Môn học đại cương liệu có “đáng sợ” như lời đồn?
(Sóng trẻ) - Môn học đại cương đối với nhiều sinh viên là ác mộng, nhưng với một số người khác, cơn “ác mộng” là thứ cần thiết để chuẩn bị cho các môn học chuyên ngành.
5 nguyên nhân khiến sinh viên cảm thấy nhàm chán khi học môn đại cương
Một số sinh viên cho rằng, môn học đại cương thường khô khan, nhàm chán và không quan trọng. Các môn học này là nỗi ám ảnh với nhiều bạn trẻ khi phải học đi, học lại nhiều lần mới qua, thậm chí có người ra trường muộn, bỏ học chỉ vì môn học đại cương.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - giảng viên khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chỉ ra một số nguyên nhân khiến sinh viên thấy nhàm chán khi tiếp xúc với các môn đại cương: Một là, các môn đại cương được bố trí giảng dạy trong các kỳ đầu của khóa học, sinh viên vừa rời ghế nhà trường phổ thông, chưa quen với cách học bậc đại học, lại vấp phải các môn học khó nên dễ chán nản.
Hai là, đang hừng hực khí thế để học đại học, tức là học nghề, mà phải học các môn chưa liên quan đến nghề - cũng dễ chán. Ba là, sau 12 năm đèn sách vất vả, trở thành sinh viên đại học, một số bạn có tâm lý xả hơi, hưởng thụ việc mình là sinh viên đại học, bắt đầu cuộc sống tự lập, xa gia đình, không chịu sự quản lý của gia đình nên có phần lơ là việc học tập nói chung, học tập các môn đại cương nói riêng.
Bốn là, có bạn bắt đầu đi làm thêm nên cũng bị ảnh hưởng về thời gian dành cho học tập. Năm là, chưa ý thức đầy đủ về vai trò của các môn học đại cương, cho rằng các môn học này không thực sự cần thiết. Cũng có thể còn có nguyên nhân từ phía thầy cô - chưa tạo được sức hấp dẫn với các bài học, môn học đại cương.
Học đại cương xong vẫn muốn học tiếp
Tô Thanh Lể (22 tuổi, Quảng Bình), hiện đang là sinh viên năm hai ngành Triết học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, việc học các môn học đại cương rất quan trọng. “Trước đây, mình có học ngành Sáng tác văn học - Đại học Văn hóa Hà Nội. Khi bắt đầu học, mình đã bị cuốn hút bởi những môn học đại cương như: Triết học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học,... Nên mình đã quyết định thi lại để được theo đuổi niềm đam mê với những môn học này”, Thanh Lể cho biết.
Đặc biệt, Thanh Lể chia sẻ rằng, rất thích những môn học đại cương, bởi chúng cung cấp những kiến thức nền tảng để trở thành một công dân “xịn” và là một người hoạt động tốt trong bất kỳ lĩnh vực nào. Bởi những môn học đại cương là nền tảng vững chắc giúp chúng ta tiến sâu vào lĩnh vực nghề nghiệp mà mình chọn.
Để có thể thấy tính hấp dẫn của các môn học bị cho là khô khan này, các bạn cần trải qua quá trình tìm hiểu, đào sâu nhất định. Khi nắm chắc tri thức mới có thể thấy sự hữu dụng của chúng cho công việc, cuộc sống sau này. Thanh Lể chia sẻ thêm: “Nếu chịu nhìn nhận thấu đáo, các bạn sẽ dễ dàng áp dụng kiến thức triết học vào thực tiễn cuộc sống, nên chia nhỏ vấn đề ra để phân tích, gắn vấn đề đó vào cuộc sống hằng ngày thì mới có thể nhớ lâu”.
Đồng tình với ý kiến trên, Nguyễn Thị Huyền Trang (19 tuổi, Hà Nội) hiện đang theo học ngành Kinh tế công nghiệp - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay: “Với mình việc học các môn học đại cương là điều cần thiết, vì những môn học này là nền tảng cốt lõi cho các môn chuyên ngành sẽ học phía sau. Vì vậy, khi bước chân vào môi trường đại học, mình đã cố gắng tập trung các môn đại cương. Những môn học này khá khó và khô khan, nhưng nếu dành thời gian và công sức học hỏi thì sẽ thấy nó hay và thú vị”.
Nhiều người cho rằng những môn học đại cương không cần thiết, suy nghĩ về ý kiến này, Huyền Trang cho biết rằng “Khi mình học sang năm thứ hai thì các môn chuyên ngành đều có kiến thức liên quan đến các môn đại cương, nếu không chắc kiến thức đại cương thì sẽ không thể theo kịp khối lượng kiến thức của các môn chuyên ngành”.
Còn với, Thân Hoài Linh (20 tuổi, Phú Thọ) sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ rằng: “Ban đầu, mình cũng từng suy nghĩ những môn đại cương không quan trọng, nhưng khi học thì mình nhận ra. Đại cương không thực sự vô nghĩa, khô khan như nhiều người nói, mà khi học, vận dụng vào cuộc sống thì nó thực sự có ích. Chẳng hạn những vấn đề liên quan đến Triết học, khi vận dụng giúp mình giải quyết được những vấn đề liên quan đến bản chất của sự việc.”
“Để học tốt các môn đại cương, quan trọng nhất là ý thức tự học, tự nghiên cứu. Bởi hồi cấp 3, nhiều bạn đã quen với việc được giáo viên đọc cho chép, nên lên đại học liền bị hoang mang, không biết nên học gì, chép gì, hay chỉ cần nghe là đủ. Vì vậy, đã có nhiều trường hợp chán nản dẫn đến thi trượt, bỏ học”, Hoài Linh cho biết.
Cách giúp sinh viên không “bỏ cuộc” khi học các môn đại cương
Lời khuyên của TS. Nguyễn Thị Thu Thủy đưa ra: Đầu tiên, phải bắt đầu từ việc giải quyết thông suốt cho sinh viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của các môn học này trong chương trình đào tạo bậc đại học. Đây là những môn học cung cấp kiến thức nền tảng, cơ bản, giúp định hình thế giới quan, phương pháp luận cho sinh viên, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, nghiên cứu các kiến thức liên quan đến từng ngành nghề đào tạo.
Sẽ không có một loại công việc nào trong thực tiễn mà chỉ cần dùng đến 1 loại kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để giải quyết. Ta cần phối hợp nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng liên quan, cần sự nhạy bén, óc phân tích, phán đoán, sự trải nghiệm cá nhân… để đưa ra cách giải quyết phù hợp với tình huống.
Không có 1 môn học nào dạy ta phương pháp, cách thức hoặc đưa ra đáp án mẫu cho những tình huống thực tiễn mà phải bằng sự trau dồi, tích lũy, tổng hợp qua nhiều môn học – trong đó các môn học đại cương bậc đại học đóng vai trò quan trọng. Thông suốt về mặc tư tưởng rồi thì tự khắc sinh viên xác định tâm thế, động cơ học tập nghiêm túc.
Thứ hai, cần hướng dẫn cho sinh viên về phương pháp học tập bậc đại học để các em phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập, tránh việc bỡ ngỡ hoặc máy móc trong học tập bậc đại học, dẫn đến kết quả học tập không như mong muốn mà sinh ra tâm trạng chán nản.
Thứ ba, đặt ra cho mình mục tiêu phải thu lượm được ít nhất một điều gì đó hữu ích với mình – và ghi chép lại, liên hệ, vận dụng vào công việc, vào cuộc sống hằng ngày của mình. Khi có mục tiêu, có nhiệm vụ cụ thể, việc học tập trở nên hứng thú hơn nhiều. Quan trọng là đừng để những điều ta học chỉ dừng lại ở lý thuyết – vừa khô khan, vừa khó nhớ, khó hiểu – hãy tìm cách vận dụng những gì để học vào cuộc sống, dùng nó để giải thích, giải quyết những vấn đề thực tiễn – việc học môn học nào cũng sẽ trở nên thú vị.