Người họa sĩ mù phác họa chân dung Bác Hồ bằng máu

(Sóng Trẻ)- Sài Gòn ngày 28-04-1975, trong trận giao tranh ác liệt với lực lượng binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, người chiến sĩ – họa sĩ Lê Duy Ứng đã bị thuơng nặng  và mù cả hai mắt. Trong giây phút hiểm nguy đó, ông vẫn bình tĩnh với một lòng dũng cảm tuyệt vời  dùng máu từ chính đôi mắt của mình phác họa nhanh bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 40 năm trôi qua, khi nhớ lại khoảnh khắc đó, người chiến sĩ – họa sĩ năm nào nay đã là Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vẫn không khỏi xúc động và tự hào.

PV: Xin chào Đại tá Lê Duy Ứng. Cảm ơn ông vì đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

PV: Thưa Đại tá, sức khỏe của ông thời gian gần đây như thế nào ?

Sức khỏe của tôi vẫn tốt chỉ là hai mắt giờ mờ đục hơn ngày trước thôi. Không có gì đáng ngại, vẫn còn khỏe để vẽ vời.

PV: Đôi mắt đối với một người họa sĩ theo cháu được biết là rất quan trọng. Nhưng ông lại mất đi đôi mắt từ năm 1975. Điều đó chắc hẳn rất khó khăn phải không?

Họa sĩ mà mù thì còn gì là họa sĩ. Tôi là họa sĩ mù được gần 40 năm rồi vì có một thời gian mắt tôi được phẫu thuật và sáng trở lại. Nhưng mình mù mình không cảm nhận cuộc sống bằng mắt. Mình cảm nhận bằng cái tâm hồn của mình. Tâm hồn người họa sĩ còn quan trọng hơn đôi mắt. Người họa sĩ mà thiếu tâm hồn, thiếu tinh thần thì dù mắt sáng đến mấy đi chăng nữa cũng không thấy được cái đẹp của cuộc sống. Cho nên trong cái rủi lại có cái may, ông bà ta nói thế mà. Mắt tôi mù nên lòng tôi buộc phải sáng hơn, tâm hồn cũng phải thăng hoa hơn. Nhờ thế mới vẽ tranh được.

bb02b9565_8.jpg
Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và bức phác hoạ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu

PV: Có phải thứ tinh thần và tâm hồn đó đã giúp cho anh chiến sĩ Quân Đoàn 2 Lê Duy ứng năm nào dù bị mất đi đôi mắt vẫn kịp phác họa bức chân dung Bác Hồ bằng máu khiến cho hàng triệu trái tim Việt Nam thổn thức ?

Trong giây phút đấy khi mà quả pháo chống tăng nó nổ cách mình 60m thực sự tôi đã nghĩ :” thôi thế là chết rồi”. Nhưng trước khi chết tôi muốn làm gì đó vì chiến thắng đã rất gần rồi. Trong đầu tôi lúc đó hiện ra hình ảnh của Bác và thế là tôi vẽ. Người Việt Nam mình không ai là không kính yêu Bác. Cho nên lúc đó tôi không nghĩ tôi là một họa sĩ mà tôi nghĩ cảm xúc đó rất tự nhiên của một người Việt Nam đối với Bác vậy.

PV: Sau bức họa nổi tiếng đó, cái tên Lê Duy Ứng được nhiều người biết đến. Ông nghĩ điều mình được nhất ở đây là gì? 

Tôi không vẽ tranh để bán nhất là vẽ về Bác. Khi tôi vẽ mọi thứ đều xuất phát từ tình cảm, cảm xúc chân thật nhất dành cho Bác. Lúc đó tôi chỉ nghĩ về Bác thôi. Cho nên cái tôi được nhất chính là tình cảm của mọi người. Còn một cái được nữa đó là được gặp Bác Giáp. Bác Giáp có đến thăm hỏi và động viên tôi khi tôi đang điều trị tại bệnh viện 108. Tôi còn nhớ như in Bác Giáp nói với tôi:” Ứng giỏi thật, đôi bàn tay thật nhạy cảm”. Lúc đó tôi vui sướng không gì bằng.

bb02b9565_9.jpg
Hoạ sĩ Lê Duy Ứng chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( Ảnh do NVCC)

PV: Cháu được biết nài vẽ tranh ông còn đắp tượng, làm thơ về Bác Hồ. Nhưng Bác Hồ là một nguồn cảm hứng vô tận với nhà văn, họa sĩ...Việt Nam. Liệu rằng cái tên Lê Duy Ứng và bức họa năm nào trở nên nổi tiếng là vì nó được vẽ bằng chất liệu đặc biệt – đó là máu? 

Phải nói như này, tôi lấy máu thay mực vì lúc đấy không có mực để vẽ tranh. Cho nên đối với tôi mà nói máu hay mực thì cũng như nhau thôi. Giả sử lúc đó tôi có mực trong tay thì tôi cũng sẽ dùng mực để vẽ tranh chứ không dùng máu của mình. Còn đối với Bác Hồ, tôi luôn một lòng kính yêu vì tôi cũng là lính cụ Hồ. Chính vì điều đó trong lòng tôi Bác luôn là một nguồn cảm hứng và đề tài vô tận.

PV: Sau bức tranh bằng máu phác hoạ Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đã biết nhiều hơn về ông. Nhưng lại không nhiều người biết ông đã từng muốn tự tử? Vì sao ông lại có suy nghĩ muốn tự tử? 

Tôi đã ít nhất 3 lần muốn tự tử nhưng không thành. Có lẽ trời chưa cho tôi chết nên toàn được người khác cứu. Chuyện này không phải ai cũng biết chỉ có một vài đồng đội của tôi biết được. Còn lý do là vì khi tôi bị mất đi hai mắt tôi gần như tuyệt vọng. Lúc đó tôi chỉ muốn được chết vì tôi không biết cuộc sống sau này sẽ như thế nào khi tôi vĩnh viễn bị mù. 

PV: Đó cũng chính là sự hi sinh của người lính cho đất nước, cho dân tộc, thưa ông ?

Đúng vậy, đồng đội tôi nhiều người còn bị thuơng tật nặng hơn tôi nhiều. Tôi có anh bạn tên là Phơn người Thanh Hoá bị thuơng tật rất nặng. Anh ấy bị mù hai mắt, cụt hai tay và mất một bên mặt. Tuy nhiên anh ấy rất lạc quan và yêu đời. Chính cái tinh thần lạc quan đó của anh mới khiến tôi từ bỏ ý định tự tử. Tôi và anh ấy ở chung phòng bệnh từ hồi còn điều trị ở bệnh viện 108. Đến nay cả hai làm bạn với nhau cũng đã gần 40 năm. Cho nên nói người lính chúng tôi có những tình bạn, những tinh thần rất đẹp và mạnh mẽ.

PV: Cháu chợt nghĩ đến những người còn khỏe mạnh, mắt sáng, nhưng lại lười biếng, suy nghĩ tiêu cực, không chăm chỉ và cố gắng vươn lên phục vụ đất nước ?

Mỗi thời có một nhiệm vụ khác nhau. Thời của tôi là thời chiến nên đối với thế hệ tôi đóng góp lớn nhất là dành được độc lập cho đất nước như di nguyện của Bác. Thời của các cậu là thời bình, nhiệm vụ của các cậu là xây dựng đất nước giàu mạnh. Thế hệ của tôi đã già rồi, lẩm cẩm hết rồi, nhưng thế hệ của các cậu thì khác. Các cậu vẫn còn trẻ, còn khỏe mạnh thì phải tích cực lên, lao động và học tập. Tôi thấy nhiều bạn thanh niên mà nhìn còn uể oải, mệt mỏi hơn cả mấy ông già bọn tôi nữa(  cười). Tôi chỉ có mấy lời nhắn nhủ các cậu như vậy. Mong rằng thế hệ trẻ cố gắng phấn đấu trong lao động và học tập để xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp hơn.

PV: Thưa ông, trong hai chức danh Đại tá Lê Duy Ứng và họa sĩ Lê Duy Ứng thì ông thích vai trò nào của mình hơn? 

Cả hai tôi đều thích. Nhưng mà nói là thích hơn thì bản thân tôi là anh bộ đội thì trước tiên tôi phải là lính trước đã. Còn vẽ tranh, đắp tượng chỉ là cái máu nghệ thuật trong người. Như tôi vẫn hay nói đùa với mọi người. Cuộc đời tôi có hai chữ sĩ. Một là chiến sĩ, hai là họa sĩ.

PV: Ông có thể chia sẻ một chút chuyện riêng tư được không?  Cuộc đời ông có phải rất may mắn khi được bà nhà 2 lần cầu hôn? 

Đây là một câu chuyện khá vui. Vì khi tôi bị thương nặng như vậy tôi đã nghĩ mình còn không lo nổi cho mình huống chi là lo cho vợ con. Chính vì thế tôi đã tìm cách tránh mặt và từ chối bà ấy mặc dù tôi và bà ấy yêu nhau và đã có hẹn ước. Nhưng bà ấy đã làm cái việc mà lẽ ra tôi phải làm đó là cầu hôn tôi. Bà ấy nói với tôi là bà ấy muốn trở thành đôi mắt của tôi. Và tôi cho rằng đấy là việc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi. Nếu không có bà ấy bên cạnh có lẽ tôi không bao giờ có nhiều niềm tin để mà sống tiếp nữa.

PV: Con trai ông hiện cũng là một họa sĩ. Anh Lê Đông Hà, đó là một cái tên gắn liền với nhiều kỷ niệm? 

Con trai lớn tôi tên là Lê Đông Hà, con gái tên là Thu  Hà. Đông Hà là nơi tôi gặp bà nhà tôi trong chiến trường Quảng Trị còn Thu Hà là mùa thu Hà Nội. Tôi không định hướng cho con tôi, nhưng nó cũng yêu và đam mê hội họa. Tôi rất vui về điều đó.

PV: Trong tương lai ông có dự định mở một cuộc triển lãm các tác phẩm của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh không? 

Đấy cũng là ước nguyện của tôi. Mặc dù tôi vẽ không giỏi cũng không phải mở triễn lãm vì cái này cái khác. Tôi chỉ suy nghĩ đến tình cảm của tôi dành cho Bác. Tôi muốn thể hiện cái tình cảm đó bằng hội họa.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc ông nhiều sức khỏe để có thể vẽ thêm nhiều bức tranh đẹp về Bác !

Vũ Văn Ninh
Báo chí ĐPT K34 A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN