Nghề thợ khóa - Nghệ thuật từ đôi bàn tay và câu chuyện về chữ "Tâm"

(Sóng trẻ) - Đi dọc qua những con phố đông đúc, thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp một vài người thợ khóa hì hụi bên chiếc máy cắt, xung quanh là kìm, dũa và những xâu chìa khóa treo lủng lẳng. Những con người ấy khiêm tốn ngồi ở một góc nhỏ vỉa hè, như một nét chấm phá mộc mạc, bình dị giữa bức tranh phố thị ồn ã và lắm bon chen…

Nỗ lực đằng sau đôi bàn tay “vạn năng”

Đứng quan sát người thợ khóa mới thấy công việc của họ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và nhẫn nại đến thế nào. Với đôi mắt tinh tường nhận biết từng loại chìa, ổ khóa, đôi bàn tay cắt, dũa khóe léo, chỉ trong vài phút ngắn ngủi đã cắt xong cho người này chiếc chìa khóa cửa, mở cho người kia chiếc khóa tủ bị hỏng.


Nghề thợ khóa không phải hơn thua ở bộ đồ nghề, mà quan trọng nhất là nhờ “chiếc chìa khóa vạn năng”. Chiếc chìa khóa ấy chính là đôi bàn tay tài hoa và sự nỗ lực học hỏi bền bỉ của người thợ.

05e35db78_anh_1.png
Nghề thợ khóa đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và nhẫn nại.

Trước đây, đồ nghề của những người thợ khóa đơn giản chỉ là chiếc ê-tô và cái cưa sắt. Người thợ phải cưa chìa bằng tay, vừa soi vừa sửa rồi thử tra chìa vào ổ khóa không biết bao nhiều lần để làm ra một chiếc chìa khóa hoàn chỉnh. Nhưng người thợ cao tay là người chỉ cần dùng đèn pin soi vào lỗ khóa là đã biết vị trí và độ cao thấp của từng viên bi bên trong để cắt đúng loại chìa. 

Còn bây giờ, bộ đồ nghề của thợ sửa khóa đã chuyên nghiệp hơn. Do đó, khi nhìn những người thợ khóa cắt chìa bằng máy chỉ trong khoảng 2-5 phút, nhiều người cho rằng công việc này hóa ra rất đơn giản. 

05e35db78_anh_2.jpg
Bộ đồ nghề không phải là cái quyết định làm nên thành công và uy tín của người thợ khóa. Mà chính đôi bàn tay tài hoa mới là điều làm nên “chỗ đứng” của một người thợ.

Nhưng theo những người có thâm niên trong nghề, công việc này thực ra không dễ dàng. Cô Hạnh  (thợ khóa ở cổng chợ Sinh viên, quận Cầu Giấy) cho biết:“Việc mà mọi người cho là cắt khóa rất đơn giản, chỉ trong 2-5 phút ấy thực chất đó chỉ là công việc cắt chìa mẫu. Nghĩa là khách có chìa sẵn rồi và họ đưa đến nhờ mình cắt thêm chìa mới dựa vào mẫu đấy. Đó là việc mà cứ ai sáng dạ, được chỉ dẫn một thời gian và có máy móc nữa thì có lẽ ai cũng làm được. Nhưng công việc của người thợ khóa không chỉ có thế. Người thợ khóa giỏi là kể cả khi khách hàng mất chìa khóa, nhưng chỉ xem qua ổ khóa là họ đã cắt ra được loại chìa khớp với lỗ khóa đấy. Công việc này rất phức tạp, thế nên dù đã theo chồng học nghề đến 8 năm nhưng cô vẫn chỉ có thể cắt khóa mẫu, còn sửa khóa, làm chìa thì chỉ có chồng cô – người đã hành nghề 20 năm mới làm được.”

Công việc làm nghề thợ khóa rất vất vả. Đơn hàng chủ yếu trong ngày thường là những sinh viên nhờ làm thêm chìa khóa, hầu hết là loại chìa Viettiep, có giá chỉ tầm 5-10 nghìn đồng. Do đó, thu nhập mỗi ngày của người thợ khóa rất bấp bênh. Cô Hạnh cho biết: “Nhiều người còn mắc bệnh lãng tai do phải thường xuyên làm việc với máy cắt, tiếng ồn phát ra với cường độ lớn. Hơn nữa, vì để có đông khách nên thợ khóa thường phải ngồi ở những ngã tư đông đúc, tiếng ồn từ còi xe, hay khói bụi cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vất vả như thế nên rất ít phụ nữ theo nghề thợ khóa, may ra chỉ có cánh đàn ông trụ được với nghề”. 

05e35db78_anh_3.jpg

Do phải thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, tiếng ồn và tiếp xúc với nhiều tạp chất trong quá trình cắt khóa nên sức khỏe của người thợ khóa bị bào mòn theo thời gian.

Thế nhưng, vì đam mê với nghề, vì niềm vui khi mở được loại khóa khó và giúp ích được cho mọi người, nhiều người thợ khóa vẫn ngày ngày tiếp tục tìm tòi và cần mẫn với công việc của mình.

Nghề chọn người vì chữ “tâm” 

Tâm sự về công việc của mình, nhiều người thợ khóa đều ngậm ngùi “Nghề sửa khóa này dù giỏi đến đâu cũng chẳng có chút tiếng tăm nào. Người ta chỉ nhớ đến mình khi … mất chìa khóa”.  

Và tréo nghoe hơn, công việc tưởng như chẳng ai nhớ tới như thế, nhưng mỗi khi trong khu vực xảy ra mất trộm thì thợ khóa lại là đối tượng bị lực lượng chức năng để mắt đến đầu tiên. Khi nói đến vấn đề này, đa số thợ khóa đều cho rằng đó chuyện “tất lẽ dĩ ngẫu”, bởi “thợ khóa không muốn thì thôi, chứ đã muốn thì lấy đồ của thiên hạ dễ như trở bàn tay, vì hiếm có ổ khóa nào mà chúng tôi không mở được. Công an người ta nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.”  

Do đó, muốn trở thành một thợ khóa, không chỉ cần đến tài năng mà còn cần đến cái tâm trong sạch. Bởi với cái nghề bị đặt giữa ranh giới mong manh giữa thiện và ác như thế thì điều quan trọng nhất là có cái tâm vững vàng để không lung lay trước mọi cám dỗ. 

Nhưng chỉ với cái tâm, cái đức thôi thì chưa đủ, người thợ khóa còn cần phải có mắt nhìn người. Những người thợ khóa lâu năm, nhiều kinh nghiệm chỉ cần nhìn là biết đâu là kẻ ngay, đâu là người gian. Họ luôn đề cao cảnh giác và có những “tủ bài” riêng để tránh rơi vào trường hợp tiếp tay cho kẻ xấu. 

1412cba34_anh_4.jpg
Người thợ khóa phải luôn tận tâm với khách hàng, nhưng đồng thời cũng cần có mắt nhìn người, sự nhạy cảm và tỉnh táo trước những yêu cầu có thù lao cao bất thường.

Một trong những đơn hàng mà người thợ khóa có tâm nào cũng từ chối đó là những lời nhờ cắt lại chìa vẽ trên giấy hoặc in trên miếng xà bông, vì chỉ có kẻ cắp mới dùng đến hình thức này. 

Trường hợp thứ hai mà người thợ khóa luôn phải dè chừng đó là những vị khách nhờ đến tận nhà để mở khóa. Có không ít trường hợp những thợ khóa vì tin khách hàng mà đến tận nhà giúp, cuối cùng lại bị quy là đồng phạm.

Trải qua gần 10 năm theo chồng học nghề làm khóa, cô Hạnh chia sẻ chồng cô cũng có nhiều phen bị nghi oan như thế. “Có hôm có cậu thanh niên đến nói là vừa làm mất chìa khóa tủ nên nhờ chồng cô đến tận nơi để mở giúp. Chồng cô cũng nhiệt tình đến mở khóa hộ, nhưng vì đã có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nên chú vẫn cảnh giác, bắt cậu thanh niên kia phải ngồi yên cạnh đấy thì mới mở. Lúc chú vừa mở xong khóa tủ thì chủ nhà về và cho rằng chú là kẻ trộm. Hỏi ra thì mới biết cậu thanh niên kia biết nhà này có thói quen cất tiền trong tủ nên muốn ăn trộm, nên mới giả vờ đến nhờ chồng cô đến mở hộ. Nhưng vì lúc mới vào nghề, chồng cô cũng đã trải qua những tai nạn dở khóc dở cười như thế nên chú vẫn bình tĩnh giải thích để mọi người hiểu. Nếu là những thợ khóa ít kinh nghiệm thì chắc sẽ không biết phải xử trí thế nào.”

Bên cạnh câu chuyện về gánh nặng về cơm áo, dân thợ khóa còn thường tâm sự với nhau về những trăn trở khi tìm đồ đệ. Người tìm đến học nghề làm khóa không phải là ít, nhưng làm sao để chọn ra được người vừa có tài, vừa có cái tâm trong sạch thì không hề đơn giản. Vì lí do đó mà nhiều bậc thầy trong nghề thợ khóa luôn muốn truyền nghề lại cho con cháu trong gia đình. Nhưng nhiều người cũng chia sẻ rằng, “con cháu chúng tôi thì lại không hứng thú với cái nghề này, nhưng chúng tôi lại không yên tâm khi truyền nghề lại cho người nài, bởi ai biết được họ sẽ vận dụng những gì mình dạy vào mục đích gì.”

Hoài Phương – Đào Phương
Báo chí Đa phương tiện K34A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"

Tin nổi bật2 giờ trước

(Sóng trẻ) - Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (NMK) sẽ chính thức khai trương phòng trưng bày cố định đầu tiên dành riêng cho bộ sưu tập "Oegyujanggak Uigwe" vào thứ sáu,15/11.

196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

Tin nổi bật3 giờ trước

(Sóng trẻ) - Ngày 14/11, lễ trao giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” diễn ra tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay

Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay

Tin nổi bật4 giờ trước

(Sóng trẻ) - Là một hoạt động nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chuỗi workshop âm thanh “Lắng Nghe Sâu” mang đến trải nghiệm âm thanh độc đáo giúp người tham gia tương tác, cảm nhận và kết nối với không gian xung quanh.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN