Mở khoá câu chuyện chọn ngành tại toạ đàm “Lựa chọn thông minh, tương lai mở rộng”
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 13/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tọa đàm “Lựa chọn thông minh - Tương lai mở rộng” giúp học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh có cơ hội được lắng nghe thông tin tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp.
Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp - Việc làm (AJC Open Day - Job Fair) là sự kiện thường niên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm giúp các học sinh trung học phổ thông tìm hiểu về các chuyên ngành đào tạo tại Học viện, đồng thời giúp sinh viên tiếp cận với các nhà tuyển dụng uy tín. Năm nay, sự kiện quay trở lại với nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho các sĩ tử và các bạn sinh viên. Trong đó, tọa đàm giao lưu với chủ đề “Lựa chọn thông minh – Tương lai rộng mở” là cơ hội giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều kiến thức quý báu, hành trang vững vàng để “phá thạch khai hoa” đúng với tinh thần của sự kiện.

Toạ đàm ghi nhận nhiều ý kiến từ: TS. Nguyễn Thị Như Huế - Phó trưởng ban Quản lý đào tạo, bồi dưỡng; TS. Nguyễn Thị Khuyên - Phó trưởng khoa Kinh tế chính trị; TS. Vũ Tuấn Hà - Phó trưởng khoa QHCC&QC; TS. Mạc Quốc Anh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đảng ủy/Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Cựu Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Bà Bùi Ngọc Điệp - Phó trưởng ban Thương hiệu và Truyền thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.
Về phương án tuyển sinh của học viện năm nay, TS. Nguyễn Thị Như Huế - Phó trưởng ban Quản lý đào tạo, bồi dưỡng cho biết: “Năm 2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 6 điểm thay đổi lớn về phương án tuyển sinh để phù hợp với quy chế của Bộ Giáo dục Đào tạo. Trong đó, năm nay, Học viện tổ chức xét tuyển kết quả học tập 6 học kỳ thay vì 5 học kỳ như trước. Về chỉ tiêu, học viện sẽ không xác định chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển chỉ có chỉ tiêu theo ngành. Tất cả các thang điểm của các phương thức xét tuyển: kết quả học tập, trung học phổ thông, xét tuyển kết hợp,... đều quy về thang điểm 30 đối với những ngành không có tổ hợp nhân đôi và 40 đối với ngành có môn nhân đôi”.

Những thông tin tư vấn của ban Quản lý đào tạo, bồi dưỡng trong tọa đàm đã giúp các sĩ tử nắm bắt sự thay đổi trong phương án tuyển sinh năm 2025 và hiểu rõ về các ngành đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là cơ sở để các bạn xác định rõ mong muốn cá nhân cũng như cân nhắc lựa chọn phù hợp khi điều chỉnh nguyện vọng.
Trả lời thắc mắc của nhiều bạn học sinh về cách sắp xếp nguyện vọng hợp lý để tối ưu khả năng trúng tuyển vào học viện. TS. Nguyễn Thị Như Huế chia sẻ: “Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên chia nguyện vọng thành ba nhóm: nhóm 1 là các ngành yêu thích nhất, nên mạnh dạn đặt lên đầu; nhóm 2 là nhóm vừa sức, dựa trên điểm chuẩn năm trước và năng lực bản thân và nhóm 3 là nhóm an toàn, ngành mà điểm của bạn cao hơn mức trúng tuyển các năm trước. Cách sắp xếp này sẽ giúp bạn cân bằng giữa đam mê và khả năng trúng tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền”.

Bạn Nguyễn Phương Thúy (học sinh lớp 12, Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ cảm xúc sau khi tham dự tọa đàm: “Mình có mong muốn thi vào các ngành trong khối ngành Báo chí - Truyền thông. Tuy nhiên, tên các chuyên ngành khiến mình khá mơ hồ để lựa chọn và đăng ký nguyện vọng. Nhờ có sự tư vấn trực tiếp nhiệt tình của các thầy cô mà mình hiểu rõ về chương trình đào tạo của các ngành học”.
Để các sĩ tử hiểu rõ hơn về triển vọng của khối ngành Báo chí - Truyền thông, bà Bùi Ngọc Điệp - Phó trưởng ban Thương hiệu và Truyền thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, chia sẻ: “Các tập đoàn viễn thông quân đội như Viettel luôn cần đến nhân lực sản xuất ra các sản phẩm truyền thông. Chúng tôi có thể tiếp nhận sinh viên từ năm 2, năm 3, nếu như năng lực của các bạn trẻ đủ để đáp ứng cho việc quản trị truyền thông và thương hiệu của chúng tôi”.
Thông qua lời chia sẻ từ các diễn giả, thông tin tư vấn từ cán bộ học viện, giảng viên cùng các nhà tuyển dụng, nhiều bạn học sinh, sinh viên đã bước đầu xác lập được hướng đi phù hợp với sở thích và năng lực, từ đó vững tin hơn trên con đường khám phá tương lai nghề nghiệp.