Nghề KOC: Thu nhập trăm triệu, thỏa mãn đam mê sáng tạo của giới trẻ
(Sóng trẻ) - Đăng tải các video đánh giá sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội trở thành công việc quen thuộc của nhiều bạn trẻ hiện nay. Công việc đó còn có tên gọi khác là KOC, một ngành nghề “hot” đang được nhiều người quan tâm.
KOC họ là ai, làm gì?
KOC là cụm từ viết tắt của là Key Opinion Consumer (Người tiêu dùng chủ chốt) là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường. Công việc chính là thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những đánh giá, nhận xét. Họ không cần là người có chuyên môn sâu cũng như tầm ảnh hướng lớn như KOL (Người dẫn dắt dư luận chủ chốt). Vì vậy, KOC trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ đam mê sáng tạo nội dung số.
Để tham gia vào mạng lưới KOC, bạn cần đáp ứng đủ những yếu tố như: xác định công chúng, thế mạnh của bản thân, chuyên môn, sáng tạo nội dung và mức độ lan truyền. Thông qua đường dẫn liên kết được gắn trong các bài viết trên mạng xã hội, KOC sẽ dẫn người dùng về website mua hàng và nhận hoa hồng khi có đơn hàng thành công.
Thu nhập trung bình của một KOC dao động từ 8 - 10 triệu/ tháng, thậm chí có thể lên đến 100 - 150 triệu/ tháng. Bên cạnh đó, hình thức này còn cho phép người dùng chủ động kiếm tiền khi họ muốn, ở bất cứ thời điểm hay địa điểm nào. Nhất là trong đại dịch Covid -19, việc ở nhà mua sắm và đăng các bài viết lên mạng xã hội rồi thu về thu nhập 10 con số trở thành công việc “hái ra tiền” của nhiều bạn trẻ.
Mạng xã hội - Mảnh đất màu mỡ để “lập nghiệp”
Chỉ cần dành ra vài phút để lướt các trang mạng xã hội như Tik Tok, Facebook ta sẽ không khó để tìm ra các video với nội dung “review quần áo”, “đánh giá điện thoại”, “review công nghệ,… KOC đóng vai trò là người “thử” và đánh giá sản phẩm, từ đó người xem có thể đưa ra quyết định rằng sản phẩm này có đáng mua hay không.
Hồng Hạnh (20 tuổi, Hà Nội) - KOC trong lĩnh vực làm đẹp cho biết, Hạnh bắt đầu công việc như một sự tình cờ thú vị. Ban đầu Hạnh thường đăng tải các video làm đẹp lên kênh Tik Tok, dần dần số người theo dõi cũng ngày một tăng.
“Mình hay đăng những video trang điểm lên Tik Tok, rồi có một chị mời mình làm KOC vì mình có lượng tương tác ổn. Sau đó mình đồng ý và chia sẻ sản phẩm đã dùng cho mọi người, số người bấm vào liên kết càng nhiều thì phần hoa hồng của mình cũng tăng theo”.
“Trở thành KOC lợi ích đầu tiên tất nhiên là kiếm thêm thu nhập ngay trong mùa dịch mà lại làm tại nhà, thứ 2 là tăng lượt theo dõi trên tiktok, được nhiều người chú ý hơn, thứ 3 thì mình được làm quen với Marketing, không ngờ chính bản thân có thể tạo ra những nội dung hữu ích cho người xem”, Hồng Hạnh tâm sự thêm.
Trong khi đó, Khánh Linh (22 tuổi, Hưng Yên) lại xây dựng trang cá nhân của mình theo định hướng là KOC ngay từ đầu. Từ khi còn học cấp ba, mình đã muốn trở thành một Youtuber nhưng nó khá khó với bản thân mình. Sau đó mình thấy việc trở thành KOC cũng tương tự như vậy, mà dễ hơn nên mình đã bắt tay vào làm ngay và giờ thì đã tự chủ về mặt tài chính, Khánh Linh chia sẻ.
Không chỉ có thu về thu nhập cao, KOC còn là cơ hội để người trẻ phát triển các kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ và xây dựng thương hiệu cá nhân. Bài toán “làm gì sau khi ra trường” đã không còn quá khó như trước nữa, người trẻ tự tin, chủ động hơn trong việc tìm kiếm những lối đi riêng.
Trở thành KOC có dễ như nhiều người nghĩ?
Theo báo cáo của Microsoft & Rakuten Insight dự kiến chi tiêu online sẽ tăng hơn 50 % trong các năm tới. Đây là “cơ hội vàng” cho nghề KOC phát triển, đem đến thu nhập hàng triệu đồng mỗi tháng cho các bạn trẻ. Nhưng đôi khi nó cũng là thách thức, đòi hỏi KOC phải đổi mới, sáng tạo mỗi ngày để không bị lãng quên.
Tại toạ đàm "Từ KOL đến KOC: Tác động xã hội và thương mại", bà Đỗ Kim Dung - Co Founder ECOMOBI (Nền tảng hỗ trợ bán hàng qua mạng xã hội) chia sẻ: “Các nhãn hàng bây giờ cũng rất khó tính, họ luôn nghĩ tới điều đầu tiên là KOL, KOC đó có giá trị gì. Giá trị đầu tiên nhìn vào phải là chủ đề mà các bạn tạo ra, nội dung có giúp ích cho người theo dõi hay không. Thứ hai, tác phong chuyên nghiệp khi tham gia vào các chiến dịch. Cuối cùng là sau khi các bạn tham gia, nhãn hàng trả tiền xong thì họ mang lại điều gì cho nhãn hàng, có thể là đơn hàng, người theo dõi hoặc ấn tượng tốt”.
Theo quy định tại Điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, nghiêm cấm mọi hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ; quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hoá, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên… Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự 2015.
Trách nhiệm với người tiêu dùng, sự cạnh tranh và lòng tin sẽ là những thứ mà bất cứ KOC nào cũng cần phải ghi nhớ khi sáng tạo nội dung. Họ cần có có tâm (đánh giá sản phẩm khách quan), cái tầm (sức ảnh hưởng) và sự đầu tư lâu dài, bài bản.
Thống kê mới nhất từ báo cáo Year in Search 2020 của Google Xu Hướng cho thấy, mức tìm kiếm video liên quan đến "nên mua gì" tăng đến 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tương lai, KOC sẽ là “thị trường tiềm năng” cho thế hệ trẻ có được nền tảng vững chắc từ thu nhập, để có thể nuôi dưỡng niềm đam mê và phát triển nghề nghiệp bản thân.