(Sóng trẻ) - Gia đình bà Lê Thị Mỵ là một trong số ít những hộ dân ở làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội) còn theo nghề làm nón truyền thống. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà Mỵ và người em gái là bà Lê Thị Hà Tới vẫn miệt mài gìn giữ tinh hoa nghề xưa.
"Che nghiêng vành lá dưới trời chờ ai Một lần về với Thanh Oai Mang theo nỗi nhớ - Nón người làng Chuông" (Trích tập thơ “Phía không anh” – Hoàng Cẩm Thạch)
Làng Chuông từ hơn ba thế kỷ trước đã nổi danh khắp nước với những chiếc nón lá tinh xảo, mang đậm hồn quê Việt. Theo thời gian, số hộ duy trì nghề này ngày càng thưa dần. Đứng trước nhiều đổi thay, 2 chị em nhà bà Mỵ vẫn bền bỉ với nghề, được ví như “chứng nhân lịch sử” của làng.
"Làm nón vất vả mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Lũ trẻ bây giờ chẳng mấy đứa còn theo. Thế hệ chúng tôi mất đi, e rằng nghề này cũng khó giữ nổi" – bà Mỵ nghẹn ngào. (Ảnh: Ngọc Anh)Phần cũng vì tuổi cao sức yếu, bà không thể một mình cáng đáng mọi khâu làm nón. Vì vậy, cứ đều đặn 5 giờ sáng, gia đình bà nhận thu mua những bó nứa già - nguyên liệu làm khung nón - từ người trong làng. (Ảnh: Viên Ánh)Có lẽ, những chồng nứa xếp dọc trên đường nhỏ dẫn vào làng chính là dấu hiệu hiếm hoi cho người phương xa biết rằng, làng Chuông vẫn còn người giữ nghề làm nón. (Ảnh: Viên Ánh)Nứa sau khi phơi đủ độ vẫn chưa thể dùng ngay. Nứa cần chẻ nhỏ, vót nhẵn để làm khung nón. Bà Nguyễn Thị Hải (60 tuổi, làng Đôn Thư) là người giúp bà Mỵ hoàn thiện khâu này. Trước đây, mỗi ngày bà vót đủ nan cho cả chục chiếc nón, giờ chỉ làm cầm chừng. “Cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, nhưng còn người làm là còn làng nghề, còn cái nếp cũ để hoài niệm” – bà Hải nói. (Ảnh: Ngọc Anh)Phần lá lụi, nguyên liệu chính làm nên nón Chuông, cũng được bà Mỵ thu mua và chọn lọc cẩn thận. Vào những ngày có nắng, dọc đường làng trải dài lớp lớp lá trắng xanh. Lá được vò với cát rồi phơi 2-3 nắng đến khi chuyển màu trắng bạc. Sau đó, hun lá với lưu huỳnh (diêm sinh) để đạt độ trắng nhất định, rồi được ủi phẳng, chọn lọc kỹ trước khi đưa vào công đoạn chằm nón. (Ảnh: Viên Ánh)Khi nguyên liệu sẵn sàng, khoảng 6 giờ sáng, bà Mỵ và bà Tới bắt tay vào định hình chiếc nón, hay còn được gọi là lên khung. Nếu khung nón là xương sống, thì bàn tay người thợ là linh hồn. Đôi bàn tay bà nhăn nheo nhưng thoăn thoắt, luồn lạt, uốn nan, ghép vòng, từng bước tạo nên hình hài chiếc nón. (Ảnh: Viên Ánh)Để làm nên bộ khung vững chắc, nghệ nhân phải ghép từng vức vòng (nan nón). Một chiếc nón làng Chuông đạt tiêu chuẩn phải có ít nhất mười sáu vức vòng – những vòng tròn vót từ cật nứa, uốn đều, nối mạch, tuyệt đối không để lại vết gãy. “Vức vòng chắc, nón mới bền, mới có cái thần,” bà Mỵ vừa nói, tay vẫn thoăn thoắt làm. (Ảnh: Viên Ánh)Tiếp đó, lá nón được rải đều lên khung - một công đoạn quyết định vẻ đẹp và độ bền của sản phẩm. Lá phải được chọn kỹ, không quá dày để giữ nét thanh thoát, nhưng cũng không quá thưa để đảm bảo độ bền và che nắng tốt. (Ảnh: Ngọc Anh)Cứ rải một lớp lá, rồi đến lớp mo cứng, sau đó lại phủ bên ngoài một lớp lá lụi trắng sạch. “Chiếc nón thành phẩm phải chứa cả ba lớp lá. Cái khéo là khi cầm lên vẫn phải thấy mỏng nhẹ thì mới đúng là nón đẹp” - bà Lê Thị Hà Tới (em gái bà Mỵ) chia sẻ. (Ảnh: Viên Ánh)Cuối cùng, nghệ nhân sẽ dùng chỉ cước hoặc sợi guột – loại sợi chẻ từ cây giang – để chằm nón. Mỗi mũi kim phải chắc tay, sợi chỉ căng đều, nếu lỏng hoặc lệch, nón sẽ hỏng kết cấu. (Ảnh: Ngọc Anh)Từng công đoạn như vức vòng, quay nón, thắt, nức, nhôi nón… cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày trong căn nhà nhỏ của 2 bà, từ sớm đến khuya. Dù vất vả và lắm công phu, điều này lại góp phần tạo nên những chiếc nón Chuông thanh thoát mà bền bỉ trước nắng mưa. (Ảnh: Ngọc Anh)Giữa nhịp sống hiện đại, những chiếc nón Chuông vẫn được gìn giữ như một phần di sản văn hóa. Và đâu đó, những người như gia đình bà Mỵ vẫn lặng lẽ nâng niu “hồn quê” trên từng vành nón lá. “Nghề này truyền từ đời cụ tôi, bố mẹ tôi, đến tôi. Đời con cháu thì tôi chẳng mong chúng nó biết làm nón, chỉ cần biết đôi ba bước để kể về nón là tôi mừng rồi…”. (Ảnh: Ngọc Anh)
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.