biết : “Đây là công đoạn khá quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến sự mượt mà và tự nhiên của mẫu gốm. Đồ gốm xuất ra có bị sần sùi hay trơn nhẵn hay không tùy thuộc vào đôi tay khéo léo khi cạo và làm sạch bề mặt. Chỉ cần một sơ ý nhỏ ,đồ gốm sẽ không thể đẹp một cách toàn diện và đạt đến độ tinh hoa, nghệ thuật cao nhất.”
Gốm được làm sạch bề mặt và tráng men cẩn thận
Sau khi trải qua quá trình tạo dáng và độ nhẵn, người nghệ nhân nhúng sản phẩm qua nước màu để tạo nên tông màu chính. Tùy theo từng sản phẩm khác nhau mà màu sắc khác nhau. Một nét riêng chỉ có ở làng gốm Bát Tràng đó là nước màu có độ bám chắc rất cao và lâu. Thế nên, chẳng nghi ngờ gì khi còn những gia đình hiện nay vẫn giữ trong ngôi nhà của mình những sản phẩm Bát Tràng đã từ rất xa xưa của tổ tiên để lại. Chính vì lẽ đó mà Bát Tràng được tôn vinh là làng nghề truyền thống lâu đời và mang đậm hồn Việt nhất tại Việt Nam.
Trang trí, vẽ và tráng men là công đoạn rất quan trọng, nó quyết định đến vẻ đẹp của sản phẩm như thế nào. Để tạo nên một đồ gốm đẹp và tinh xảo, người nghệ nhân phải mất rất nhiều công sức và thời gian. Từng chi tiết nhỏ của sản phẩm được họ cẩn trọng khắc tạc và biến tấu với những đường nét, hoa văn tinh vi và sắc sảo. Với cây bút vẽ trên tay và những cây dao, cây cạo, màu nước, họ tiến hành điêu khắc sản phẩm theo phong cách riêng và độc đáo. Đây chính là đỉnh cao về sự sáng tạo nghệ thuật của làng gốm Bát Tràng có một không hai tại Việt Nam.
Cuối cùng, để sản phẩm hoàn thiện và cho ra mẫu đồ gốm đẹp mắt, tất cả được đưa vào lò nung bằng ga có nhiệt độ cao. Đợi một khoảng thời gian nhất định thì thành quả của người nghệ nhân đã được gặt hái.
Tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt, gốm Bát Tràng luôn được ngợi ca khắp mọi nơi với những sản phẩm đạt chất lượng tốt và đẹp mà không phải ở đâu cũng làm được. Nghệ nhân làng gốm không chỉ đơn thuần là những con người lao động bình thường nữa mà đã trở thành người sáng tạo, bảo tồn,lưu giữ và truyền đạt cái đẹp, cái độc riêng đến thế hệ con cháu mai sau.
Lê Thị Hồng
Báo mạng điện tử K35
Cùng chuyên mục
Bình luận