Người trẻ thất nghiệp, ngại kiếm việc
(Sóng trẻ) - Nhiều người trẻ hiện nay lười tìm việc vì không gặp áp lực kinh tế, liên tục gặp thất bại trong quá trình xin việc.
Dành hầu hết thời gian cho các hoạt động ngoại khóa và học tập, Đinh Quang Đức (21 tuổi), chuyên ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Hạ Long, lo sợ về lộ trình công việc trong tương lai. Đức chia sẻ: “Vì chuyên ngành của mình cần sự tập trung và tự mày mò cao, thời gian rảnh mình thường về nhà phụ giúp cho gia đình nên mình không chủ động kiếm việc, sau khi tốt nghiệp mình sợ sẽ không có công việc phù hợp vì ít kinh nghiệm thực tế”. Hiện tại, Đức đang đang có những dự án riêng về lập trình nhằm nâng cao kiến thức của bản thân.
Không chỉ là vấn đề tài chính, thất nghiệp còn tác động mạnh đến tâm lý. Nguyễn Đức Nguyên (21 tuổi), chuyên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành trường Đại học Hạ Long, đang chịu áp lực tinh thần nặng nề khi chưa tìm được việc làm phù hợp bản thân. Nguyên cho biết ngày nào anh cũng lùng sục tất cả các nguồn tin tuyển dụng với hy vọng sớm tìm được việc làm ưng ý.
“Thời gian đi thực tập, mình có được công việc phù hợp với bản thân. Tuy nhiên khi mình muốn gắn bó tiếp với cơ quan thì lại không được nữa, một phần vì chưa đủ kinh nghiệm, một phần chưa đáp ứng được thời gian. Mình rất muốn quay lại làm việc tại đó sau khi tốt nghiệp”, Nguyên chia sẻ.
Trên mạng xã hội Threads, nhiều bạn trẻ than phiền, cảm thấy lo âu vì không có việc làm. Các bài viết nhận được nhiều lượt bình luận và chia sẻ, đa số đồng cảm với người đăng tải vì cũng gặp trường hợp tương tự. Nội dung bài viết xoay quanh việc làm trái ngành nghề vì khó chen chân, nhu cầu thị trường thấp; mức lương không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt…
Để kiếm vốn làm ăn, nhiều sinh viên chọn trở thành tài xế công nghệ vì nghề này mang lại thu nhập cao dù vất vả. Trong khi đó, lương cơ bản cho người mới ra trường làm việc tại cơ quan nhà nước chỉ khoảng 3.253.000 đồng/tháng đối với sinh viên tốt nghiệp Đại học và 2.919.000 đồng/tháng đối với sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng, theo hệ số 2,34. Không duy trì được tiền trọ, tiền sinh hoạt, nhiều sinh viên chọn chạy xe ôm một thời gian nhằm đảm bảo kinh phí ổn định cho sự nghiệp.
Bạn Nguyễn Văn Minh chia sẻ dù đã tốt nghiệp gần một năm, nhưng vẫn chưa tìm được công việc có mức lương ổn định. Trong thời gian chờ đợi, Minh tạm làm nghề xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống. “Mỗi tháng mình có thể kiếm được từ 8-12 triệu từ việc chạy xe ôm công nghệ, số tiền này vừa giúp mình trả tiền trọ, tìm kiếm cơ hội có việc làm phù hợp trong thời gian tới”.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trong quý 3/2024 tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) giảm, song tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo lại tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi ở mức 7,75% (1,4 triệu), thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu, nhưng vẫn duy trì mức cao.
Nhằm khắc phục những bất cập của thị trường lao động trẻ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Cùng với đó, tăng kết nối cung – cầu lao động, chú trọng tạo việc làm mới cho người lao động.