Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch: Người mang duyên nợ với hát Xoan

(Sóng trẻ) – Với niềm đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc, bao năm qua, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ, bảo tồn, thậm chí là lan tỏa đến bạn bè quốc tế làn điệu hát Xoan nổi tiếng của vùng đất Tổ Hùng Vương. 

Trả “nợ” cho mối duyên gắn với câu hát

"Đào" Lịch sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 đời hát Xoan ở An Thái (xã Phượng Lâu, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) - cái nôi của nghệ thuật hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông nội và cha của bà đều là những nghệ nhân, trùm Xoan nổi tiếng. Có lẽ bởi thế mà chất xoan đã "ngấm" vào người nghệ nhân ấy tự bao giờ.

“Từ nhỏ, tôi đã theo gánh hát của ông nội đi khắp nơi biểu diễn, thức cùng những canh hát thâu đêm suốt sáng, để rồi đến năm 13 tuổi, gần như tôi đã thuộc hết 14 quả cách (làn điệu) và trở thành đào nương trẻ tuổi nhất của làng”, nghệ nhân chia sẻ.

blush-and-tan-girlfriend-birthday-card-4.png
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch.

Theo lời bà kể, thời đó, người biết hát Xoan rất ít nên ngoài vai trò đào Xoan, bà còn phải đảm nhiệm cả kép trống và dẫn cách khi trình diễn tại các lễ hội đình.

Khi đất nước có chiến tranh, lễ hội nhiều nơi không được tổ chức nhưng mạch nguồn hát Xoan ở An Thái vẫn được duy trì. Bà Lịch cùng mọi người trong phường Xoan vẫn truyền dạy cho nhau khi thì bên giếng nước, lúc thì trên cánh đồng. Bởi đối với bà “Lời ca tiếng hát dù trong hoàn cảnh nào vẫn có ý nghĩa của nó, đặc biệt với hát Xoan - đứa con tinh thần do chính những người dân An Thái đã chung sức tạo nên”.   

Kế nghiệp ông cha để lại, giờ đây bà Lịch đã trở thành “bà” trùm của phường Xoan An Thái. Hay như cách bà nói vui “Nhà tôi ba đời làm “trùm” ”.

Nỗ lực giữ gìn làn điệu dân ca

Với mong muốn những làn điệu dân ca không bị mai một, đều đặn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, bà Lịch lên lớp truyền dạy hát Xoan khắp cho các thế hệ. Học trò của bà thuộc nhiều lứa tuổi, không chỉ có các cháu thiếu nhi mà còn có cả những người trung và cao tuổi.

Như nhiều nghệ nhân khác, cách truyền dạy hát Xoan của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng theo lối truyền khẩu. Nghĩa là, nghệ nhân sẽ hát, múa từng nhịp Xoan làm mẫu trước, học trò xem và tập theo.

Theo bà Lịch chia sẻ, hát Xoan vừa dễ lại vừa khó học. Dễ là bởi giai điệu hát Xoan mộc mạc, giản dị và dễ thể hiện... Thế nhưng cái khó ở chỗ, hát Xoan vốn là một nghệ thuật cổ, ca từ đa số theo văn Hán Nôm, động tác tay và chân phải kết hợp nhịp nhàng với lời hát. Đặc biệt, nếu không thật sự yêu thích, say mê và chăm chỉ luyện tập thì sẽ rất khó để học được.

Video những chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch.

Bằng tình yêu Xoan, bà đã giành cả cuộc đời, tâm huyết để duy trì, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật hát Xoan. Và cũng bởi hát Xoan mà bà chèo lái con thuyền cho cả phường Xoan cổ của Phú Thọ đến bến đỗ. Ngày 8/12/2017, di sản hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Đây phải chăng là cách mà nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch trả “nợ” cho mối “duyên” gắn bó của bà với hát Xoan?

Với mỗi người dân Phú Thọ, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch – trùm nữ duy nhất trong lịch sử phường Xoan không chỉ như cuốn từ điển về hát Xoan, mà còn là một phần quan trọng tạo nên bức tranh hát Xoan của mảnh đất Tổ vua Hùng. 

Năm 2005, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2011, bà được Viện Âm nhạc tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác bổ sung xây dựng hồ sơ hát xoan Phú Thọ. Năm 2012, nghệ nhân được UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Đặc biệt năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN