(Sóng trẻ) - Ví
dặm người ơi, nói như hát, hát như nói, những câu ví mộc mạc giản dị, chân
tình thấm đượm trong từng trái tim của những người con Xứ Nghệ từ xa xưa và đến
nay, đã có một chàng trai 9X đang hằng ngày nỗ lực, lưu giữ điệu ví dặm giữa
lòng Thủ đô Hà Nội. Người chúng tôi nhắc tới đó là Nghệ sĩ Lê Thanh Phong, Đoàn
trưởng đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca Xứ Nghệ.
Nghệ sĩ Lê Thanh Phong, Đoàn trưởng đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca Xứ Nghệ
PV: Xin chào Lê
Thanh Phong! Được biết hiện nay Thanh Phong đang là Đoàn trưởng Đoàn nghệ thuật UNESCO di
sản dân ca xứ Nghệ. Vậy, xuất phát từ đâu mà Thanh Phong có suy nghĩ
thành lập đoàn UNESCO di sản dân ca Xứ Nghệ tại Hà Nội?
Thanh Phong: Vâng, Thanh Phong cũng như nhiều người dân xứ Nghệ quê mình dù
đi xa tới đâu thì cũng luôn luôn nhớ về quê hương. Và bao trùm lên hình ảnh quê hương đó là những câu hát
ví dặm mà từ nhỏ đã được bà, được mẹ hát ru. Và chính từ tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đã thôi thúc Thanh Phong có
động lực để xây dựng lên đoàn nghệ
thuật UNESCO di sản dân ca Xứ
Nghệ tại
Hà Nội như hiện nay. Đó là những động lực lớn đã giúp Thanh Phong thành lập câu lạc bộ ví
dặm tại Hà Nội nay là đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca
xứ Nghệ.
PV: Những người trẻ như
Thanh Phong đã mạnh dạn mang đặc sản
dân ca ví giặm Xứ Nghệ ra giữa lòng thủ đô Hà Nội để hoạt động. Vậy, đâu là
những khó khăn mà bạn gặp phải trong những ngày đầu mới thành lập?
Thanh Phong: Thực chất thì dân ca ví dặm cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác,
trong một xã hội mở như thế này có lẽ nó đang đứng trước rất nhiều nguy cơ mai
một, và có thể ít người biết đến
dân ca ví dặm hơn, rồi cũng khó cạnh
tranh với các loại hình nghệ thuật đang phát triển mạnh như bây giờ. Từ
khi thành lập, hầu như đều là các
bạn trẻ đến tham gia sinh
hoạt, kinh phí thì hạn chế, chúng tôi
phải m góp lại với nhau để hoạt động, xây dựng nhiều chương trình để đi biểu
diễn. Đó là những gì mà Thanh Phong muốn chia sẻ ra để mọi người cùng cảm nhận.
PV: Thanh Phong có thể chia sẻ về cách thức
hoạt động của đoàn từ ngày thành lập cho đến nay để độc giả hiểu thêm về mô hình hoạt động của Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ
Nghệ tại Hà Nội?
Thanh Phong: Hoạt động của câu lạc bộ trước đây mang
tính dạy hát và tạo thành một không gian sinh hoạt để các bạn trẻ đến tìm hiểu
ví dặm. Khác với các câu lạc bộ khác, Thanh Phong có hướng riêng là làm thế nào để thu hút được giới trẻ
tham gia mà không bị cứng nhắc. Đó
chính là cách thể hiện thực nghiệm, hóa thân thành nhân vật. Nếu như góc độ
khác chỉ đến ngồi với nhau để học hát rồi đi về thì nó rất là nhàm chán,
còn ở đây thì chúng tôi đã cho các bạn ăn mặc lại, hóa thân thành những cụ đồ
ngày xưa, những chàng trai của
phường chài, phường cấy, những cô gái của phường vải, phường nón mặc trang phục
truyền thống ngồi trước sân đình
để hát.
Đoàn nghệ thuật của Thanh Phong hiện nay được phân ra
thành 2 đoàn nhỏ: Đoàn 1 là đoàn về dân ca truyền thống, chuyên biểu diễn các
ca cảnh, các trích đoạn dân ca ví dặm, tái hiện lại các không gian sinh hoạt ví
dặm ngày xưa. Đoàn thứ hai là đoàn
âm hưởng dân ca xứ nghệ, gồm những ca khúc mới sáng tác và biểu diễn chương trình
ca múa nhạc để nó phù hợp với cuộc sống hiện đại. Đó là 2 đoàn nhỏ của đoàn ví
dặm theo 2 hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó thì câu lạc bộ ngày trước vẫn đang duy trì, có 2 nhóm câu lạc bộ
nữa: Một câu lạc bộ dành cho người lớn
tuổi, cứ chiều thứ 5 hằng tuần, các
cô các bác là đồng hương xa
quê đến tập hát với nhau, còn
câu lạc bộ trẻ thì các bạn sinh viên vẫn tiếp tục đến để làm quen với dân ca ví
dặm. Đó là tất cả những hoạt động của đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội
hiện nay.
PV: Một điều mà
chúng tôi cũng như độc giả sóng trẻ muốn được Thanh Phong chia sẻ thêm đó là,
trong quá trình hoạt động của đoàn thì đã được công chúng đón nhận như thế nào?
Thanh Phong: Vâng, từ ngày đầu tiên thành lập, Thanh
Phong luôn luôn nghĩ ra một điều là ở Hà Nội thì người ta quen với những vở chèo, những chương trình
diễn xướng Hồ văn, chương trình ca múa nhạc đặc biệt
rồi. Thôi, cứ để câu lạc bộ thử sức với những buổi biểu diễn nho nhỏ đã, thời
điểm đó chúng tôi đã kết hợp cùng với Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam,
diễn tại chợ Đồng Xuân, các phố đi bộ rồi nhóm xẩm Hà Thành biểu diễn ở đền vua
Lê khu vực Hồ Hoàn Kiếm phục vụ khách du lịch và họ rất bất ngờ, rồi khán giả
thủ đô đón nhận cũng rất nồng nhiệt, những màn biểu diễn dân ca ví dặm như thể là trích đoạn phường vải, rồi là ân
tình ví giặm, khán giả vỗ tay rất nhiệt tình, đặc biệt nữa là những lúc
Thanh Phong hát bài ví dặm về Bác Hồ, Dâng Người câu ví đất Hồng Lam rồi hành hương về quê Bác…mọi người xúc động lắm. Và từ đấy thì chúng tôi đã có thêm một
động lực, khán giả thủ đô họ đón nhận ví dặm và dường như họ cũng đang mong chờ thêm những món ăn tình thần của người
dân xứ nghệ đưa ra Hà Nội. Đây lại càng thêm động lực để đoàn nghệ thuật chuyên
nghiệp hóa về biểu diễn trong thời gian tới.
Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ chuẩn bị các tiết mục chào đón xuân 2019
PV: Trong quá trình
đoàn đi biểu diễn đã có những kỷ niệm nào với bản thân Thanh Phong cũng như đoàn nghệ
thuật của mình?
Thanh Phong: Vâng, trong quá trình biểu diễn của đoàn
thì có rất nhiều kỷ niệm, nhưng
có 1 kỷ niệm mà Thanh Phong
nhớ nhất đó là một chuyến lưu
diễn của Thanh Phong cùng với Viện Âm nhạc quốc gia tại Uzbekistan, trong
chương trình Festival Âm nhạc thế giới. Chỉ có mỗi mình Thanh Phong đại
diện cho dân ca ví dặm sang hát.
Hát cho người nước nài nghe thì chắc chắn họ sẽ không
hiểu mình hát gì đâu, họ chỉ nghe âm nhạc, và lúc hát điệu “giận thương”, điệu “đại
thạch” thì khán giả vỗ tay theo rất vui. Và có đoàn nghệ thuật của Hàn Quốc có
điệu múa Ariang, họ nhảy điệu A-ri-ang trên nền nhạc ví dặm của mình rất là
vui, rất là xúc động. Khi chúng tôi về với đại sứ quán Việt Nam tại Uzbekistan
biểu diễn thì còn xúc động hơn vì các cô, các bác xa quê lâu, khi mà Thanh
Phong hát bài “phụ tử tình thâm” thì người ta xúc động không nói
nên lời, mọi người ai nấy đều khóc.
Khi hát xong, cúi đầu chào lần thứ nhất thì chẳng thấy ai vỗ tay, cúi chào lần
nữa cũng chẳng thấy ai vỗ tay cả, lúc đó Thanh Phong lo quá không biết mình hát
không hay sao và lần cúi đầu chào thứ ba thì ánh đèn sân khấu nổi lên, khán giả
ở dưới vỗ tay rất nhiều và họ khóc
cũng rất nhiều. Lúc đoàn chia tay để
bay về nước thì các cô bác ở đại sứ quán đến hết. Những người đồng hương
việt kiều bên đấy họ đến chia tay đoàn, cầm tay Thanh Phong mà gọi “Cháu ơi, cho bà về quê với, bà nhớ quê
hương không chịu được nữa rồi. Đó là những kỷ niệm mà khi nhắc lại vẫn
cứ mãi ấn tượng đối với Thanh
Phong.
PV: Xuân Kỷ Hợi 2019
đã đến cận kề, với cá nhân Thanh phong cũng như đoàn nghệ thuật UNESCO di
sản dân ca xứ Nghệ thì đã chuẩn bị những món ăn tinh thần như
thế nào để phục vụ cho công chúng Thủ đô trong những ngày đầu năm mới?
Mùa xuân là một trong những mùa gây cảm
hứng nhất cho công tác biểu diễn cũng như sáng tác ra những tác phẩm văn học
nghệ thuật và đoàn nghệ thuật Unesco di sản dân ca Xứ Nghệ cũng vậy, cứ mỗi độ
xuân về thì đoàn lại tiếp tục dàn dựng những vỡ mới để phục vụ khán giả cũng
như công tác quay hình của các Đài truyền hình đặt hàng.
Đặc biệt Tết năm nay, một lần nữa đoàn lại
tiếp tục được hợp tác với truyền hình VTC để thực hiện một Chương trình nghệ
thuật khá là quy mô với chủ đề là: “Dòng sông chở những câu hò” do chính Thanh
Phong viết kịch bản và Tổng đạo diễn, Chương trình này khái quát những làn điệu
dân ca của 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đó là một bức tranh quê sống
động, trên những dòng sông như sông Mã thì chở câu hát như hò sông Mã, rồi
múa đèn Đông Anh về đến dòng sông Lam… đó có thể khắc họa lên được một bức
tranh quê trên 3 dòng sông ấy, 3 miền đất Thanh, Nghệ Tĩnh trong chương trình
Nghệ thuật này.
PV: Cảm ơn Thanh Phong đã nhận lời trò chuyện với độc giả Sóng Trẻ. Một lần
nữa chúc Thanh Phong và đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca Xứ Nghệ có nhiều
chương trình nghệ thuật đặc sắc và được đông đảo công chúng đón nhận nồng nhiệt!
Bùi Lê Lợi